Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh năng lượng

Bên cạnh những tác động tiêu cực trực tiếp của BĐKH đe dọa đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, BĐKH cũng gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến an ninh năng lượng.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc hội thảo về biến đổi khí hậu
Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc hội thảo về biến đổi khí hậu

Thực hiện Chương trình công tác năm 2019, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương sẽ phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 trong 2 ngày 16, 17-1 tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ diễn đàn, sáng 17-1 đã diễn ra 2 hội thảo chuyên đề: “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững”; “Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”.

Trong đó, hội thảo “chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững” và Triển lãm “Công nghệ năng lượng mới” đã thu hút sự chú ý của đông đảo chuyên gia. Triển lãm có 10 gian trưng bày, giới thiệu nhiều công nghệ, sản phẩm tiên tiến của các Tập đoàn năng lượng, công nghiệp trên thế giới và Việt Nam, được sự quan tâm sâu sắc của đông đảo thành phần tham gia.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là thách thức lớn cho quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới từ nước có điều kiện phát triển, đến các nước còn nghèo. Nếu không ứng phó hiệu quả với BĐKH thì thành quả phát triển kinh tế xã hội sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn. Việt Nam là một trong 05 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH do có bờ biển dài và nhiều lưu vực sông rộng lớn. Những tác động tiêu cực về BĐKH ngày một lớn, khó lường ở nhiều lĩnh vực và địa phương sẽ làm gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường. Đây là một trong những nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội, làm mất đi nhiều thành quả đã đạt được. Bên cạnh những tác động tiêu cực trực tiếp của BĐKH đe dọa đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, BĐKH cũng gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến an ninh năng lượng.
Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh năng lượng ảnh 1 Ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ có mặt tại hội thảo

Ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Hoa kỳ, Chủ tịch danh dự Quỹ Carnegie vì Hoà bình Quốc tế cũng khẳng định rằng thách thức BĐKH là vấn đề rất lớn trên thế giới, không riêng đối với Việt Nam. BĐKH luôn có mối quan hệ chặt chẽ với ngành năng lượng. Với tốc độ tăng trưởng năng lượng khá cao như Việt Nam hiện nay thì Việt Nam cần quan tâm, thực thi những giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó với BĐKH. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển dần những nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng mới và tái tạo, đây là xu thế chung để giải quyết vần đề phát triển năng lượng bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH.

Ông Micheal Greene, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức USAID Việt Nam đề xuất cần định hình cụ thể một chiến lược an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh BĐKH, đồng thời nêu lên một số bài học quốc tế và khuyến cáo Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần có cơ chế mạnh hơn nữa để thúc đẩy vai trò của năng lượng tái tạo, cùng với đó là việc thực thi nghiêm túc chính sách về sử dụng năng lượng hiệu quả để giải quyết bài toán đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong dài hạn.

Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế khác đã tham gia phát biểu thảo luận, phân tích thêm về tình hình BĐKH ở Việt Nam hiện nay, nhất là những tác động tiêu cực đã xảy ra trong thời gian vừa qua tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất một số giải pháp ứng phó. Đối với nguồn cung năng lượng, các chuyên gia cho rằng cần phải đa dạng hóa, nhấn mạnh giải pháp sử dụng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) nhập khẩu cho các dự án điện trong thời gian tới. Các chuyên gia cũng đề cập đến việc thúc đẩy phát triển hệ thống năng lượng hợp lý theo nguyên tắc cơ chế thị trường có tính đến việc gia tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo gắn với bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái, giảm thiểu các tác động xấu đến BĐKH, hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế các-bon thấp.

Với hội thảo về nền kinh tế số, các chuyên gia đã tập trung đánh giá xu hướng phát triển và tác động của trí tuệ nhân tạo lên nền kinh tế thế giới, những tác động đến các nhóm ngành kinh tế; đánh giá thực trạng và mức độ sẵn sàng cho việc đẩy mạnh áp dụng trí tuệ nhân tạo, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Qua đó, khuyến nghị những vấn đề về thể chế, chính sách cần được tháo gỡ để thực hiện chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh mới; đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo vào quản lý và sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Trí tuệ nhân tạo được nhận định sẽ hiện diện khắp mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong giao thông vận tải, những chiếc xe tải không người lái đã được vận hành tại các mỏ khoáng sản tại Úc; hãng Uber cũng đã thử nghiệm xe tải không người lái giao hàng xuyên tiểu bang tại Mỹ. Trong y học, với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, bệnh nhân có thể dùng các phần mềm trên điện thoại, chụp hình và điền vào các thông tin gửi lên một hệ thống và gần như tức thì, kết quả chẩn đoán bệnh và cách điều trị được gửi về. Trong giáo dục, các phần mềm dạy học đã trở nên phổ biến… Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo còn được sử dụng để hỗ trợ cho người dân giải đáp những thắc mắc về pháp lý; được ứng dụng để quản lý các chính sách, an sinh xã hội… Trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực từ giao thông, y tế, an ninh, quốc phòng, ngân hàng cho tới thời trang, ẩm thực, âm nhạc… Xu thế cho thấy, nhiều nghề nghiệp sẽ bị thay thế dần bởi công nghệ mới. Viễn cảnh thất nghiệp hàng loạt là không thể tránh khỏi, tỷ lệ phân chia giàu nghèo giữa các nước sẽ rõ rệt, tội phạm công nghệ gia tăng… Tuy nhiên, phát triển trí tuệ nhân tạo sẽ là cơ hội cho nước ta đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới. vượt qua bẫy thu nhập trung bình, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Chiều 17-1, phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 – Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” sẽ diễn ra với sự tham dự, phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tin cùng chuyên mục