Biển miền Trung “khát” ngư dân

“Cơn khát” lao động biển ở khu vực miền Trung đang lên đỉnh điểm. Các làng biển bắt đầu gánh nợ. Đội tàu cá nằm bờ la liệt vì nhiều nguyên nhân và áp lực nặng nề do thiếu hụt nguồn lao động biển. Nhiều địa phương tuy nhận diện được bất cập, song đành lực bất tòng tâm, đứng nhìn những làng biển trượt dốc.
Lao động đi biển tại âu thuyền Cửa Sót, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ảnh: DƯƠNG QUANG
Lao động đi biển tại âu thuyền Cửa Sót, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ảnh: DƯƠNG QUANG

Gánh nợ vì thiếu bạn tàu

Hiện nay, từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trở vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…, đâu đâu cũng thiếu lao động đi biển. Nhiều chủ tàu còn thú thật rằng phải lách luật, qua mắt lực lượng chức trách kiểm soát cửa cảng vì muốn được ra khơi đánh bắt. Đa số các chủ tàu phàn nàn, họ gần như kiệt quệ vì bị bạn tàu (lao động đi biển - PV) lật lọng, khiến họ lâm cảnh nợ nần chồng chất.

Tại khu vực Nam Trung bộ, thời gian qua xảy ra nhiều câu chuyện dở khóc dở cười, khi chủ tàu bắt nhốt, cột thuyền viên trên tàu để giữ bạn tàu ra khơi.

Tại cửa biển Đề Gi (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), ngư dân tàu vỏ thép Thái Văn Duyệt chia sẻ, mỗi chuyến biển, anh phải bỏ các chi phí khoảng 300 triệu đồng, trong đó, riêng “mua” bạn tàu là 5-6 triệu đồng/người và phải đặt cọc trước để giữ bạn.

“Bây giờ bạn tàu đắt đỏ lắm, muốn có đủ bạn tàu phải là người uy tín, phải chi trước cọc mới mua được bạn tàu để cùng ra khơi. Bạn tàu uy tín thì đỡ, chứ gặp bạn tàu lật lọng, ôm tiền cọc bỏ nhảy thì chủ tàu gánh nợ”, anh Duyệt nói. 

Tương tự, chủ tàu Võ Điệp (60 tuổi, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) than, tàu ông hành nghề lưới vây, phải kiếm đủ 13-15 bạn biển mới ra khơi được nên khó khăn hơn. Mỗi lần ra khơi, ông Điệp bỏ ra 2 tháng ròng đi “săn” bạn tàu. 

Nhiều ngư dân phản ánh, họ liên tục bị bạn tàu lật kèo dẫn đến nợ nần hàng trăm triệu đồng. “Tháng trước, tôi thuê 7 lao động ở Phú Yên và Khánh Hòa, mỗi người tôi cọc trước 5-7 triệu đồng và họ hứa sẽ trở lại đi biển đúng hẹn. Tuy nhiên, nhận tiền cọc xong, các bạn bỏ nhảy mất liên hệ. Nhiều chủ tàu ở đây bị lừa liên tục, mất hàng trăm triệu đồng, khó khăn càng chống chất”, ngư dân Bùi Văn Thành (56 tuổi, thị xã Hoài Nhơn) kể. 

Nhiều năm trở lại đây, để có đủ lao động đi biển, ngoài tìm bạn ở tỉnh khác, các ngư dân Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) phải lên mạn ngược để tìm thuê nông dân về đi biển. Người dân ở núi, làm đồng kinh nghiệm đi biển không có, khi ra khơi được vài hôm thì trụ không nổi đều bỏ nhảy hết…

Từ giữa tháng 10-2020 đến nay, tàu cá vỏ gỗ công suất 420CV, chiều dài 18m, trọng tải gần 50 tấn của anh Nguyễn Văn Thành (30 tuổi) nằm lì ở âu thuyền Cửa Sót, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) vì nhiều tháng không tìm được bạn biển.

Chủ tàu Thành vò đầu: “Tàu tui đóng mới hơn 1 tỷ đồng, trước kia đều đặn ra khơi với nghề mành chụp mỗi trăng biển (15-20 ngày - PV) với 6-8 lao động, thu nhập đều đặn 7-10 triệu đồng. Tuy vậy, khoảng 3 năm trở lại đây, đánh bắt thất thu, bạn tàu cũng dần bỏ đi hết. Giờ tôi đành phải xin vào làm thuê tạm ở 1 cơ sở sửa chữa tàu biển để kiếm thu nhập trả nợ”. 

