Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Tạo nhiều cơ hội hơn cho kiều bào khi trở về quê nhà

Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và đại biểu kiều bào ngày 29-10, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM, mong muốn các vấn đề cần được mổ xẻ với tinh thần chân tình nhất, thẳng thắn nhất, không né tránh sự thật. Lãnh đạo TPHCM sẽ ghi nhận và có thể làm điều gì đó để kiều bào yên tâm hơn, có nhiều cơ hội hơn và cảm thấy tự hào hơn khi trở về quê nhà.

 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đồng chí lãnh đạo TP gặp gỡ kiều bào. Ảnh:VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đồng chí lãnh đạo TP gặp gỡ kiều bào. Ảnh:VIỆT DŨNG

Tham dự buổi gặp gỡ có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), cùng 18 kiều bào đến từ 9 quốc gia.

TPHCM có 4 nền tảng để chuyển đổi số

Thay mặt lãnh đạo TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu nhấn mạnh, sự hiện diện của kiều bào thể hiện mối quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển của TPHCM. TPHCM trân trọng các ý kiến đóng góp, hiến kế tâm huyết của kiều bào về chuyển đổi số và khắc phục tác động của dịch Covid-19 để phát triển kinh tế.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu trong buổi gặp gỡ đại biểu kiều bào. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chia sẻ với kiều bào, đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ, năm 2020, trước những khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 tác động, TPHCM thực hiện mục tiêu kép - duy trì kết quả phòng chống dịch, đồng thời nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế.

Để thực hiện được mục tiêu kép, theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, ngoài các yếu tố chung sức đồng lòng, đoàn kết quyết tâm thì nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là chuyển đổi số.

Đồng chí cho hay, một trong những nỗ lực cụ thể của TPHCM là xây dựng các chính sách phát triển mạnh mẽ kinh tế số, dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.

TPHCM coi đây là giải pháp đột phá để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân. TPHCM đã ban hành chương trình chuyển đổi số và cũng là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số của cả nước.

Đặc biệt, Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã khẳng định: TPHCM đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số. 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, TPHCM có 4 nền tảng để hoàn thành mục tiêu chiến lược quan trọng này.

Trước hết, TPHCM luôn được xem là nơi có hoạt động kinh tế năng động nhất, đi đầu trong cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tập trung nhiều doanh nghiệp mạnh, năng động, sáng tạo.

Thứ hai, xét trên khía cạnh thị trường, theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, TPHCM có thị trường đủ lớn, cũng như đủ độ thách thức để tạo động lực chinh phục các nhà doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Ở một khía cạnh khác, người tiêu dùng TPHCM có tâm lý và phong cách tiêu dùng cởi mở, hào phóng, sẵn sàng tiếp nhận cái mới.

Phát biểu cuối buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên ghi nhận các kiến góp ý của kiều bào và đề nghị các vấn đề kiều bào nêu sẽ tiếp tục được phân tích trong hội nghị Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam, diễn ra ngày 30-10.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên mong muốn: “Các vấn đề cần tiếp tục được mổ xẻ với tinh thần chân tình nhất, thẳng thắn nhất, không né tránh sự thật. Lãnh đạo TPHCM sẽ ghi nhận và có thể làm điều gì đó để kiều bào yên tâm hơn, có nhiều cơ hội hơn và cảm thấy tự hào hơn khi trở về quê nhà”.

Thứ ba, xét về chất lượng nguồn nhân lực, TPHCM có nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Nền tảng quan trọng nữa là TPHCM thu hút nhiều nguồn lực đầu tư, tập trung của các mô hình công nghệ số, dịch vụ số mới, nơi mà các hoạt động hợp tác quốc tế rất thuận lợi.

Bên cạnh những nền tảng thuận lợi, đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng nêu ra 2 khó khăn mà TPHCM đối diện trong chuyển đổi số hiện nay. Đó là, mức chi ngân sách cho công nghệ thông tin (CNTT) tại TPHCM mới vào khoảng 0.4% GRDP. Trong khi đó các quốc gia dành cho CNTT trung bình 1% ngân sách. Riêng một số nước phát triển, đặc biệt như Hàn Quốc - hiện dẫn đầu thế giới về chính phủ điện tử - đã chi 2% ngân sách cho CNTT. Cùng với đó, còn một số doanh nghiệp e ngại, né tránh hoặc chưa dám tiếp cận chuyển đổi số do thiếu vốn và nhân lực...

Cần tạo ra giá trị thật

Tại hội nghị, các kiều bào đã chia sẻ, góp ý thẳng thắn nhiều ý tưởng, tâm huyết. Ông Steve Bùi (Bùi Văn Tuấn, kiều bào Nhật Bản), góp ý TPHCM nên sử dụng trí tuệ nhân tạo để phòng chống trộm cắp, cướp giật, giúp cho nhà đầu tư đến TPHCM an tâm hơn.

Đồng thời, trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), TPHCM cần có cơ chế buộc doanh nghiệp FDI phải chuyển giao công nghệ thì mới cấp phép đầu tư. Việc này giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận được với công nghệ tiên tiến của các nước, từng bước tự chủ trong sản xuất.

Đại biểu kiều bào đóng góp ý kiến trong buổi gặp gỡ lãnh đạo TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Góp ý để thu hút nhiều nhà đầu tư vào TPHCM, bà Vũ Mimi (kiều bào Mỹ), đề nghị cùng với đầu tư vào kinh tế, TPHCM cũng cần đầu tư cho môi trường, xã hội và công tác quản lý, mang lại sự hài lòng cho nhà đầu tư.

