Bệnh viện Nhân dân 115: Đột phá trong xây dựng bệnh viện thông minh

Sáng 27-10, Ban Văn hóa-Xã hội (VH-XH), HĐND TPHCM có buổi khảo sát về tình hình triển khai thực hiện Đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” tại Bệnh viện Nhân dân 115.
Bệnh viện Nhân dân 115: Đột phá trong xây dựng bệnh viện thông minh ảnh 1 Trưởng ban VH-XH HĐND TPHCM Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi khảo sát
Hàng nghìn người đột quỵ thoát tàn phế nhờ trí tuệ nhân tạo

Điểm son đưa Bệnh viện Nhân dân 115 gặt hái được nhiều giải thưởng cao nhất, uy tín nhất của châu Á và trong nước, được Hiệp hội Đột quỵ thế giới trao chuẩn Vàng năm 2018, chuẩn Diamond năm 2020. Qua đó, khẳng định thế mạnh là trung tâm điều trị đột quỵ hàng đầu của khu vực phía Nam cũng như cả nước đó là nhờ đơn vị ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong điều trị đột quỵ não (ứng dụng đánh giá và phân tích hình ảnh tự động về tình trạng não của bệnh nhân đột quỵ), cứu chữa thành công hàng nghìn người bệnh.

Kể về kết quả này, BS-CKII Nguyễn Đức Khang, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) cho biết, mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 14.000 ca đột quỵ não, có không ít người bệnh khi được đưa đến cấp cứu đã qua “thời gian vàng”, việc cứu chữa gần như không thể. 3 giờ đầu tiên khi bệnh nhân bị đột quỵ là “thời gian vàng” để cấp cứu, hạn chế di chứng và tử vong. Năm 2015, thời gian “cửa sổ” để can thiệp đột quỵ não là 6 giờ (theo Hiệp hội đột quỵ Hoa Kỳ và Hiệp hội đột quỵ thế giới). Tuy nhiên, năm 2018, “cửa sổ” thời gian được mở rộng đến 24 giờ.

Bệnh viện Nhân dân 115 ngay lập tức tìm hiểu lý do và xác định “chìa khóa” chính là phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID. Phần mềm này được ứng dụng tại Hoa Kỳ và được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) công nhận. Dựa trên phần mềm RAPID, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác vị trí mạch máu tắc, định lượng vùng não chết và vùng não cần cứu chữa – tái thông sớm. Từ đó bác sĩ chỉ định có thể can thiệp cho bệnh nhân hay không. Thay vì trước đây, nếu bệnh nhân đến sau 6 giờ sẽ không can thiệp hoặc chỉ điều trị nội khoa.

Bệnh viện Nhân dân 115: Đột phá trong xây dựng bệnh viện thông minh ảnh 2 Thiết bị công nghệ thông tin hiện đại trang bị cho đại biểu, bác sĩ khi tham gia hội thảo, hội nghị tại Bệnh viện Nhân dân 115
Giờ đây, mỗi ngày có 2 bệnh nhân đột quỵ được đưa đến sau 6 giờ, qua áp dụng RAPID có 1 người mạnh khỏe, trở về cuộc sống bình thường.

Cũng theo BS-CKII Nguyễn Đức Khang, từ 2019 đến nay có 2.215 ca đột quỵ của thành phố và khu vực phía Nam, Tây Nguyên được chẩn đoán, can thiệp bằng RAPID tại đơn vị. Có những trường hợp bị đột quỵ từ Lâm Đồng, Cà Mau... đến viện đã quá giờ nhưng vẫn can thiệp hiệu quả. Kết quả khảo sát ghi nhận 48% người bệnh được can thiệp thành công có thể vận động bình thường, giảm tỷ lệ di chứng hoặc tử vong. Con số trên có ý nghĩa rất lớn và tiếp tục khẳng định thương hiệu: Bệnh viện Nhân dân 115 là trung tâm điều trị đột quỵ lớn của phía Nam cũng như cả nước.

Bệnh viện Nhân dân 115: Đột phá trong xây dựng bệnh viện thông minh ảnh 3 TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115

Định hướng tương lai

Theo TS.BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, từ thực tiễn tại bệnh viện, nhất là sau khi trải qua giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 vừa qua cho thấy việc đầu tư cho y tế thông minh là rất cấp thiết trong tình hình hiện nay, đặc biệt trong những đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm như Covid-19 vừa qua.

