Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Hạn chế tối đa thiệt thòi với cán bộ khi lập TP Thủ Đức

Chiều 25-12, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM, làm việc với Quận ủy quận 2 về công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận 2, các nhiệm vụ trọng tâm sau đại hội và công tác chuẩn bị, kiến nghị đề xuất của quận liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức (theo Nghị quyết 1111 ngày 9-12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). 

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM...

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Hạn chế tối đa thiệt thòi với cán bộ khi lập TP Thủ Đức ảnh 1 Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: KIỀU PHONG

Giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá cao sự chủ động của Quận ủy trong triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm sau Đại hội đại biểu Đảng bộ quận 2 nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, quận cũng thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và phòng chống dịch Covid-19 đạt kết quả tốt.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, do đặc điểm tình hình của quận phải tiếp tục xử lý những vấn đề hiện nay còn tồn đọng ở Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm mà cụ thể là thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TU của Thành ủy, quận cũng thành lập 5 tổ công tác cùng với TPHCM và Thanh tra Chính phủ tổ chức đối thoại với người dân còn khiếu kiện.

Về việc thành lập TP Thủ Đức, đồng chí Bí thư Thành ủy chia sẻ, lãnh đạo TPHCM đã tiên liệu được một số phát sinh và có hướng xử lý. Theo đó, khi bàn kế hoạch thực hiện Nghị quyết 1111 thì đồng thời thảo luận về xử lý các việc tồn đọng còn lại trên các địa bàn có liên quan, trước hết là KĐTM Thủ Thiêm. Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo tiếp tục xử lý những vấn đề tồn đọng còn lại ở các quận, trọng tâm là quận 2, mà cụ thể là KĐTM Thủ Thiêm.

“Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đặc biệt quan tâm vấn đề này, Ban Chỉ đạo xử lý vấn đề này sẽ có kế hoạch cụ thể, có mời Thanh tra Chính phủ và một số bộ, ngành liên quan để xử lý”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, bên cạnh những phấn khởi sẽ có những tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, người dân nhưng vì sự phát triển phải chấp nhận chia tay cái cũ, phát triển cái mới.

“Đây là tâm tư chính đáng, nhưng và quan điểm của lãnh đạo TPHCM là khi thực hiện thì hạn chế tối đa thiệt thòi đối với cán bộ. Đối với người dân thì hạn chế tối đa những khó khăn, ảnh hưởng trong giai đoạn chuyển tiếp”, đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Hạn chế tối đa thiệt thòi với cán bộ khi lập TP Thủ Đức ảnh 2 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: KIỀU PHONG

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thông tin, TP Thủ Đức có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển của TPHCM, của vùng và sẽ đóng góp ngân sách lớn cho cả nước. Do đó, đồng chí mong muốn mỗi cán bộ, công chức, viên chức cùng chia sẻ, khắc phục các thiệt thòi có thể xảy ra, vì mục tiêu lớn hơn là vì tương lai phát triển của TP Thủ Đức, của TPHCM và cả nước.

Đồng chí cũng mong muốn cán bộ, đảng viên quận 2 cùng chung sức, đồng lòng thông tin, tuyên truyền đến người dân địa phương hiểu và đồng tình, ủng hộ.

Đoàn công tác cùng các cán bộ chủ chốt quận 2. Ảnh: KIỀU PHONG

Hiện nay đã gần đến Tết Nguyên đán, có nhiều việc cần giải quyết, trong đó có thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo tết đối với các trường hợp khó khăn cũng như giữ gìn an ninh trật tự để người dân hưởng tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm…

Đồng chí Bí thư Thành ủy mong muốn quận 2 đảm bảo các hoạt động trước, trong và sau tết một cách trọn vẹn; đảm bảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cùng với đó, đảm bảo các hoạt động cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.

Chỉnh sửa loại giấy tờ - nỗi lo lớn nhất

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu chuyển tải ý kiến của người dân, đảng viên trên địa bàn ủng hộ, đồng tình đối với việc thành lập TP Thủ Đức, kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế thành phố, đồng thời phục vụ người dân tốt hơn. Song, một số ý kiến đề nghị cần quan tâm giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc như tại KĐTM Thủ Thiêm để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân.

Bí thư Quận ủy quận 2 Nguyễn Phước Hưng còn thông tin, dư luận mong muốn các cơ quan chức năng cần tổ chức lấy ý kiến nhân dân thật kỹ trước khi thực hiện đề án và cần có những chủ trương, chính sách về định hướng phát triển hợp lý.

Cùng với đó là tổ chức quy hoạch và công tác quản lý phải thực sự khoa học để đảm bảo sự phát triển bền vững của TP Thủ Đức trong tương lai. Đặc biệt là phải đảm bảo cho người dân thực sự là đối tượng thụ hưởng những giá trị tốt đẹp như định hướng phát triển TP Thủ Đức.