Tán đồng với chương trình chuyển đổi số của TPHCM, GS.TS Đặng Lương Mô (kiều bào Nhật Bản) đề nghị, đồng thời với chuyển đổi số, TP cần chú trọng hơn nữa tới sản xuất công nghiệp, tạo ra vật chất, tạo ra giá trị thật. Theo GS.TS Đặng Lương Mô, sản xuất công nghiệp được chú trọng sẽ giúp TPHCM phát triển nhanh và chắc chắn.

GS.TS Đặng Lương Mô đề nghị, đồng thời với chuyển đổi số, TPHCM cần chú trọng hơn nữa tới sản xuất công nghiệp, tạo ra vật chất, tạo ra giá trị thật. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đánh giá cao kết quả phòng chống dịch Covid-19 của cả nước, ông Danny Võ Thành Đăng (kiều bào Singapore) cho rằng, vị thế quốc gia và thương hiệu TPHCM được khẳng định qua kết quả ấn tượng này.

Ông Danny Võ Thành Đăng đề nghị TPHCM cần nỗ lực để thương hiệu TPHCM càng được khẳng định trong thời gian tới. Với đội ngũ lãnh đạo TPHCM, ông Danny Võ Thành Đăng đề xuất “6 chữ T” - là 6 tố chất mà người lãnh đạo cần có: tử tế - tiên phong - thấu cảm với người dân - tỉnh thức, trọn vẹn trong công việc – tinh thần tích cực toàn cầu hóa.

Nhiều mục tiêu hoàn toàn có thể thành hiện thực

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, một lần nữa bày tỏ sự trân trọng với các góp ý, hiến kế, đóng góp của kiều bào.

Đồng chí thông tin, giai đoạn 2020 - 2025, TPHCM đặt ra mục tiêu xây dựng đô thị thông minh và trở thành TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại; giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu trong buổi gặp gỡ các đại biểu kiều bào. Ảnh: VIỆT DŨNG 

TPHCM triển khai 4 chương trình phát triển TPHCM với 51 đề án cụ thể để thực hiện có kết quả mục tiêu trên.

Đồng thời, TPHCM xác định đến năm 2030 trở thành TP dịch vụ công nghiệp hiện đại, TP văn hóa, đầu tàu kinh tế số, xã hội số, chính quyền số của cả nước. “TPHCM rất quyết tâm tạo ra những điều kiện, những thiết chế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong thời gian tới. Con đường để phát triển TP theo hướng nhanh, bền vững chỉ có thể là đổi mới sáng tạo”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng trao đổi cụ thể các vấn đề kiều bào đặt ra. Xung quanh ý kiến của kiều bào về Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM (gọi tắt là khu đô thị sáng tạo), đồng chí Nguyễn Thành Phong cho hay, TPHCM đã có các hành động cụ thể để hiện thực hóa khu đô thị sáng tạo. TPHCM sẽ mời gọi đầu tư để có nguồn lực làm khu đô thị sáng tạo.

Mục tiêu của TP khi làm khu đô thị này là tạo ra bước đột phá để thúc đẩy kinh tế TPHCM phát triển bền vững. Khu đô thị sáng tạo được hình thành đóng góp khoảng 30% GRDP của TPHCM và 7% GDP toàn quốc. Đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Đó là mục tiêu hoàn toàn có thể thực hiện được”.

Trong phát triển xã hội, đồng chí Nguyễn Thành Phong chia sẻ, TPHCM vừa phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại TPHCM (AmCham), tổ chức buổi đối thoại với chủ đề hiện thực hóa tầm nhìn TPHCM là trung tâm y tế khu vực.

Đồng chí chia sẻ, hơn 30 năm trước, TPHCM đã có thành tích vang dội tách thành công cặp song sinh Việt - Đức. Mới đây, y tế TPHCM đã tách thành công cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi. Đội ngũ y bác sĩ của TPHCM đa số là người trẻ, được đào tạo bài bản, có trách nhiệm với công việc.

Năm 2020, các y bác sĩ -  những “chiến sĩ áo trắng” cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. “TPHCM hoàn toàn tự tin với đội ngũ y bác sĩ của TPHCM trong chăm sóc tốt sức khỏe người dân. TP cũng hoàn toàn tự tin với mục tiêu đưa TPHCM là trung tâm y tế của khu vực”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

 

Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam (Bộ Ngoại giao): Kiều bào gửi về 170 tỷ USD trong 30 năm qua

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua tiếp tục lớn mạnh và phát triển, với 5,3 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng hội nhập sâu rộng vào nước sở tại. Đồng thời, kiều bào đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam.

Trong 5,3 triệu kiều bào, đại đa số (80%) sinh sống tại các nước phát triển, nên tiềm lực về khoa học công nghệ, tiềm lực về tài chính là rất lớn. 5 năm qua, Việt Nam là một trong những nước thuộc TOP những quốc gia nhận được nhiều kiều hối nhất.

Riêng năm 2019, kiều hối gửi về nước khoảng 17 tỷ USD, chiếm 6,6% GDP. Từ 1990 đến nay, kiều bào gửi khoảng 170 tỷ USD về nước. Đây là một con số rất lớn. Trước đây, kiều hối chủ yếu dùng cho tặng thân nhân, tiết kiệm, mua sắm gia đình; hiện nay, phần lớn kiều hối chảy vào sản xuất kinh doanh.

Trong cả nước, hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp kiều bào hoạt động, tạo ra nhiều công ăn việc làm, đóng góp vào phát triển kinh tế các địa phương. Trong 5,3 triệu kiều bào, một tỷ lệ lớn - khoảng 500.000-600.000 là chuyên gia, trí thức. Trong đó, có nhiều nhân vật “nổi đình nổi đám” trong giới trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) tại Hoa Kỳ. Hàng năm, có khoảng 500 chuyên gia, trí thức về nước cộng tác thường xuyên với Chính phủ, các trường đại học, các viện nghiên cứu…

Tin cùng chuyên mục