Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nói gì về dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch?

Tại buổi bế mạc Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 18 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X vào chiều 16-10, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, dành một lượng thời gian khá dài để đề cập đến dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch. Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định việc thực hiện dự án sẽ không ảnh hưởng đến việc giải quyết quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm. Mặc khác, việc xây dựng nhà hát này cũng là thực hiện theo quy hoạch và không tạo ra gánh nặng đối với kế hoạch xây dựng trường học, bệnh viện của TPHCM.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nói gì về dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch? ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị Thành ủy. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin, trước khi UBND TPHCM trình dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch (tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2), đã có các đợt khảo sát về dự án. Tuy nhiên, những thông tin này chưa được chuyển tải đầy đủ nên khi dự án được HĐND TPHCM thông qua vẫn còn có một số ý kiến băn khoăn.

“Người dân cũng đặt vấn đề tiền bồi thường cho người dân Thủ Thiêm còn chưa có thì lấy tiền đâu để xây dựng nhà hát trị giá 1.500 tỷ đồng”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nêu lại ý kiến phản ánh của dư luận rồi khẳng định, đây là 2 vấn đề khác nhau.

Việc bồi thường, giải quyết quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm thì thực hiện theo quy trình. Nghĩa là sau khi có kết luận của Thủ tướng Chính phủ thì Ban Thường vụ Thành ủy đã nhiều lần chỉ đạo UBND TP triển khai thực hiện các kết luận. 

Hiện nay, UBND TPHCM đang xây dựng 11 giải pháp, trong đó có việc gặp người dân để trao đổi, tìm sự đồng thuận rồi ban hành giải pháp triển khai thực hiện.
Ngoài ra, tiền bồi thường cho người dân được dùng từ nguồn ngân sách, trong khi đó, tiền đầu tư cho nhà hát là từ nguồn khác (bán đấu giá lô đất 23 Lê Duẩn, quận 1 - PV).

“Không vì nhà hát mà thiếu tiền bồi thường cho người dân”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng thông tin, cách đây hơn 100 năm, khi dân số của thành phố chỉ khoảng 100.000 người, người Pháp đã xây dựng nhà hát, nay là Nhà hát TPHCM và đến nay, chúng ta vẫn sử dụng nhà hát này. Điều này cho thấy họ có một tầm nhìn rất xa.

Trong khi đó, TPHCM hiện nay có khoảng 10 triệu dân, cùng đó là hơn 100.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TPHCM. Do đó, việc có nhà hát đáp ứng nhu cầu trực tiếp cho người dân TPHCM và dần dần hình thành nhu cầu cho những người chưa có nhu cầu; đồng thời đáp ứng nhu cầu giao lưu, bồi dưỡng cho các lớp sau.

Mặc khác, bên cạnh các hoạt động biểu diễn opera, nhạc giao hưởng, nhạc kịch thì các hoạt động biểu diễn văn nghệ vẫn có thể thực hiện tại nhà hát. Điểm đặc biệt ở nhà hát này là được thiết kế để phục vụ các hoạt động đa năng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nói gì về dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch? ảnh 2 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị Thành ủy. Ảnh: VIỆT DŨNG
Về lý do tại sao chọn Thủ Thiêm để xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, vị trí này là thực hiện theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ban đầu, TPHCM dự định đặt nhà hát tại Công viên 23-9, nhưng do nơi đây thường xuyên xảy ra kẹt xe, lại là công viên của người dân. Do đó, TPHCM quyết định đưa nhà hát về Thủ Thiêm.

Trong khi đó, ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm có các công trình như trung tâm triển lãm, công viên bờ sông, trung tâm tài chính và mới đây TPHCM đề nghị xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, thực hiện dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại đây tạo sự tương thích về quy hoạch.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, việc đầu tư nhà hát này sẽ không gây ra gánh nặng, làm ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác của TPHCM.

“Trong nhiệm kỳ 2016-2020, chi phí xây dựng trường học, bệnh viện là hơn 34.630 tỷ đồng, gấp 23 lần so với kinh phí xây nhà hát”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng. Nếu tính trong 3 nhiệm kỳ gần đây, TPHCM đã đầu tư 57.860 tỷ đồng xây bệnh viện và trường học, tức gấp 38 lần kinh phí xây dựng nhà hát. Còn tính tổng chi ngân sách của TPHCM trong 3 khóa gần đây (tổng là 355.000 tỷ đồng) thì kinh phí xây nhà hát chỉ chiếm 0,4%.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nói gì về dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch? ảnh 3 Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị Thành ủy. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng nhận xét, kinh phí xây dựng nhà hát là số tiền không nhỏ. Song, TPHCM đã có kế hoạch trong nhiều năm qua cho nó và không phải không quan tâm xây dựng trường học, bệnh viện.

Tuy vậy, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý, qua vụ việc này cần rút ra nhiều bài học, nhất là việc chủ động thông tin đầy đủ cho người dân.

“Chúng ta có thông tin khá đầy đủ nhưng chưa chủ động thông tin đúng mức vì chưa lường hết phản ứng của dư luận”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ và cho rằng chính vì thiếu thông tin nên nhiều người dân băn khoăn.

“Xung quanh việc xây dựng nhà hát, chúng ta lắng nghe ý kiến nhiều chiều và tất nhiên cũng có một bộ phận tận dụng mọi sự kiện để chống đối, chống phá. Về vấn đề này thì chúng ta phải “chung sống” và điều quan trọng là phải có các giải pháp làm cho dân yên”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đúc kết.

Tin cùng chuyên mục