Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bàn “Vốn ở đâu để đầu tư phát triển TP?”

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi ý: Cộng với đầu tư nước ngoài 15% nữa, đầu tư của TP chiếm đến gần 80% khu vực ngoài nhà nước. Đây là xu hướng của vai trò kinh tế tư nhân, và khi đưa ra các giải pháp thúc đẩy đầu tư thì chúng ta phải chú trọng khu vực này...
Khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM Khóa X
Sáng nay 27-6, tại Hội trường thành phố, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM Khóa X khai mạc. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì hội nghị. 

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương, đại diện các Ban Đảng Thành ủy, lãnh đạo các sở, ngành TP, các Quận, Huyện ủy, cấp ủy cấp trên cơ sở. Hội nghị sẽ làm việc trong 2 ngày 27 và 28-6.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bàn “Vốn ở đâu để đầu tư phát triển TP?” ảnh 2  Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tham dự hội nghị
Đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM khai mạc hội nghị.
Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến và thông qua các nội dung quan trọng, bao gồm: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm; Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 27-CTrHĐ/TU ngày 26-7-2012 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn TP; Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 35-CTr/TU ngày 5-5-2008 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01-8-2007 của Hội nghị Trung ương Khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước trên địa bàn TP; Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 12-01-2012 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với đánh giá tiến độ triển khai thực hiện Kế hoạch số 76-KH/TU ngày 29-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đồng chí Tất Thành Cang nêu một số nội dung trọng tâm mà hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến. Đó là: Kết quả phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 của TP tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ, tổng sản phẩm nội địa (GRDB) tăng 7,76%, thu ngân sách Nhà nước đạt 49,78% (tăng 17,53%), kế hoạch phát triển 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020 bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho hơn 18.000 doanh nghiệp mới (tăng 10,9% so với cùng kỳ). 

Công tác quản lý đô thị có chuyển biến tích cực, chỉ đạo quyết liệt trong công tác trật tự đô thị, lòng đường, vỉa hè trên địa bàn đạt được kết quả bước đầu, tạo sự đồng thuận của nhân dân. 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bàn “Vốn ở đâu để đầu tư phát triển TP?” ảnh 3 Vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ trên đường Đồng Khởi, quận 1, TPHCM
Nhiều công trình hạ tầng được khởi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng nhằm phát triển kết cấu hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. 

Tuy nhiên, một số khó khăn, thách thức của 6 tháng đầu năm 2017, mặc dù đã được quan tâm giải quyết một phần nhưng vẫn còn tồn đọng, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, đó là: môi trường cạnh tranh, sức cạnh tranh của kinh tế TP tuy có cải thiện nhưng chưa đạt hiệu quả; phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm, tiến độ triển khai một số dự án còn chậm do thiếu vốn, vướng giải phóng mặt bằng. Các vấn đề ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp. 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bàn “Vốn ở đâu để đầu tư phát triển TP?” ảnh 4 Các vấn đề ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp
Đồng chí Tất Thành Cang đề nghị hội nghị tập trung nghiên cứu, cho nhiều ý kiến đóng góp, tạo sự thống nhất cao để nhận định, đánh giá tình hình, nhất là những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, đặc biệt là chủ quan. Từ đó, đi sâu phân tích, đánh giá để giúp Thành ủy có thêm biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành cao nhất nhiệm vụ, chỉ tiêu 6 tháng cuối năm 2017.

Đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017, khẳng định kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng, cao hơn so với cùng kỳ.

Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 7,76% (cùng kỳ tăng 7,47%); chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu, khu vực dịch vụ tăng 7,4% (chiếm 58,2%), khu vực công nghiệp xây dựng tăng 7,2% (chiếm 23,3%), khu vực nông lâm thủy sản tăng 5,9% (chiếm 0,7%), thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,8% (chiếm 17,8%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 450.000 tỷ đồng, tăng 10,2%; du lịch tăng trưởng khá, đã tổ chức các sự kiện, lễ hội du lịch góp phần thu hút khách quốc tế đến TP đạt 2,8 triệu khách, tăng 14,7%, doanh thu đạt 53.617 tỷ đồng, tăng 12%; xuất khẩu tăng trưởng khá, đạt 14,23 tỷ USD (không tính giá trị dầu thô), tăng 20,3% so với cùng thời kỳ năm 2016.

