Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến 2 tỷ trẻ em

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), 559 triệu trẻ em hiện phải chịu ít nhất 4-5 đợt nắng nóng nguy hiểm hàng năm, nhưng con số sẽ tăng gấp 4 lần, lên 2 tỷ trẻ em vào năm 2050 - ngay cả khi nhiệt độ trên toàn cầu giảm xuống 1,7°C.
Trẻ em một trường học ở Kenya xếp hàng lấy cháo dinh dưỡng
Trẻ em một trường học ở Kenya xếp hàng lấy cháo dinh dưỡng

Tín hiệu nguy cấp

Cũng theo UNICEF, trong trường hợp xấu nhất - nhiệt độ tăng 2,4°C do sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch - ước tính 94% trẻ em sẽ tiếp xúc với đợt nắng nóng kéo dài ít nhất 4,7 ngày. 

Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh có khả năng điều hòa thân nhiệt kém, dễ bị tác động của nắng nóng gay gắt và kéo dài hơn người lớn. Điều này kéo theo vô số các vấn đề sức khỏe như hen suyễn, các bệnh tim mạch và thậm chí là tử vong. Ngoài ra, nắng nóng gay gắt làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán và có thể làm giảm khả năng tiếp cận thực phẩm và nước, làm chậm sự phát triển, tăng khả năng bạo lực và xung đột nếu các gia đình buộc phải di cư. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhiệt độ quá cao ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tập trung và học tập của trẻ. 

Các nhà nghiên cứu của UNICEF đã kiểm tra khả năng tiếp xúc với 3 biện pháp nhiệt - thời gian, mức độ nghiêm trọng và tần suất,dựa trên 2 kịch bản khí nhà kính được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu áp dụng cho các mô hình khí hậu. Kết quả cho thấy, vào năm 2050, có khoảng 740 triệu trẻ em ở 23 quốc gia có thể phải chịu nhiệt độ lên đến 35°C trong ít nhất 84 ngày/năm. Trường hợp xấu nhất, con số này sẽ tăng lên 816 triệu trẻ em sống ở 36 quốc gia, chủ yếu ở châu Á và châu Phi. Trong điều kiện nắng nóng như vậy, các hoạt động hàng ngày như vui chơi và đi học bị ảnh hưởng, nhiều trẻ em bị ốm hoặc tử vong hơn. Ở châu Mỹ, tỷ lệ phơi nhiễm với các đợt nắng nóng gay gắt sẽ tăng gấp 5 lần, từ 13 triệu lên 62 triệu trẻ em vào năm 2050.

Biện pháp cứu nguy

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) sẽ diễn ra vào đầu tháng 11 tại Ai Cập, UNICEF đang kêu gọi tăng cường quỹ phân bổ cho hoạt động thích ứng nhằm bảo vệ những người trẻ và dễ bị tổn thương nhất. 

UNICEF cũng kêu gọi các chính phủ có các biện pháp giúp cộng đồng các điều kiện ứng phó. Thứ nhất là tăng cường đầu tư về khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong các dịch vụ chính cho trẻ em, như tăng cường hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường, các dịch vụ y tế và giáo dục. Hai là, cần hành động toàn diện và khẩn cấp giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, các quốc gia phải cắt giảm lượng phát thải ít nhất là 45% (so với mức năm 2010) vào năm 2030 để giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5°C. Thứ ba, giáo dục cho trẻ về khí hậu và trang bị cho các em kỹ năng xanh. Đây là những kỹ năng rất quan trọng để trẻ em thích ứng và chuẩn bị trước các tác động của biến đổi khí hậu. Trẻ em và thanh thiếu niên sẽ phải đối mặt với toàn bộ hậu quả tàn khốc của khủng hoảng khí hậu và mất an ninh nguồn nước, trong khi các em không phải là đối tượng gây ra tình trạng đó. Cuối cùng, cần đảm bảo việc phục hồi sau đại dịch Covid-19 mang tính xanh, hòa nhập, và phát thải ít khí carbon, nhằm không gây tổn hại đến năng lực của các thế hệ tương lai trong việc giải quyết và ứng phó với khủng hoảng khí hậu.

Chỉ số rủi ro khí hậu liên quan tới trẻ em của UNICEF cho thấy: 820 triệu trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của các đợt nắng nóng; 920 triệu trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của khan hiếm nước; 1 tỷ trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí cao vượt mức cho phép.

Tin cùng chuyên mục