Bệnh viện Nhân dân 115 xác định việc triển khai thực hiện Đề án y tế thông minh là một trong những trọng tâm của công cuộc cải cách chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của các bệnh viện, thông qua việc tăng cường và nâng cao năng lực của hệ thống công nghệ thông tin; góp phần nâng cao chất lượng, độ chính xác, tính kịp thời cho công tác quản lý tại bệnh viện và cho lĩnh vực điều trị y tế... 

Bệnh viện Nhân dân 115: Đột phá trong xây dựng bệnh viện thông minh ảnh 4 Bác sĩ đang kiểm tra phim chụp X-quang cho bệnh nhân tại Khu Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115
Bệnh viện Nhân dân 115 cũng xác định 6 định hướng trọng tâm trong thời gian tới gồm: Tập trung vào triển khai đầu tư về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của bệnh viện, phục vụ công tác triển khai ứng dụng các phần mềm. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử trong toàn bệnh viên. Tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phẫu thuật robot trong công tác chẩn đoán, điều trị người bệnh. Đào tạo và tập huấn nâng cao năng lực trình độ chuyên môn đối với chuyên viên công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện. Phát triển hợp tác chia sẻ học hỏi kinh nghiệm với các bệnh viện trong và ngoài nước trong công tác số hóa và triển khai y tế thông mình. Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của nhân viên bệnh viện, người bệnh, người nhà người bệnh trong việc sử dụng các phần mềm, số hóa thanh toán khám chữa bệnh và các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bệnh viện...
  Các thành viên, chuyên gia đoàn khảo sát bày tỏ, khâm phục các thế hệ thầy thuốc của Bệnh viện Nhân dân 115, dù mới hơn “30 tuổi đời”, nhưng đã có nhiều nỗ lực vượt bậc, sáng tạo, đột phá trong công tác khám chữa bệnh; rất nhiều chuyên khoa, y bác sĩ đã là “cánh chim đầu đàn” của y tế nước nhà.
Bệnh viện Nhân dân 115: Đột phá trong xây dựng bệnh viện thông minh ảnh 5 Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Trương Thị Ánh gợi mở thêm một số vấn đề nhằm giúp Bệnh viện Nhân dân 115 nói riêng, cơ sở y tế của thành phố xây dựng thành công bệnh viện thông minh 
Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Trương Thị Ánh gợi mở: “Bệnh viện cần chú ý thông tin thêm, đánh giá tính tương tác của các ứng dụng, phần mềm với người dân, chỉ số hài lòng với công tác thực hiện. Tầm nhìn tới 2030, bệnh viện phải nêu rõ những điểm mới sẽ phải được thực hiện trong 8 năm tới, kinh phí dự kiến, đầu tư vào những mục cụ thể nào, đơn vị có thể tự chủ bao nhiêu, những phần nào cần tới sự hỗ trợ trong thẩm quyền của HĐND TPHCM”.

Ghi nhận, biểu dương kết quả tích cực của quá trình triển khai Đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030” của Bệnh viện Nhân dân 115, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban VH-XH, HĐND TPHCM lưu ý, bệnh viện cần quan tâm hơn đến vấn đề an ninh mạng, bảo mật dự liệu thông tin; xây dựng hệ thống dự liệu dùng chung nội bộ và liên thông giữa các bệnh viện; xây dựng kế hoạch áp dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động của bệnh viện… Đề nghị đại diện các sở ngành ghi nhận, quan tâm, tìm giải pháp giải quyết các đề xuất của bệnh viện, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác triển khai Đề án y tế thông minh trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030.

Sau hơn 30 năm hình thành, phát triển, đến nay, Bệnh viện Nhân dân 115 là bệnh viện đa khoa hạng 1 của Thành phố, có quy mô 1.600 giường bệnh, 2.000 cán bộ, nhân viên. Năm 2021, bệnh viện được xếp hạng 3 trong tổng số hơn 100 bệnh viện nhà nước và tư nhân tại Thành phố. Năm 2021, Bệnh viện Nhân dân 115 vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Tin cùng chuyên mục