Biến chủng Lambda: Thách thức mới trong chống dịch Covid-19

Việc Nhật Bản công bố phát hiện bệnh nhân đầu tiên mắc biến chủng Lambda của virus SARS-CoV-2 đang khiến dư luận lo ngại. Nhiều chuyên gia nhận định, biến chủng mới nhất có khả năng lây nhiễm mạnh và kháng vaccine cao này đang có chiều hướng lan từ Nam Mỹ ra các châu lục khác, đặt ra thách thức lớn trên toàn cầu.
Tiêm vaccine Covid-19 tại Peru. Ảnh: AP
Tiêm vaccine Covid-19 tại Peru. Ảnh: AP

Nhiều triệu chứng hơn

Theo kết quả phân tích gien, Lambda có 5 đột biến gien mới, trong đó 3 đột biến có khả năng chống lại hoặc trung hòa kháng thể trong vaccine Covid-19 và 2 đột biến có khả năng thoát miễn dịch mạnh hơn so với biến chủng Delta. Nhóm chuyên gia y tế Đại học San Andre (Bolivia) cho biết, bệnh nhân mắc chủng Lambda ngoài các triệu chứng phổ biến như ho, sốt, mất vị giác, mất khứu giác, đau cơ thể và khó thở còn có các triệu chứng liên quan đến đường ruột.

Biến chủng Lambda được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 8 năm ngoái tại Peru và nhanh chóng lây lan ra 41 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu như Mỹ, Peru, Chile, Argentina, Brazil, Colombia, Nhật Bản... song phải đến ngày 14-6 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới xếp biến chủng này vào danh mục cần chú ý, mức thấp hơn so với Delta. Tại Peru, quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, tính từ tháng 4 đến nay, hơn 80% bệnh nhân Covid-19 mắc biến chủng Lambda. Đáng chú ý hơn là tại Mỹ, quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc và ca tử vong do Covid-19, các kết quả phân tích gien cho thấy đã có hơn 1.000 ca bệnh liên quan biến chủng Lambda được phát hiện tại 44 bang.

Anh vừa mở cửa trở lại bất chấp số ca mắc mới tăng nhanh, đã đưa ra cảnh báo về biến chủng mới Lambda vào đầu tháng 8 sau khi khoảng 50% trường hợp mắc Covid-19 nhiễm biến chủng này. Pháp đã phát hiện ca nhiễm biến chủng Lambda đầu tiên vào đầu tháng 5. Trong khi đó, Canada, Đức, Tây Ban Nha, Israel và Zimbabwe cũng đã ghi nhận những trường hợp nhiễm biến chủng Lambda đầu tiên…

Công thức hoàn hảo

Một bài báo của nhóm các nhà khoa học ở Nhật Bản đăng trên trang biorxiv.org cho biết, trong các thí nghiệm, 3 đột biến là RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S được tìm thấy trong protein của Lambda có thể tạo ra đề kháng với khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra. Theo Tiến sĩ Adam Taylor, chuyên nghiên cứu về các chủng virus mới tại Viện Y tế Menzies ở Queensland thuộc Đại học Griffith (Australia), các dữ liệu sơ bộ về gai protein ở Lambda chỉ ra rằng, biến chủng này có đặc tính lây nhiễm mạnh hơn, tức sẽ tác động tới các tế bào dễ hơn so với thể virus gốc phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc và các biến chủng Alpha (được phát hiện đầu tiên ở Anh), Gamma (được phát hiện đầu tiên ở Brazil).

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, tiêm vaccine Covid-19 và thực hiện biện pháp phòng dịch là những biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay. Tiến sĩ Gregory Poland, thuộc Mayo Clinic (Mỹ), cảnh báo, càng nhiều người từ chối tiêm vaccine, không đeo khẩu trang dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm tăng nhanh thì càng gia tăng nguy cơ xuất hiện nhiều biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 trong tương lai, thậm chí sẽ có biến chủng có khả năng “né” hoàn toàn kháng thể do vaccine sản sinh.

Do đó, thời gian tới, ngành y tế thế giới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu để có phương án đối phó kịp thời với các loại biển chủng mới; phát triển vaccine có khả năng chống lại các loại biến chủng của virus SARS-CoV-2, phù hợp với cơ địa của người dân các khu vực khác nhau, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine cũng như thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Cũng giống như Delta hay nhiều biến chủng khác, Lambda xuất hiện tại những nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao. Mặc dù biến chủng này cần tiếp tục được nghiên cứu, song giới chuyên gia cho rằng, với tốc độ lây lan như hiện nay, nếu không được ngăn chặn, Lambda hoàn toàn có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng khác tương tự như cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ “cơn sóng thần” biến chủng Delta.

Tin cùng chuyên mục