Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, việc giãn cách hay nới lỏng đến mức độ nào còn phụ thuộc vào chuyển biến tình hình dịch bệnh và nguy cơ của từng khu vực, từng địa bàn. Phương châm chung của TPHCM phải an toàn trên hết, an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị, chiều 11-9-2021. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị, chiều 11-9-2021. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chiều 11-9, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị mở rộng để cho ý kiến về kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM sau ngày 15-9. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị.
Khách mời Trung ương dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Liết, Vụ trưởng Vụ Địa phương III Ban Tổ chức Trung ương; Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM.
Về phía TPHCM có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM…
Từng bước thực hiện “mục tiêu kép”
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM đã chuẩn bị rất khẩn trương hàng loạt dự thảo kế hoạch, chiến lược cho giai đoạn bình thường mới sau ngày 15-9. Điều này có nghĩa là TPHCM chuẩn bị cho điều kiện “bình thường mới”, từng bước thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra.
Đồng chí thông tin, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cơ bản thống nhất với dự thảo kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi kinh tế trên địa bàn TPHCM. Đồng thời, yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND TPHCM tiếp thu, ghi nhận, bổ sung vào dự thảo kế hoạch những ý kiến góp ý tại hội nghị.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, từ ngày 31-5, TPHCM bắt đầu thực hiện Chỉ thị 15 toàn thành phố và thực hiện Chỉ thị 16 có trọng tâm trọng điểm. Tính đến nay, TPHCM có 103 ngày với những bước, những mục tiêu, những giải pháp cấp độ khác nhau, theo hướng ngày càng nâng lên, ngày càng tăng cường, siết chặt. Nghị quyết 86 của Chính phủ giao trọng trách cho TPHCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15-9.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, đối chiếu với Quyết định số 3979 của Bộ Y tế thì chỉ có một số địa phương ở TPHCM cơ bản đáp ứng mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh, đa số các địa phương phải tiếp tục phấn đấu thêm một thời gian nữa. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới trong phòng chống dịch đối với biến chủng Delta, có thể nói rằng khó có thể “quét sạch F0” trong một thời gian nhất định trên một địa phương, một địa bàn lớn có đặc điểm phức tạp như TPHCM.
Mặt khác, việc áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt cũng không thể kéo dài đến quá sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế. Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, qua thực tiễn, quan điểm này mới so với trước đây và TPHCM sẽ báo cáo Trung ương để xin ý kiến.
Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, việc giãn cách hay nới lỏng đến mức độ nào còn phụ thuộc vào chuyển biến tình hình dịch bệnh và nguy cơ của từng khu vực, từng địa bàn. Phương châm chung của TPHCM phải an toàn trên hết. “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM khẳng định, TPHCM phát huy mạnh mẽ vai trò của người dân là chiến sĩ, là chủ thể quyết định thành bại trong cuộc chiến này. Đồng chí Nguyễn Văn Nên dẫn lại lời Thủ tướng rằng, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân, không thể ai thay thế được.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn ảnh 1 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thí điểm ở một số nơi trước khi mở cửa
Đề cập vai trò của TPHCM với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, kế hoạch của TPHCM không thể tách rời mà phải có sự phối kết hợp chặt chẽ với tình hình chung của Vùng và cả nước. Tuyệt đối không chủ quan, không nôn nóng, triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn.
