Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nêu 9 giải pháp giữ vững trật tự an toàn xã hội

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, TPHCM nhận thức việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội là tiền đề để phát triển kinh tế. Đó là ưu tiên hàng đầu. Do đó, TPHCM xây dựng các phương án xử lý, không để xảy ra tình huống bất ngờ.

Ngày 6-1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành nội chính Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trương ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Tại điểm cầu TPHCM, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng lãnh đạo các ban, Đảng Thành ủy TPHCM tham dự.

Phát biểu chia sẻ kinh nghiệm về công tác nội chính tại TPHCM, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề cập đến những tính chất đặc thù của thành phố như: có mật độ dân số rất cao (gấp 15 lần bình quân cả nước), có số người nghiện ma túy cao… Thời gian qua, TPHCM đã giữ vững được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, là có sự đóng góp rất quan trọng của Ban Nội chính Thành ủy.

Hiện nay, Ban Nội chính Thành ủy giữ vai trò tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về công tác chỉ đạo trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội, cải cách tư pháp, quốc phòng, phòng chống tham nhũng.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho hay, trong 2 năm gần đây, để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, TPHCM tập trung thực hiện 9 biện pháp. Cụ thể, lãnh đạo TPHCM xác định và thực hiện chính quyền vì dân, an dân, lắng nghe ý kiến của người dân và tạo điều kiện cho nhân dân tham gia vào các hoạt động quản lý của thành phố. Ngoài ra, TPHCM thực hiện nhiều các biện pháp lắng nghe ý kiến của người dân, ngoài triển khai các biện pháp giám sát của HĐND và MTTQ, tiếp xúc cử tri, một trong những nội dung nổi bật là Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Quy định 1374-QĐ/TU.

Theo đó, cơ quan Đảng chủ trì theo dõi chỉ đạo các đơn vị, chính quyền các cơ quan khi có ý kiến của nhân dân thông qua 4 nguồn thông tin các đơn vị phải xử lý. Trong 2 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp xử lý hơn 3.000 thông tin phản ánh, tỷ lệ xử lý đạt 94%. Qua đó đã rà soát, xử lý kỷ luật 6 tổ chức Đảng, 244 đảng viên và hơn 300 cán bộ của hệ thống chính quyền.

Lãnh đạo TPHCM thường xuyên tổ chức đối thoại trên Đài Truyền hình TPHCM và Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM. Trong 6 tháng gần đây, báo chí thành phố cũng mở các chuyên mục về ghi nhận sáng kiến của người dân đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin, một trong những biện pháp quan trọng là tập trung giải quyết các vấn đề lớn được người dân quan tâm với lộ trình cụ thể, từ đó tạo niềm tin trong nhân dân, mà nổi bật là trong xử lý vấn đề rác, ngập nước và kẹt xe.

Mặt khác, TPHCM cũng quyết liệt tập trung xử lý dứt điểm các dự án có nguy cơ phát sinh xung đột. Chẳng hạn, trong vụ việc liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), lãnh đạo cao nhất của TPHCM đã trực tiếp gặp gỡ người dân và sau khi có ý kiến của Thanh tra Chính phủ đã quyết liệt triển khai. Đến nay, tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tương tự, khiếu kiện của người dân tại dự án Khu Công nghệ cao (quận 9), chợ An Đông (quận 5)… cũng được tập trung giải quyết, tạo được sự ổn định.

Đề cập phương châm xử lý để đảm bảo anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phải dự báo từ xa và sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu nhất; luôn chủ động chuẩn bị lực lượng, tạo được lợi thế về lực lượng và thông tin khi xử lý tình huống.

Về việc tổ chức ứng phó tình huống phức tạp, ban đầu TPHCM thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ) và sau đó thêm một nội dung thứ 5 là nhiệm vụ tại chỗ. Nội dung này đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động xử lý nhanh hơn, kịp thời hơn.

Bên cạnh đó là thường xuyên củng cố lực lượng chính trị và củng cố hoàn thiện phương án, diễn tập phương án xử lý các tình huống.

Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh đến công tác truyền thông, thông qua việc đưa Trung tâm Báo chí TPHCM vào hoạt động (từ tháng 5-2019). Đến nay, Trung tâm Báo chí TPHCM đã tổ chức trên 80 sự kiện với hơn 10.000 lượt phóng viên tham gia.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, TPHCM nhận thức, việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội là tiền đề để phát triển kinh tế. Đó là ưu tiên hàng đầu. Do đó, TPHCM xây dựng các phương án xử lý trung hạn, ngắn hạn; giải quyết tập trung giảm dần căng thẳng và tiến tới kết thúc. Cùng với đó là dự báo tình hình thường xuyên, giao ban chỉ đạo, không để xảy ra tình huống bất ngờ.

“Cuối cùng, phải có một cơ quan chuyên trách mạnh để giúp Thành ủy triển khai các nội dung này. Đó là Ban Nội chính Thành ủy”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ và khẳng định, năm 2020 và những năm tiếp theo, TPHCM tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Tin cùng chuyên mục