“Biển người” trẩy hội đầu xuân

Ngày 10-2, tức mùng 6 tháng Giêng, hàng loạt lễ hội lớn ở miền Bắc chính thức khai hội, mở đầu cho hàng ngàn lễ hội lớn nhỏ diễn ra cho đến hết tháng 3 âm lịch. 
Hàng vạn người đổ về chùa Hương (Hà Nội) trong ngày khai hội gây tình trạng ách tắc cục bộ. Ảnh: THU HÀ
Hàng vạn người đổ về chùa Hương (Hà Nội) trong ngày khai hội gây tình trạng ách tắc cục bộ. Ảnh: THU HÀ

Một lần nữa, những vấn nạn như: chen lấn, xô đẩy, tắc đường, tắc cáp treo, trộm cắp, rác thải… lại làm “nóng” dư luận khi có hàng vạn người đổ về các lễ hội lớn.

Chong đèn đi lễ lúc nửa đêm

Sáng mùng 6 tháng Giêng, hàng vạn du khách thập phương về tham dự lễ khai hội chùa Hương 2019 tại sân chùa Thiên Trù, Khu di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Ngay từ sáng sớm, dòng xe cộ đã nườm nượp đổ về chật kín các bãi xe phía bên ngoài suối Yến.

Đặc biệt, do lo ngại tình trạng tắc đường, tắc cáp treo, tắc đò, nhiều du khách thay vì đi vào lúc sáng sớm lại đến chùa vào lúc chiều muộn và lên động Hương Tích lúc nửa đêm.

Song do khai hội lại rơi vào ngày cuối cùng của đợt nghỉ tết nên lượng du khách đổ về mỗi lúc một đông khiến cho dòng người xếp hàng ở ga cáp treo mỗi lúc một dài thêm.

Đường vào động Hương tích, chùa Hương (Hà Nội) luôn trong tình trạng quá tải
Ông Nguyễn Bá Hiển (Phó trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương, Trưởng Ban Quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn) cho biết, trong 3 ngày, từ mùng 3 đến hết mùng 5 tháng Giêng, chùa Hương đón khoảng 124.000 lượt khách. Riêng trong ngày khai hội 10-2, lượng khách ước đạt 130.000 lượt.
Năm nay, lượng đò đăng ký hoạt động chở khách lên hơn 4.000 và tất cả đều hoạt động hết công suất, tuy nhiên không có cảnh tắc đò do lòng suối Yến được cải tạo mở rộng. Tuy nhiên, đường vào động Hương tích lại liên tục ở trong tình trạng ùn tắc cục bộ.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện ban quản lý cho biết, do cửa động nhỏ, diện tích trong lòng động có giới hạn nên dù đã phân luồng, đặt các trạm chắn để giảm ùn tắc từ xa nhưng lượng du khách trong động luôn trong tình trạng quá tải. Theo kinh nghiệm từ nhiều mùa hội trước thì hiện tượng này sẽ giảm dần sau ngày khai hội - ban tổ chức nói.
Ngoài việc ùn tắc cục bộ trong những ngày đầu năm trẩy hội chùa Hương, mùa hội năm 2019 này cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức tại đây.
Việc chèo kéo khách so với những năm trước có giảm, nhưng vẫn chưa triệt để bởi hành vi chèo kéo khách đi đò không diễn ra trên địa bàn huyện Mỹ Đức, mà ở Hòa Bình, Hà Nam hay nội thành Hà Nội...
Để giảm thiểu tình trạng lộn xộn, ban tổ chức cũng đã làm việc với lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội và gắn thông tin cảnh báo ở các điểm dừng đỗ đèn đỏ để cảnh báo du khách.
Hai bên bờ suối Yến có nhiều bảng, biển tuyên tuyền, hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh ở nơi thờ tự; đồng thời công khai số điện thoại đường dây nóng của ban tổ chức để du khách có thể phản ánh mọi vấn đề còn tồn tại.
Hội Gióng bình yên… không “cướp” lộc
 Cùng trong sáng 10-2, hàng ngàn người dân địa phương và các tỉnh lân cận đã cùng về khai hội Gióng đền Sóc (Sóc Sơn) - nơi thờ Phù Đổng Thiên Vương, một trong tứ bất tử của dân tộc Việt Nam. Năm nay, hội Gióng diễn ra khá bình yên, không còn cảnh chen lấn, tranh cướp lộc lộn xộn đến đổ máu như nhiều năm trước.
Đúng 7 giờ sáng, hội bắt đầu bằng nghi lễ dâng lễ vật tại sân đền Thượng. Các lễ vật truyền thống gồm giò hoa tre thôn Vệ Linh, ngựa của thôn Phù Mã, voi chiến của thôn Dược Thượng, trầu cau thôn Đan Tảo, ngà voi của xã Đức Hòa, cỏ voi của thôn Yên Sào…

Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, đánh giá, việc thay đổi phương án đưa giò hoa tre và trầu cau tiến cung và không phát lộc ngay giúp tránh tình trạng lộn xộn. Giò hoa tre và trầu cau luôn là hai lễ vật được “nhắm” tới để dân làng tranh cướp lấy may.

Tuy nhiên, từ năm 2018, ban tổ chức quyết định chỉ hạ một phần lộc hoa tre và trầu cau đưa xuống đền Hạ và đền Mẫu lễ tạ, còn lại đưa vào hậu cung đền Thượng chờ phát lộc. Người dân địa phương và du khách đến hành lễ xếp hàng thứ tự đợi nhà đền phát lộc lấy may.

Đề phòng trường hợp bất thường, trong quá trình đưa lễ vật dâng thánh trên đền Thượng, hàng trăm cán bộ, tình nguyện viên và thanh niên trai tráng các thôn được huy động để giữ gìn trật tự cho lễ rước, không còn tình trạng đem gậy gộc bảo vệ lễ vật, giảm nguy cơ xô xát và gây ra thương tích đáng tiếc.

Cùng ngày, lễ kỷ niệm 1979 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng Xuân Kỷ Hợi 2019 đã được tổ chức tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội).

Tại đây, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã thực hiện nghi thức đánh trống khai hội, dâng hương, tưởng nhớ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công Nguyên) cùng công lao to lớn của hai nữ anh hùng trong buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Bên cạnh đó, nhiều lễ hội lớn cũng diễn ra như: lễ hội đền Cổ Loa (Đông Anh); lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh)… 

Tin cùng chuyên mục