Thành phố thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, góp phần thúc đẩy công nghiệp TP phát triển, sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường; tạo cầu nối gắn kết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; tiến hành kêu gọi, thu hút đầu tư có chọn lọc vào các khu, cụm công nghiệp và xây dựng các cụm liên kết sản xuất; đề xuất xây dựng Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để cung cấp tín dụng, hỗ trợ tài chính, bảo lãnh tín dụng cho các dự án nghiên cứu và sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Qua đó, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ.

Sản xuất nông nghiệp đô thị hiện đại theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, giá trị gia tăng cao, với giá trị sản xuất toàn ngành tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Thị trường tiền tệ, thị trường vàng và hoạt động ngân hành trên địa bàn ổn định. Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt 1.857.500 đồng, tăng 9,91%; tổng dư nợ tín dụng đạt 1.621.300 tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân gợi ý một số vấn đề cần tập trung thảo luận. 

Đó là cần trả lời cho được câu hỏi: “Vốn ở đâu để đầu tư phát triển TP?”. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi ý: Kinh tế tư nhân chiếm 59% cơ cấu kinh tế TP, kinh tế Nhà nước 20% và đầu tư nước ngoài là 15%. Về đầu tư, kinh tế tư nhân đóng góp 63%. Cộng với đầu tư nước ngoài 15% nữa, đầu tư của TP chiếm đến gần 80% khu vực ngoài nhà nước. Đây là xu hướng của vai trò kinh tế tư nhân, và khi đưa ra các giải pháp thúc đẩy đầu tư thì chúng ta phải chú trọng khu vực này, coi khu vực này là động lực phát triển, là nguồn lực cơ bản, chủ yếu để phát triển theo các mục tiêu mà TP đề ra. Theo đó, công tác quy hoạch cũng cần phải làm tốt và hướng vào khu vực đầu tư nước ngoài và tư nhân để thu hút mạnh đầu tư trên các lĩnh vực.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bàn “Vốn ở đâu để đầu tư phát triển TP?” ảnh 5 Doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tại TPHCM
Về những mặt hạn chế của TP đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu lên trong cuộc làm việc với lãnh đạo TP mới đây, cũng cần được thảo luận, làm rõ. Đó là môi trường kinh doanh cần được hoàn thiện mạnh mẽ hơn nữa, thu hút đầu tư nước ngoài dù khá cao nhưng trong 5 năm gần đây tỷ trọng thu hút so với tổng vốn TP hơn 17%, thấp hơn bình quân cả nước. Đây là vấn đề cần suy nghĩ để làm sao cải thiện yếu tố cạnh tranh của nền kinh tế. Trong 10 tiêu chí của chỉ số cạnh tranh thì TPHCM có 4 tiêu chí dưới trung bình, đó là: chi phí không chính thức - 4,74 điểm, thiết chế pháp lý - 4,25 điểm, cạnh tranh bình đẳng - 4,13 điểm và tính năng động - 4,17 điểm. Đây là những yếu tố gắn với tính hấp dẫn đầu tư mà TP còn thấp hơn bình quân cả nước, cần phải có những giải pháp cụ thể, quyết liệt, nhất là trong cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong tất cả các lĩnh vực, chống cho được tình trạng gây nhũng nhiễu, phiền hà trong bộ máy chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức của TP.
Một vấn đề khác cũng được đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra, đó là công tác quy hoạch. Hiện nay 99% kinh tế TP là công nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp.
“Cần hoàn thiện cơ chế tiếp thu ý kiến của nhân dân, coi đây là kênh thông tin quan trọng để lãnh đạo, điều hành, quản lý xã hội. Theo tôi sắp tới cần bàn sâu vấn đề này. Hàng tuần, hàng tháng, các quận, huyện, sở ngành phải có phần rà soát trong kỳ vừa qua ý kiến cử tri nói về hoạt động quản lý của mình là gì, báo chí nói còn điều gì yếu kém và nhân dân ở địa bàn mình, lĩnh vực sở ngành mình có khiếu nại gì. Chúng ta phải bám vào 3 kênh thông tin có sẵn này mà xử lý, chứ không cần thanh tra, kiểm tra nhiều nữa. Làm tốt điều này sẽ góp phần rất quan trọng trong việc đấu tranh, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền hiện nay…” - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân

Tin cùng chuyên mục