Bệnh viện tự chủ một phần, tiến tới tự chủ toàn bộ là hợp lý

Sáng 5-11, tiếp tục trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, việc thực hiện tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt ở ngành y tế, giáo dục là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc thực hiện tự chủ đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Tỷ lệ tự chủ về tài chính, về chi thường xuyên và chi đầu tư đã đạt 6,6%; tự chủ toàn phần đạt 18,7% số các đơn vị sự nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên, nhìn tổng thể kết quả vẫn còn khiêm tốn do nhiều nguyên nhân, như chưa hoàn thiện hệ thống pháp luật về tự chủ; ảnh hưởng đại dịch Covid-19; sự hướng dẫn của cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt.

Bệnh viện tự chủ một phần, tiến tới tự chủ toàn bộ là hợp lý ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng tham gia làm rõ vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, đồng thời với việc thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, cần tiến hành hoàn thiện một số chính sách như chính sách đất đai, đấu thầu…

Về một số đơn vị xin dừng thí điểm tự chủ tài chính toàn phần như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K hay Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay huy động nguồn lực xã hội để thực hiện cho công tác tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn, nên các đơn vị xin chỉ thực hiện tự chủ một phần.

Cụ thể là tự chủ phần chi thường xuyên; còn chi đầu tư, ví dụ như mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở mới… thì ngân sách Nhà nước phải đảm bảo. Điều này là hợp lý để đảm bảo phục vụ cho người dân tốt nhất và làm thế nào để cho đơn vị phát triển nhất. Từ tự chủ chi thường xuyên rồi tiến tới khi có nguồn thu ổn định và phát triển thì sẽ tự chủ toàn bộ. Có như vậy thì chất lượng dịch vụ ngày một tăng lên và phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Bệnh viện tự chủ một phần, tiến tới tự chủ toàn bộ là hợp lý ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời tại phiên chất vấn sáng 5-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Trả lời nhóm câu hỏi của đại biểu về “liệu việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện có vội vàng lắm không”, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định, đây là chủ trương lớn, quan trọng. Kết quả, trong giai đoạn 2019-2021 bước đầu hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, giảm được 8 huyện, 561 xã, góp phần tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế và giảm chi ngân sách Nhà nước.

Nhìn nhận một số tồn tại sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nhất là đối với số cán bộ dôi dư, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ trình xin ý kiến cấp thẩm quyền về đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thiện các quy định về chế độ, chính sách đối với các đơn vị hành chính, cán bộ, công chức, viên chức ở nơi sắp xếp.

Báo cáo thêm về sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ đã ban hành 15 nghị định liên quan đến các bộ, còn lại 11 bộ, ngành sẽ được tiếp tục ra các nghị định về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ trong thời gian tới, theo đó dự kiến sẽ giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ”.

Tin cùng chuyên mục