Bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận Trung tâm CSSD xuất sắc

Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM vừa được tổ chức APSIC công nhận là Trung tâm xuất sắc “CSSD – Center of Excellence” (CSSD – Trung tâm Xuất sắc). 
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê,Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cùng đại diện BV nhận giải thưởng
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê,Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cùng đại diện BV nhận giải thưởng

Đây là một giải thưởng nhằm tôn vinh Trung tâm CSSD của các Bệnh viện trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thật sự xuất sắc trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ khử khuẩn, tiệt khuẩn các loại dụng cụ y tế, đồ vải y tế tái sử dụng.

Giải thưởng được tổ chức Kiểm soát nhiễm khuẩn Châu Á - Thái Bình Dương (APSIC) triển khai từ năm 2013. Tính đến năm 2018 đã có tổng cộng 23 bệnh viện trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đạt giải. BV Đại học Y Dược TPHCM là bệnh viện Việt Nam đầu tiên nhận được chứng nhận này.

Theo TS Huỳnh Minh Tuấn – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BV Đại học Y Dược TPHCM, một trung tâm CSSD đạt chất lượng sẽ cung cấp đến người bệnh dịch vụ về dụng cụ, đồ vải, đặc biệt là dụng cụ phẫu thuật, đồ vải phẫu thuật, dụng cụ nội soi chẩn đoán đạt tiêu chuẩn. “Việc đạt giải thưởng này cho thấy tiêu chuẩn của BV ĐHYD TPHCM nói chung và của Trung tâm CSSD nói riêng đã đáp ứng được với tiêu chuẩn của khu vực, là tiền đề quan trọng để đạt được tiêu chuẩn quốc tế ở tầm mức cao hơn”- TS Huỳnh Minh Tuấn cho hay.

Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong số những nguyên nhân đe dọa đến sức khỏe của người bệnh. Theo Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Hoa kỳ (CDC), hàng năm trên thế giới có khoảng 2 triệu người mắc nhiễm khuẩn bệnh viện làm 90.000 người tử vong. Để cải thiện chất lượng bệnh viện thì công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phải được cải tiến liên tục, quản lý chặt chẽ và đồng thời phải có sự hợp tác của mỗi cán bộ y tế để trở thành văn hóa chất lượng.

Do đó, nếu cơ sở y tế có quá trình kiểm soát nhiễm khuẩn tốt sẽ tạo môi trường an toàn, đóng góp vào việc làm giảm tỷ lệ mắc phải các loại nhiễm khuẩn bệnh viện, lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Từ đó làm giảm chi phí cho người bệnh nói chung và người bệnh phẫu thuật nói riêng.

Tin cùng chuyên mục