“Điều này có thể hiểu đơn giản, bắt đầu những ngày đầu phòng chống dịch, TPHCM thực hiện Chỉ thị 15 toàn thành phố và Chỉ thị 16 có trọng tâm trọng điểm. Còn bây giờ thực hiện mở ngược lại, thực hiện Chỉ thị 16 toàn thành phố và thực hiện Chỉ thị 15 có trọng tâm trọng điểm. Nơi nào an toàn thì nới lỏng dần”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nêu rõ và yêu cầu trước hết phải chọn địa phương làm thí điểm để TPHCM rút kinh nghiệm thực hiện sau này.
Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu phải bám sát những trụ cột chính trong phòng chống dịch. TPHCM từng bước khôi phục hoạt động “bình thường mới” ở từng lĩnh vực. Xác định chiến lược y tế là một trong những trụ cột khi mở cửa trở lại, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu phải củng cố lại hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở và đến trung tâm y tế cấp quận, cấp thành phố.
Đồng thời, TPHCM cần có cơ chế, chính sách thu hút, quy tụ y tế tư nhân và không chỉ tây y mà cần phát huy, kết hợp với đông y, y học dân tộc tham gia phòng chống dịch.
Về vấn đề xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Nên chỉ đạo, phải có chính sách nhà ở cấp tốc cho người dân, công nhân, người lao động trên địa bàn TPHCM để “chia lửa”, giảm tải các khu nhà trọ chật hẹp hiện nay. Về kinh tế, đồng chí nhấn mạnh phải đảm bảo an toàn mới hoạt động.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn ảnh 2 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị, chiều 11-9-2021. Ảnh: VIỆT DŨNG
Kiến tạo cơ chế phát huy các nguồn lực xã hội
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ đạo về chiến lược giáo dục - đào tạo, truyền thông, văn hóa tinh thần, an ninh quốc phòng… Đặc biệt, về phát huy các nguồn lực, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu phải tạo điều kiện để phát huy sự tương trợ, đùm bọc, hỗ trợ của cộng đồng, của doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn.
“Người ta đi làm từ thiện mà còn xét giấy, hạch sách làm khó làm dễ này kia thì phiền quá”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhắc nhở và nhấn mạnh về việc phải tạo điều kiện thông thoáng cho người làm từ thiện “đi lại nhẹ nhàng nhất, thuận lợi nhất, không có bất cứ phiền phức nào”. Cùng với đó, đồng chí yêu cầu phải kiến tạo cơ chế để huy động và phát huy nguồn lực lớn từ xã hội, nguồn lực trong dân, nguồn lực trí thức…
Đồng chí Nguyễn Văn Nên chỉ đạo phải làm nhanh, làm có hiệu quả chiến lược về khoa học công nghệ. Đồng thời, bổ sung 2 chiến lược về công tác dân vận trong tình hình mới và chiến lược tăng cường xây dựng củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, từng chiến lược chú ý tính khả thi, lộ trình, đặc biệt quan tâm gắn chiến lược này với chiến lược khác, nhất là y tế và công nghệ.
Theo đồng chí, không phải chiến lược riêng mà phải liên kết với nhau để có khả thi cao, mới phục vụ cho “bình thường mới” được. Để chuẩn bị bộ chiến lược mang tính chất lịch sử sắp tới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, các chính sách không ban hành một cách vội vã, mà phải chuẩn mực. 

Chăm lo, hỗ trợ tới các trẻ em mồ côi vì Covid-19

Trước đó, góp ý tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức đề nghị cần có giải pháp công nghệ áp dụng thống nhất, đồng bộ trên địa bàn TPHCM. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn manh mún, không thống nhất, mỗi nơi mỗi cách triển khai dẫn tới vừa mất sức, mất tiền của mà hiệu quả không cao. 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn ảnh 3 Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Cần có bộ phận nghiên cứu tổng thể của TPHCM những vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị xã hội; trong đó có các giải pháp nhánh, biện pháp nhánh và tổng thể liên thông với nhau”, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu đề nghị và gợi mở, trong chi hỗ trợ cho người dân, cần chuyển khoản thẳng tới tài khoản của người dân, không nên làm “thủ công” như hiện nay.

Đồng chí cũng cho rằng, cần quan tâm đến “hậu điều trị Covid-19”, hỗ trợ cho những F0 nặng trong quá trình phục hồi sau điều trị. Một vấn đề được các đại biểu đặt ra, cần có cơ chế chính sách chăm lo, hỗ trợ tới các trẻ em mồ côi vì Covid-19.

Tin cùng chuyên mục