Biển Đông đối mặt với “cơn bão khủng” Mangkhut

Theo cảnh báo ngắn của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Quốc gia sáng nay, siêu bão Mangkhut (Măng cụt – tên do Thái Lan đề cử) đã có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt tới cấp 17 (200-220km/giờ). Đây là cấp bão lớn nhất trong thang bão của quốc tế.
Biển Đông đối mặt với “cơn bão khủng” Mangkhut ảnh 1 Sơ đồ vị trí của 2 cơn bão gồm Barijat (số 5) và siêu bão Mangkhut sáng nay 12-9. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia

Còn theo Cơ quan Dự báo khí tượng Nhật Bản, vào khoảng 9 giờ sáng nay 12-9, tâm bão Mangkhut đã ở vào khoảng 13,9 độ vĩ Bắc và 136,2 độ kinh Đông, di chuyển thẳng về phía Tây với vận tốc là 20km/giờ.

Các đài dự báo khí tượng quốc tế cũng như Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Quốc gia đều cho rằng, khoảng 3 ngày nữa (tức 15-9), bão Mangkhut sẽ vào biển Đông. Khu vực bão sẽ đổ bộ là Bắc biển Đông, và ngay khi vào biển Đông, bão Mangkhut vẫn được đánh dấu là “violent” (tức là có sức tàn phá dữ dội).

Trong khi đó, hiện tại trên khu vực Bắc biển Đông, cơn bão số 5 (Barijat) đang hướng về phía bán đảo Lôi Châu – Trung Quốc và được cảnh báo là sẽ ảnh hưởng tới Bắc bộ sau 2 ngày nữa.

Hồi 7 giờ ngày 12-9, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng  20,5 độ vĩ Bắc - 115,4 độ kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 510km về phía Đông Đông Bắc. Bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 13-9, tâm bão nằm trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), tăng thêm 1 cấp.

Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên) là phía bắc vĩ tuyến 18,5 và phía đông kinh tuyến 109.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó đi vào khu vực đất liền các tỉnh Quảng Ninh đến Nam Định.

Như vậy, bão số 5 sẽ suy yếu thành áp thấp trước khi đi vào đất liền khu vực Bắc bộ.

Tin cùng chuyên mục