Bệnh viện hết thuốc, bệnh nhân lao đao

Ngày 24-5, Báo SGGP đăng bài “Gỡ vướng thiếu thuốc phóng xạ trong tầm soát ung thư”, phản ánh thực trạng thiếu thuốc phóng xạ khiến 3 trong 4 máy chụp PET/CT trên địa bàn TPHCM phải ngừng hoạt động. Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ thuốc phóng xạ bị thiếu mà nhiều loại thuốc cấp cứu, thậm chí thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả cũng trong tình trạng… “cháy” hàng tại các bệnh viện.
Người dân nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện Trưng Vương, TPHCM, Ảnh: THÀNH SƠN
Người dân nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện Trưng Vương, TPHCM, Ảnh: THÀNH SƠN

Rà soát, triển khai công tác mua sắm thuốc

Mới đây, nhiều người dân phản ánh việc đến thăm khám tại Bệnh viện TP Thủ Đức, hay các phòng khám vệ tinh thuộc bệnh viện, đều được các bác sĩ kê toa thuốc đề nghị ra ngoài mua thuốc với lý do “bệnh viện hết thuốc”. Nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT bức xúc vì mất quyền lợi được hưởng, đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi. 

Phản hồi thực trạng này, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng, ngay sau giai đoạn giãn cách, số bệnh nhân có thẻ BHYT đến khám và điều trị tại Bệnh viện TP Thủ Đức tăng từ 80% đến hơn 100% so với giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Nếu như số bệnh nhân có thẻ BHYT khám ngoại trú trong tháng 8-2021 chỉ khoảng 28.048 lượt thì đến tháng 4-2022 con số này tăng lên 75.459 lượt.

Trong khi đó, gói thầu mua sắm thuốc năm 2020-2021 của Bệnh viện TP Thủ Đức đã kết thúc vào ngày 29-12-2021. Thời điểm này, tình hình cung ứng thuốc cho bệnh viện gặp một số khó khăn như: số lượng người bệnh đến bệnh viện khám tăng nhanh vào đầu năm 2022 khiến một số loại thuốc không đủ đáp ứng; dịch Covid-19 kéo dài trong năm 2021-2022 làm ảnh hưởng đến công tác đặt hàng mua sắm thuốc của bệnh viện; một số công ty không cung ứng đủ theo nhu cầu của bệnh viện.

“Hiện Sở Y tế đề nghị giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh rút kinh nghiệm chung, chủ động rà soát và triển khai công tác mua sắm thuốc, vật tư y tế đúng theo quy định, đảm bảo đủ số lượng và kịp thời nhằm không làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT”, PGS-TS Tăng Chí Thượng khẳng định.

Trước đó, cuối tháng 5-2021, Bệnh viện Chợ Rẫy hết một số loại thuốc trong danh mục BHYT chi trả, khiến nhiều bệnh nhân ghép thận phải mua thuốc bên ngoài, có loại lên đến hàng chục triệu đồng. Bệnh viện đã họp khẩn tìm phương án, mua vượt một trong số các loại thuốc bị thiếu và tổ chức mua sắm theo hình thức chỉ định thầu những loại còn lại để có thuốc khẩn cấp, sau đó mới đấu thầu rộng rãi theo quy định.

Theo bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, việc mua sắm thuốc trong cơ sở y tế công lập phải thực hiện theo các hình thức đấu thầu đúng quy định. Thỉnh thoảng xảy ra một số trường hợp khách quan, thuốc không trúng thầu được, ví dụ như không có đơn vị tham gia đấu thầu, đấu thầu không đạt do hồ sơ hoặc vượt giá... Khi đó, bệnh viện không thể cung ứng được thuốc theo quy định và người bệnh BHYT phải mua bên ngoài.

Lên kế hoạch xây dựng kho thuốc hiếm

Liên quan tới vụ việc đau lòng mới đây khi một bé gái 4 tuổi ở Phú Yên bị rắn cạp nia cắn khiến suy gan thận và sau 5 ngày điều trị tích cực, bé đã tử vong vì bệnh viện không có huyết thanh kháng độc, TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, huyết thanh kháng độc là một loại thuốc giải độc cần nhiều hoạt chất hiếm, giá cao, không được sử dụng thường xuyên, không được phổ cập rộng, lợi nhuận không có nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà nhập sản phẩm này.

“Với các loại thuốc hiếm và đặc hiệu này, rất cần cơ chế đặc biệt. Nhà nước phải hỗ trợ để mua thuốc về phân phối cho các bệnh viện, người bệnh mới có cơ hội tiếp cận loại thuốc đó chứ không thể để các cơ sở y tế tự xoay xở”, TS Nguyễn Trung Nguyên đề nghị.

Theo các chuyên gia y tế, việc sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn hoàn toàn trong tầm tay của các nhà khoa học trong nước và thực tế trong nhiều năm nay, nhiều loại huyết thanh kháng độc rắn đã được sản xuất tại Việt Nam. Cụ thể là huyết thanh kháng độc rắn do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) ở Nha Trang nghiên cứu đã cho kết quả rất tốt trong điều trị bệnh nhân bị rắn cắn, vừa an toàn vừa tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, việc chuyển từ sản phẩm nghiên cứu sang sản phẩm thương mại còn gặp nhiều khó khăn, do cơ chế, kinh phí để duy trì, vận hành đều đặn dây chuyền sản xuất. Do vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch xây dựng kho thuốc hiếm cho rất nhiều loại bệnh để người bệnh sớm được tiếp cận các loại thuốc tốt nhất.

Trong khi đó, liên quan tới việc một số đơn vị, địa phương bị thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân BHYT, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, để không làm gián đoạn việc khám chữa bệnh và quyền lợi của người tham gia BHYT, Bộ Y tế đã đôn đốc, yêu cầu sở y tế các tỉnh thành, các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, cơ sở khám chữa bệnh thuộc các bộ ngành và Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia tăng cường mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế đáp ứng việc khám chữa bệnh theo BHYT.

Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị thực hiện đầy đủ các trách nhiệm có liên quan theo quy định của pháp luật về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế. Trung tâm cũng đang triển khai công tác đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia và đàm phán giá đối với 66 thuốc biệt dược gốc. Tuy nhiên, công tác đàm phán giá đòi hỏi phải thu thập, phân tích và xử lý khối lượng lớn các thông tin liên quan đến từng thuốc đàm phán và cần sự phối hợp với nhiều bộ, ngành khác nhau với mong muốn đạt được hiệu quả cao nhất.

Hơn nữa, việc lần đầu tiến hành đàm phán số lượng lớn các thuốc biệt dược gốc cùng với nhân lực phục vụ công tác đàm phán giá còn hạn chế, chủ yếu là kiêm nhiệm cũng là những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ của công tác đàm phán giá. Do vậy, Bộ Y tế đang chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia khẩn trương triển khai công tác đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia và đàm phán giá. Ngay khi có kết quả, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia sẽ thông báo kết quả trúng thầu và thỏa thuận khung để các cơ sở y tế triển khai, thực hiện.

Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, đến nay, đề tài nghiên cứu sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia do IVAC phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng nhiều đơn vị khác đang được triển khai; hy vọng đề tài sớm được thông qua, huyết thanh nghiên cứu có hiệu quả tốt và sớm đi vào sản xuất đại trà để phục vụ người bệnh.

Tin cùng chuyên mục