Một số cán bộ, lãnh đạo quản lý, công chức quận băn khoăn đến vị trí, việc làm của mình sau khi thành lập TP Thủ Đức, vì số cán bộ, lãnh đạo quản lý, công chức dư ra nhiều sau khi sáp nhập. Đặc biệt, người dân bày tỏ nỗi lo lớn nhất là phải chuyển đổi toàn bộ giấy tờ từ CMND, hộ khẩu, nhà ở, tài khoản ngân hàng.

Từ đó, người dân đề xuất cơ quan hành chính, cơ quan công an tổ chức các đợt đến nhà giải quyết việc điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ cho người dân bị ảnh hưởng hoặc giải quyết ngoài giờ hành chính tại trụ sở phường. Khi chỉnh sửa các loại giấy tờ thì không thu phí.

Cũng tại buổi làm việc, quận 2 kiến nghị Thành ủy về công tác chuẩn bị sáp nhập quận, phường, thành lập TP Thủ Đức, TPHCM cần có chính sách hỗ trợ, động viên, khuyến khích những trường hợp tinh giản, nghỉ việc, nghỉ hưu trước tuổi.

Quận cũng kiến nghị Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ có hướng dẫn về quy trình, cách làm để việc tổ chức thực hiện chặt chẽ, đúng quy định khi sáp nhập 4 phường thành 2 phường trên địa bàn quận.

Nêu ý kiến thêm về TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND Quận 2 Lê Đức Thanh cho rằng, Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Từ thời điểm này, UBND các quận 2, 9, Thủ Đức không còn đủ pháp lý ban hành các văn bản hành chính.

Vì vậy, UBND quận 2 đề nghị UBND TP có văn bản pháp lý quy định chức năng, nhiệm vụ của 3 quận để tiếp tục thực hiện đến 1-3-2021 (thời điểm TP Thủ Đức chính thức hoạt động - PV) để đảm bảo pháp lý các văn bản mà 3 quận ký, nhất là những văn bản, giấy tờ liên quan đến người dân.

Đồng thời, lãnh đạo TP nên gặp gỡ, tiếp xúc để động viên, quán triệt thông báo lộ trình việc sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ cho cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn 3 quận hiểu thông suốt để thực hiện tốt.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Hạn chế tối đa thiệt thòi với cán bộ khi lập TP Thủ Đức ảnh 4 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: KIỀU PHONG

Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị quận 2 cũng cần chủ động chuẩn bị tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP Thủ Đức. Cùng với đó là tiếp tục nắm, hiểu sát tình hình người dân để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là các vụ việc đang khiếu nại, khiếu kiện. Đồng thời, phân công, phân nhiệm rõ ràng, làm tốt công tác tư tưởng trong cán bộ, công chức, viên chức sau khi sắp xếp bộ máy mới; chủ động rà soát việc, sắp xếp phù hợp.

Trụ sở TAND, VKSND TP Thủ Đức đặt ở đâu?

Tại buổi làm việc, lãnh đạo VKSND TPHCM cho biết, hiện nay, VKSND quận 9 đang mượn tạm trụ sở, trong khi đó, trụ sở VKSND quận 2, quận 9 có sức chứa cho khoảng 20 người làm việc. Khi sáp nhập lại thành một thì không có trụ sở chung đảm bảo đủ không gian cho VKSND TP Thủ Đức hoạt động, nên kiến nghị được bố trí trụ sở cho VKSND TP Thủ Đức.

Trong khi đó, Chánh án TAND TPHCM Lê Thanh Phong thông tin, TAND quận Thủ Đức đang dẫn đầu về số án thụ lý, bình quân 2.600 vụ/năm. Tòa này đang có 54 biên chế, trong đó có 27 thẩm phán (5 trung cấp, 22 sơ cấp), 18 thư ký và thẩm tra viên. Trụ sở TAND quận Thủ Đức lại nhỏ nhất.

TAND quận 9 có số án thụ lý khoảng 2.200 vụ/năm và có bố trí nhân sự tương tự TAND quận 2. Tòa này có 22 thẩm phán (4 trung cấp, 18 sơ cấp), 13 thư ký và thẩm tra viên. Trong khi đó, TAND quận 2 thụ lý bình quân thấp nhất, là 1.500 vụ án/năm, nhưng có diện tích lớn nhất. Tòa này xây trên diện tích đất gần 3.000m2, 3 tầng với diện tích sử dụng 1.600m2.

Theo Chánh án TAND TPHCM Lê Thanh Phong, về lâu dài, trụ sở mới của TAND TP Thủ Đức sẽ nằm ở trung tâm hành chính của TP Thủ Đức. Nhưng trước mắt thì vẫn tiếp tục sử dụng trụ sở của 3 đơn vị là TAND quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức hiện nay.

Tin cùng chuyên mục