Hiện có khoảng 80% tàu thuyền ở khu vực biển Cửa Sót đang trong “cơn khát” lao động biển. Trong khi đó, nhiều lao động biển trẻ bỏ biển lên bờ xin làm bảo vệ, thợ hồ hoặc vào Nam làm công nhân.

Thiếu định hướng

Theo nhận định của giới chuyên môn, ngành thủy sản khu vực miền Trung đang chuyển tiếp giai đoạn mới. Sau chặng dài phát triển tự phát, ồ ạt theo phong trào, đến nay cơn thoái trào bắt đầu biểu hiện rõ. Bộ NN-PTNT đang hướng dẫn các địa phương có nghề cá lớn cần bám sát chủ trương, chính sách, Luật Thủy sản mới để áp dụng linh hoạt vào thực tiễn, giúp ngư dân vượt khó, yên tâm bám biển.

Tại vùng biển Quảng Ngãi, mấy năm trở lại đây, sự thoái trào ở các làng biển đã để lại rất nhiều hệ lụy. Trong đó, bi kịch ở làng biển Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) và nhiều làng biển ven cửa biển Sa Huỳnh là điển hình của chuỗi dài phát triển thiếu định hướng.

Ông Phùng Đình Toàn, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi nhìn nhận, hiện vẫn chưa tìm được giải pháp căn cơ cho làng biển Nghĩa An và một số làng biển ven cửa biển Sa Huỳnh. Con số thống kê nợ nần của các ngư dân vẫn tăng dần, đáng lo ngại nhất là những khoản nợ tín dụng đen.

“Những năm 2015 - 2017, nghề biển phát triển quá nhanh, bà con ngư dân thấy biển giã trúng nên vay mượn, thế chấp cả nhà đất để đua nhau đóng tàu. Thế nên khi biển đói, hệ lụy bắt đầu bủa vây. Đây là giai đoạn chuyển tiếp tất yếu của nghề cá, để thanh lọc lại các hạn chế, tồn tại cần phải đợi cho chu kỳ này kết thúc”, ông Toàn nhìn nhận.

Một cán bộ phụ trách thủy sản ở xã Tam Quan Bắc lo lắng: áp lực đang bắt đầu hiển hiện rõ ở các làng biển nơi đây. Sức đóng tàu của ngư dân quá lớn, nhất là những năm 2015 - 2018, số lượng tàu cá của toàn xã đã vượt lên con số trên 1.000. Nhiều ngư dân còn ra sức mua thêm tàu, nhưng đánh bắt lại không tập trung, nguồn lao động thiếu hụt nên đứng trước nhiều nguy cơ vỡ nợ. 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), cho biết, nguồn lao động biển của địa phương đang già hóa, từ tuổi 50-60 chiếm 70%. Những lao động biển này không thể đáp ứng được cho ngành thủy sản hiện đại, không khai thác hiệu quả được ngư trường, nên thu nhập rất bấp bênh.

Một lãnh đạo Chi cục Thủy sản Bình Định nhìn nhận, hệ lụy của việc thiếu lao động biển, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao đang làm trì trệ phát triển chung của ngành thủy sản và cản trở việc áp dụng các chính sách, nghị định, luật thủy sản mới vào thực tiễn… 

“Số hóa” nghề cá

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, Bộ NN-PTNT đang giao Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho thủy sản. Trong đó, tập trung vào 3 lĩnh vực chính: đào tạo công tác quản lý nhà nước; đào tạo cho người lao động trực tiếp trên biển (có những chính sách hỗ trợ con em họ hoặc ưu đãi khác); hướng đến phát triển nghề nuôi biển khơi để thay thế đánh bắt… 

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định 339/QĐ-TTg (tháng 3-2021), phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đẩy mạnh kiểm soát, “đóng băng” không tăng số lượng tàu cá nữa, triệt tiêu các loại hình đánh bắt hủy diệt; hướng đến xây dựng ngành thủy sản tập trung, liên kết chuỗi; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ưu tiên công nghệ cao, chuyển đổi số để có nền tảng phát triển bền vững hơn.

Tin cùng chuyên mục