Bếp ấm, gia đình ấm

Thấy nhóm bạn của con trai đến chơi, chị Phạm Ngọc Điệp (ngụ quận 9, TPHCM) đem trái cây ra giao nhiệm vụ cho mấy bạn gái gọt ăn, rồi vào tiếp tục công việc nhà đang dở dang. Hơn 30 phút sau đi ra, túi trái cây vẫn nguyên vẹn, một trong số mấy cô bạn gái thú nhận: “Tụi con hổng biết gọt cô ơi!”.

“Giỏi kiếm tiền là được” 

Nghe mấy cô gái cùng tuổi con mình, cũng 17,18 tuổi chứ chẳng ít, vậy mà đến trái lê, trái táo cũng không thể tự gọt ăn, chị Điệp ngạc nhiên lắm. Tối đó, chị Điệp dò hỏi Huy (con trai chị), Huy phủi tay: “Tụi con gái lớp con không biết làm gì đâu mẹ ơi, mỗi lần trường tổ chức nấu ăn, cắm hoa thì toàn con với mấy bạn nam nữa làm. Tụi nó ăn còn không xong”. Huy bảo, vì học trường chuyên, thời gian biểu dày đặc, chỉ thấy học là học nên bạn bè cậu hầu như không phải làm việc nhà, cơm có người bưng, nước có người rót. 

Mỗi lần nghe chồng nhắc con không chịu ngó ngàng đến việc nhà, chị Thụy Anh (ngụ quận 5, TPHCM) lại gạt đi. Với chị Thụy Anh, cả cô con gái đang học lớp 11 và cậu con trai học lớp 8 đều chỉ cần học giỏi, còn lại mọi thứ chị “cân” hết. Không ít lần chị tuyên bố trước mặt chồng, con rằng, chỉ cần học giỏi, sau này kiếm được nhiều tiền thì việc gì cũng mướn người làm được. “Tôi không cho tụi nhỏ làm việc nhà để chúng không quen với bếp núc, giặt giũ, mai mốt nhìn vất vả mà sợ, mà kiếm tiền giỏi”, chị Thụy Anh nêu quan điểm. 

Nói đến nấu nướng, dọn dẹp, Phạm Minh Tuyết, 16 tuổi (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) chìa thời gian biểu ra và cho biết đến thời gian thở còn phải tranh thủ nên tuyên bố không học, cũng không có nhu cầu học nội trợ. Tuyết khẳng định, thời nay không thể chết đói, hay phải chịu ở bẩn chỉ vì không biết nấu ăn, lau chùi, bởi chỉ cần có tiền và chiếc smartphone là xong. Tuyết so sánh: “Đến mấy đứa học tiểu học còn biết order (đặt) đồ ăn trên mạng nữa là người lớn. Chỉ sợ không có tiền thôi, chứ có tiền thì chuyện gì chả giải quyết được”. 

Bếp ấm, gia đình ấm ảnh 1 Cùng con vào bếp

Bởi công nghệ phát triển, mọi mặt hàng và rất nhiều dịch vụ chuyển hướng sang kinh doanh online nên đủ thứ có thể mua qua mạng được. Muốn làm gì, ăn gì cũng có, từ trái cây gọt sẵn, từ món ăn vặt đến món ăn sang chảnh, chỉ một cú click chuột là xong nên nhiều phụ huynh cũng không mặn mà dạy con mấy chuyện nữ công gia chánh. Nhiều người còn tự hào khi con còn nhỏ đã biết đặt đồ ăn qua mạng rất chuyên nghiệp.

Không chỉ là tự lập

Huy và đứa em gái thì khác. Con trai vào lớp 6, con gái vào lớp 4,  chị Điệp đã đào tạo con tự dọn phòng và nấu những món đơn giản, tự lo cho bản thân khi ba mẹ vắng nhà. Dần dà những lúc rảnh, Huy và em chủ động phụ mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. “Tôi nghĩ, dù con trai hay con gái đều phải biết tự lo cho mình, ít nhất là biết nấu một vài món phòng khi ở một mình. Bọn trẻ còn phải đi đây đi đó hoặc đi học xa nhà, ba mẹ đâu thể đi theo để lo lắng, phục vụ được”, chị Điệp chia sẻ.

Ngoài ra, vào dịp hè, chị Điệp thường đăng ký cho con gái học các lớp làm bánh, cắm bông, vừa để con có sân chơi, vừa tạo thói quen yêu bếp núc, đó cũng là cách để tụi nhỏ tự tin hơn khi ra ngoài xã hội. Những lúc rảnh, mẹ con chị Điệp cùng vào bếp, mẹ dạy con những món “tủ” của mình, con dạy mẹ những món mới được học. Với chị Điệp, cùng con vào bếp còn là khoảng thời gian gần con, chia sẻ với con nhiều điều trong cuộc sống.

Nhiều phụ huynh cho rằng, muốn đào tạo con tự lập cũng khó vì không có thời gian. Song, khi có thời gian thì vì tính cầu toàn của các bà mẹ lại đẩy con ra khỏi công việc chung trong nhà, khiến chúng không có trách nhiệm với cả bản thân lẫn gia đình. “Mùa dịch Covid-19 vừa qua, cả nhà có dịp quây quần nhưng kêu làm gì nó cũng lóng ngóng, nhìn đã không ưa nên tui làm luôn cho nhanh. Mai mốt lớn, có gia đình thì khắc tụi nhỏ sẽ biết làm”, chị Vũ Thị Phương Hoa (ngụ quận 4, TPHCM) nói.

Nhìn ở góc độ xa hơn, bà Phạm Kiều Linh, 65 tuổi (ngụ quận 2, TPHCM) băn khoăn: “Không ai muốn con mình vất vả, cũng chẳng ai mong con cái sau này chỉ đứng trong bếp. Song, nếu những đứa cháu sau này hở một chút là gọi đồ ăn nhanh, hoặc chỉ được ăn cơm do người giúp việc nấu mà không được thưởng thức những bữa cơm do chính tay cha mẹ chúng vào bếp thì sẽ ra sao?”. Sống gần hết đời người, được đi đây đi đó, bà Linh càng thấm thía bữa cơm gia đình, những món ăn mẹ nấu.

“Dù có đi đâu, ăn món cao sang thế nào, với tôi thì những bữa cơm mẹ nấu vẫn là ngon nhất. Vậy liệu rằng cơm đường, cháo chợ, những “bữa cơm order” có được hương vị đặc trưng của mẹ, hương vị của gia đình? Mất những điều ấy, đồng nghĩa với tuổi thơ của những đứa trẻ sẽ thiệt thòi, mà tuổi thơ thì ngắn lắm, muốn cũng không thể quay lại được”, bà Linh trải lòng.

Chuyện nấu nướng, dọn dẹp không chỉ đơn thuần là tự lập, là không sợ chết đói khi phải ở nhà một mình. Điều đáng lo ngại là nếu một thế hệ tới đây không biết làm việc nhà, thậm chí là nấu bữa ăn đơn giản cho gia đình thì những thế hệ sau nữa sẽ ra sao? Tổ ấm của mỗi gia đình không thể thiếu những bữa cơm đầm ấm, mà phòng dơ, bếp lạnh thì nhà sao ấm nổi!

Tin cùng chuyên mục