Bị truy thu số thuế hơn 66 tỷ đồng, Uber có cơ sở khởi kiện?

Sau khi bị Cục Thuế TPHCM ra quyết định truy thu và xử phạt với số tiền hơn 66,68  tỷ đồng, Uber đã không đồng ý và “cầu cứu” đến Bộ Tài chính. 
Uber hoạt động tại TPHCM Ảnh: THÀNH TRÍ
Uber hoạt động tại TPHCM Ảnh: THÀNH TRÍ
Tuy nhiên, mới đây Bộ Tài chính đã chính thức trả lời Uber phải nộp số tiền trên. Vậy với những căn cứ đưa ra, liệu Uber có đủ cơ sở để khiếu nại hoặc kiện ra tòa?
Uber có thu nhập phát sinh tại Việt Nam
Theo kiểm tra của Cục Thuế TPHCM, tổng doanh thu của Uber từ năm 2014 đến giữa năm 2017 là hơn 2.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber) đã tự kê khai và nộp thuế chỉ gần 77 tỷ đồng. Do vậy, Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế TPHCM tiến hành thanh tra, kiểm tra thuế đối với công ty này. Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế đã xử lý tăng thu hơn 66,68 tỷ đồng. Số tiền truy thu này được tính theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn 11828/BTC-CST ngày 24-8-2016; trong đó, buộc Công ty Uber phải chịu trách nhiệm nộp thuế nhà thầu, tức kê khai và nộp thuế cho phần đã chia cho cá nhân (người lái xe).
Không đồng ý với quyết định truy thu của Cục Thuế TP, Công ty Uber đã có văn bản gửi Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính về việc không chấp nhận nộp số tiền hơn 66 tỷ đồng bị truy thu trên. Uber cho rằng, công ty chỉ phải thực hiện theo Công văn số 11828 của Bộ Tài chính kể từ khi công văn này được ban hành, tức kể từ 24-8-2016. 
Vừa qua, Bộ Tài chính đã làm việc với Uber, giải thích và có Công văn số 15796/BTC-CST, chính thức trả lời Công ty Uber Việt Nam với nội dung bác khiếu nại và vẫn buộc Uber nộp số tiền truy thu hơn 66,68 tỷ đồng. 
Cơ sở của việc tính và truy thu thuế mà cơ quan thuế áp dụng là dựa vào khoản 1, điều 1 Luật số 32/2013/QH13; khoản 1, điều 11 Thông tư số 205/2013/TT-BTC; khoản I, khoản 3 và khoản 6 điều 5 của Hiệp định tránh đánh thuế trùng; khoản 1 điều 7 hiệp định và điểm 3 Công văn số 10448/BKHĐT-PTDN, Bộ Tài chính nêu rõ  “Công ty TNHH Uber Hà Lan có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thông qua các cơ sở thường trú tại Việt Nam, có đăng ký kinh doanh là Công ty TNHH Uber Việt Nam. Do đó, công ty có nghĩa vụ nộp thuế nhà thầu theo quy định”. Việc điều hành cung cấp dịch vụ vận chuyển khách hàng qua các đối tác lái xe của Uber là có thật. Công ty Uber bố trí lái xe cung cấp dịch vụ vận chuyển cho khách hàng; quyết định đơn giá vận chuyển trực tiếp nhận tiền thanh toán từ khách hàng thuê vận chuyển; quyết định chính sách khuyến mãi, giảm giá cho khách hàng. Do đó, thu nhập của Uber phát sinh tại Việt Nam thông qua các đối tác lái xe để cung cấp dịch vụ diễn ra liên tục.
Phải thực hiện nghĩa vụ thuế từ khi hoạt động
Uber cho rằng, mình chỉ phải tính và nộp thuế kể từ thời điểm Bộ Tài chính có Công văn hướng dẫn số 11828 kể từ tháng 8-2016, còn trước thời điểm đó thì không phải nộp. Việc này, Bộ Tài chính đã giải thích rõ, là do Uber Hà Lan ký kết hợp đồng với các đối tác là lái xe tại Việt Nam và thỏa thuận phân chia kết quả kinh doanh theo doanh thu nên Uber Việt Nam (tổ chức được Uber Hà Lan ủy quyền) có trách nhiệm kê khai nộp thuế nhà thầu thay cho Uber Hà Lan và kê khai nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh vận tải, đồng thời có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì có kinh doanh phải kê khai, nộp thuế. Do vậy, những khoản doanh thu đã phát sinh trước thời điểm Bộ Tài chính có Công văn 11828 hướng dẫn mà chưa kê khai hoặc kê khai, nộp thuế khác với hướng dẫn tại công văn này thì phải kê khai điều chỉnh, bổ sung và nộp vào ngân sách theo quy định.
Tuy nhiên, theo quy định thì Uber Việt Nam nếu không đồng ý với quyết định truy thu và xử phạt của cơ quan thuế thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa. Theo nhận định của các luật sư, việc Uber cho rằng chỉ thực hiện khai và nộp thuế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính kể từ khi có văn bản 11828 là không có cơ sở. Vì văn bản 11828 không phải là văn bản pháp quy mà chỉ là hướng dẫn, giải thích những vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách thuế. Uber kinh doanh tại Việt Nam phải thực hiện theo Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… mà những luật này đã có hiệu lực thi hành từ lâu rồi. Cho nên, Công ty Uber Hà Lan tại Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ thuế từ khi có hoạt động kinh doanh (năm 2014).
Khi kinh doanh, Uber có doanh thu gồm phần doanh thu phía Công ty Uber Hà Lan tại Việt Nam được hưởng và phần doanh thu của người lái xe được hưởng, vậy có 2 phần thuế gồm: phần doanh thu tổ chức, cá nhân vận tải phải nộp theo quy định đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh có cơ sở thường trú, cư trú tại Việt Nam; phía Uber phải nộp thuế nhà thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam. Từ cơ sở đó, cơ quan thuế truy thu Uber số tiền hoạt động kể từ năm 2014 đến nay là có cơ sở.
Uber nộp thuế theo tỷ lệ trên doanh thu
Giải thích về quy định chính sách thuế đối với hoạt động taxi Uber, đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết:
Phương pháp tỷ lệ trên doanh thu tính thuế chỉ áp dụng đối với nhà thầu nước ngoài không đáp ứng điều kiện nộp thuế theo phương pháp kê khai, tổ chức không phải là doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mà các đơn vị này xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh. 
Hoạt động kinh doanh của Uber không đủ cơ sở để kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế thì áp thuế theo tỷ lệ trên doanh thu. Cụ thể, điểm a, khoản 2, điều 12 và điểm a, khoản 2, điều 13 Thông tư số 60/2012/TT-BTC và Thông tư số 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế của Uber là: thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng là 3%; thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu được hưởng là 2%.
Các tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã) kinh doanh vận tải được thành lập theo quy định của pháp luật ký kết hợp đồng với Uber để kinh doanh có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần doanh thu được hưởng theo hợp đồng (không bao gồm phần doanh thu của Công ty Uber). 
Nếu cá nhân ký kết hợp đồng với Công ty Uber để kinh doanh vận tải thì cũng phải nộp thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng là 3% và thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu được hưởng là 1,5%.

Tin cùng chuyên mục