Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Mũi tiến công quan trọng là Vaccine + Thuốc + Ý thức

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, dù trở về “bình thường mới” nhưng hệ thống y tế TPHCM phải được củng cố, tăng cường dẻo dai hơn, bền bỉ hơn để vừa chiến đấu trước mắt và chiến đấu lâu dài. 
Ngày 8-9, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn đầu đã có buổi làm việc tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (trưng dụng từ Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2, TP Thủ Đức). Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cùng tham gia đoàn công tác.
Tiếp tục chiến đấu trong điều kiện có niềm tin
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ xúc động và ghi nhận những nỗ lực, đóng góp quan trọng của đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 vào công tác phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM. Đồng chí trân trọng cám ơn đội ngũ tình nguyện viên, trong đó có tình nguyện viên tôn giáo đã hết lòng hết sức tham gia hỗ trợ chăm sóc người bệnh từ miếng ăn giấc ngủ.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Mũi tiến công quan trọng là Vaccine + Thuốc + Ý thức ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu trong buổi thăm và làm việc với Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: VIỆT DŨNG
Khi nghe những khó khăn mà đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện chia sẻ, đồng chí Nguyễn Văn Nên đồng cảm, thấu hiểu từ ăn uống sinh hoạt, điều kiện sống đến công việc điều trị, thiết bị vẫn còn nhiều thiếu thốn. Đây là những khó khăn chung và mong đội ngũ y bác sĩ bệnh viện sẽ cùng nhau vượt qua.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, sự có mặt đông đủ của các lực lượng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cũng là tiêu biểu cho các trung tâm hồi sức khác đang đóng tại TPHCM. Đó là ngoài những lực lượng chuyên trách, đội ngũ y bác sĩ đến từ nhiều vùng miền trong cả nước, còn có các lực lượng là tình nguyện viên, tôn giáo tham gia chống dịch. Các lực lượng chia sẻ, chung tay để cùng nhau thực hiện thiên chức cao cả trị bệnh, cứu người. Đồng chí đánh giá rất cao những nỗ lực, cố gắng khắc phục và vượt qua nhiều khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ xúc động khi nghe thấy, cảm nhận về công việc, đời sống của đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên tại bệnh viện. Đồng chí cho biết đại dịch lần này rất khóc liệt và nhiều thử thách. Lực lượng tuyến đầu, những người chiến sĩ dũng cảm chính là những người “chiến sĩ áo trắng”, một lần nữa đã ra trận với tinh thần không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, thậm chí có sự hy sinh. Đồng chí cho biết, cuộc chiến chống dịch Covid-19 lần này lịch sử sẽ ghi nhận, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM trân trọng ghi nhận và biết ơn các “chiến sĩ áo trắng”.
Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã có 55 ngày chiến đấu từ những ngày đầu khó khăn gian khổ. Đến nay đã đi qua những chặng đường, mỗi chặng đường ghi lại những chiến công. Đó là tiếp nhận bệnh nhân, điều trị và cho xuất viện khoảng 600-700 người. Đội ngũ y bác sĩ, nhân viên và các tình nguyện viên của bệnh viện đã làm tròn trách nhiệm, nghĩa cử khi giúp sức cho nhiều gia đình có người thân không may qua đời.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá bệnh viện đã vượt qua một chặng đường gian khó, đến giờ này bệnh nhân nhập viện giảm khoảng 30%, tử vong giảm gần 50%. Đây là sự nỗ lực rất lớn, rất đáng trân trọng. Tại bệnh viện này có thể “đo” được tình hình ở bên ngoài cũng có xu hướng giảm như vậy.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, sau 2 tuần tăng cường các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt, quyết liệt (từ ngày 23-8) để thực hiện các biện pháp y tế, tăng cường các lực lượng cả nước vào TPHCM để cùng chung tay chung sức ngăn chặn sự lây lan dịch ra cộng đồng, hạn chế tối đa tử vong và đảm bảo đời sống người dân. Đồng chí đánh giá, những nỗ lực này ngày càng mang lại hiệu quả rõ nét hơn và tiếp tục chiến đấu để sớm kiểm soát dịch Covid-19.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên tiếp tục động viên đội ngũ tuyến đầu tiếp tục chiến đấu để sớm “giải tán” Bệnh viện Hồi sức Covid-19, đây là mong muốn chung. Hơn thế nữa, đồng chí mong muốn tình hình dịch được kiểm soát nhanh hơn. Đồng chí thấu hiểu đội ngũ y bác sĩ rất nhớ nhà, có người từ nhiều tháng nay chưa về. Đồng thời động viên tất cả cùng nhau chiến đấu dù có khác nhau ở vị trí nhưng tất cả chung sức chung lòng, cùng nhau để TPHCM kết thúc giai đoạn khốc liệt này.
Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh mũi tiến công rất quan trọng đó là các mũi tiến công Vaccine + Thuốc + Ý thức. Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp tục nhưng tiếp tục trong điều kiện có niềm tin, có điều kiện dẫn tới chiến thắng. TPHCM đang chuẩn bị các chiến lược để trở lại “bình thường mới”.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, dù trở về “bình thường mới” nhưng hệ thống y tế TPHCM phải được củng cố, tăng cường đảm bảo đủ sức chiến đấu dẻo dai hơn, bền bỉ hơn để vừa chiến đấu trước mắt và chiến đấu lâu dài. “Chúng ta phải chăm lo sức khoẻ, bảo vệ tính mạng nhân dân bằng mọi cách”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Mô hình bệnh viện “chị em” rất hiệu quả
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng bày tỏ vui mừng khi mỗi lần đến bệnh viện có nhiều thay đổi. Bệnh viện thực hiện sứ mệnh điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 rất nặng, nguy kịch. Đến nay đã có nhiều bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện là điều rất đáng mừng.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Mũi tiến công quan trọng là Vaccine + Thuốc + Ý thức ảnh 2 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Bệnh viện Hồi sức Covid-19 . Ảnh: VIỆT DŨNG
Tại bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng không chỉ công tác tại TPHCM mà cả đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng được tăng cường vào, cùng với đó là sự tham gia hỗ trợ rất nhiều từ đội ngũ tình nguyện viên, đặc biệt là tình nguyện viên tôn giáo. Hiện nay bệnh viện thành lập bệnh viện theo mô hình “chị em” (tầng 2) để hỗ trợ tiếp nhận những bệnh nhân nặng, mục tiêu giảm tỷ lệ chuyển nặng, dẫn tới tử vong.
Trước đó, báo cáo với đoàn công tác, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc điều hành Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho biết, ngoài lực lượng y bác sĩ, nhân viên bệnh viện với hơn 1.658 người còn có đội ngũ tình nguyện viên tham gia chăm lo cho người bệnh. Trong đó có đội ngũ tình nguyện viên tôn giáo có vai trò rất quan trọng, giúp ích cho đội ngũ y bác, điều dưỡng tập trung vào công tác chuyên môn
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Mũi tiến công quan trọng là Vaccine + Thuốc + Ý thức ảnh 3 Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 Nguyễn Tri Thức phát biểu về tình hình hoạt động của bệnh viện. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo TS.BS Nguyễn Tri Thức, bệnh viện có quy mô 1.000 giường, hiện đang điều trị 689 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Cho tới thời điểm này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã hỗ trợ bệnh viện hơn 97 tỷ đồng. Sau 55 ngày đi vào hoạt động, bệnh viện tương đối đầy đủ trang thiết bị (chưa mua một thiết bị y tế nào, giúp tiết kiệm ngân sách), chủ yếu nhận sự hỗ trợ từ Bộ Y tế, TPHCM, các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ…
  Bên cạnh đó Bệnh viện Hồi sức Covid-19 triển khai điều trị tâm lý và vật lý trị liệu cho bệnh nhân sau khi khỏi bệnh. Do nhiều trường hợp khỏi bệnh cần được hỗ trợ sau một thời gian dài nằm điều trị có ảnh hưởng đến tâm lý, cũng như việc đi lại do nằm dài ngày.
Đến nay bệnh viện tiếp nhận hơn 2.628 bệnh nhân trong đó có hơn 600 bệnh nhận xuất viện, số người điều trị từ nặng xuống nhẹ là 749. Tử vong có 694 người (26,4%, tỷ lệ tử vong này không thấp cũng không quá cao so với thế giới. Hiện bệnh viện tập trung điều trị và đánh chặn từ xa các ca chuyển nặng thông qua mô hình bệnh viện “chị em”.
Tình nguyện viên tôn giáo chăm lo miếng ăn giấc ngủ cho F0
BS CKII Trần Thanh Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho biết thêm, giai đoạn đầu mới vận hành gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay tình hình đã ổn định nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ các cấp lãnh đạo và các doanh nghiệp, mạnh thường quân. Đến nay số ca tử vong đã giảm đi rất nhiều. Đặc biệt trong thời gian gần đây, số bệnh nhân nặng tiếp nhận cũng đã giảm rất nhiều từ các tâng dưới chuyển lên. Từ đó cũng đã giảm áp lực cho bệnh viện.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Mũi tiến công quan trọng là Vaccine + Thuốc + Ý thức ảnh 4 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tặng quà động viên lực lượng y bác sĩ, các tình nguyện viên tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đại diện tình nguyện viên tôn giáo, thầy Thích Chúc Khai cho biết, đến nay tình nguyện viên tôn giáo đã tham gia hai đoàn với hơn 211 người. Hàng ngày các tình nguyện viên tôn giáo hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ, nhất là điều dưỡng trong việc chăm lo cho người bệnh, từ vệ sinh đến ăn uống… Qua đó còn hỗ trợ tâm lý để người bệnh an tâm, vững tin vượt qua dịch bệnh.
Đã 55 ngày chưa về nhà, BS CKI Trần Thị Thu Cúc (công tác ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định) chia sẻ: "Ban đầu đến đây cũng có những khó khăn, trong suốt quá trình làm việc thường xuyên mặc đồ bảo hộ nhất là bác sĩ, điều dưỡng nữ… Tuy nhiên mọi người đã nỗ lực khắc phục".
Thay mặt lực lượng y bác sĩ đến từ các vùng miền khác tăng cường về đây, TS.BS Vũ Đức Bình, Trưởng đoàn tăng cường Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, đội ngũ y bác sĩ được tăng cường vào đây với 125 người. Thời gian đầu cũng khá bỡ ngỡ nhưng đã nhanh chóng tiếp cận công việc. Khi vào thực tế mới thấy được những khó khăn vất vả của lực lượng tại chỗ.
“Giữa lằn ranh sự sống và cái chết nên luôn đòi hỏi mọi người phải quyết đoán hơn trong công tác điều trị. Kịp thời đưa ra quyết định trong những tình huống cứu người bệnh”, Trưởng đoàn tăng cường Viện Huyết học Truyền máu Trung ương chia sẻ và hứa quyết tâm cùng với đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 thực hiện thiên chức chữa bệnh cứu người.

Tin cùng chuyên mục