Bệnh viện Bạch Mai xin tự chủ chi thường xuyên để giảm bớt khó khăn

Tự chủ theo nhóm 2, bệnh viện chỉ chi thường xuyên và vẫn được hỗ trợ xây dựng cơ bản, sửa chữa, mua sắm các thiết bị, điều mà Bệnh viện Bạch Mai trong giai đoạn này khó lòng thực hiện được do tài chính ít.

Ngày 8-11, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã có cuộc trao đổi với báo chí về đề xuất thực hiện phương án tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo chi thường xuyên giai đoạn 2022 - 2026 (đơn vị nhóm 2) theo Nghị định 60/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ. Theo đó, Nghị định 60/NĐ-CP của Chính phủ chia các bệnh viện thành 4 nhóm tự chủ, gồm: nhóm 1 tự chủ toàn diện; nhóm 2 tự chủ chi thường xuyên; nhóm 3 tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm 4 Nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên.

Bệnh viện Bạch Mai xin tự chủ chi thường xuyên để giảm bớt khó khăn ảnh 1 Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Ông Đào Xuân Cơ cho biết, Nghị định 60 rất linh hoạt, cho phép đơn vị sự nghiệp công lập xem xét thực hiện theo nhóm nào. Sau khi nghiên cứu, Bệnh viện Bạch Mai đã có tờ trình phê duyệt phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2022 - 2026. "Tự chủ theo nhóm 2, bệnh viện chỉ chi thường xuyên và vẫn được hỗ trợ xây dựng cơ bản, sửa chữa, mua sắm các thiết bị, điều mà Bệnh viện Bạch Mai trong giai đoạn này khó lòng thực hiện được do tài chính ít", ông Đào Xuân Cơ chia sẻ và cho biết thêm, sau này điều kiện, cơ sở hạ tầng tốt, có văn bản pháp quy rõ ràng thì bệnh viện sẽ nghĩ đến tự chủ toàn diện và phải có lộ trình.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng đưa ra những lý do để bệnh viện dừng tự chủ toàn diện và xin tự chủ tài chính theo nhóm 2. Theo đó, hơn 10 năm qua, thực hiện dự án liên doanh liên kết, Bệnh viện Bạch Mai không thiếu thốn tài chính, đảm bảo chi thường xuyên, đời sống cán bộ nhân viên ổn định, an tâm công tác. Nhưng hiện nay, khi không thực hiện dự án liên doanh liên kết, bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Khi cơ quan tư pháp vào kiểm tra, thấy các dự án liên doanh liên kết vướng pháp lý, không chặt chẽ, có những đề án vi phạm pháp luật.

11 trong số 27 dự án được thanh tra Chính phủ kiểm tra có vi phạm. Một loạt dự án liên doanh liên kết không tiếp tục được nữa, cơ sở pháp lý không có, hoạt động không phù hợp. Do vậy, bệnh viện dừng nhiều đề án liên doanh liên kết, chỉ còn một vài đề án thực hiện trong những tháng cuối cùng của hợp đồng.

Năm 2022, bệnh nhân tới viện điều trị tăng nhưng chênh lệch thu chi rất thấp, nguồn quỹ dành cho chi thường xuyên không tăng nên đời sống nhân viên không đảm bảo, thu nhập giảm ½ tới 1/3 so với trước nên đã có hơn 100 cán bộ nhân viên y tế của bệnh viện xin nghỉ việc, chuyển việc.

Bệnh viện Bạch Mai cần trang thiết bị nhưng nhưng nguồn tài chính không cho phép khi cần hàng nghìn tỷ đồng. 95% máy xét nghiệm trong bệnh viện là máy đặt, máy mượn. Thời gian qua, bảo hiểm xã hội không cho phép dùng máy đặt máy mượn, gây khó khăn cho bệnh viện trong chẩn đoán điều trị bệnh nhân. Nghị quyết mới của Chính phủ  ban hành đã tháo gỡ vướng mắc này trong 1 năm. "Bệnh viện đang nghiên cứu, hết năm nay, tính đến mua sắm tiếp hoặc cần cơ chế thuê khoán, nhưng cần phải có văn bản hướng dẫn, không thì các bệnh viện lâm vào cảnh tắc. Nếu không có cơ chế, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bạch Mai sẽ là 2 bệnh viện đầu tiên đóng cửa", ông Đào Xuân Cơ cho biết. 

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện lớn, tuyến cuối tại miền Bắc và là 1 trong 4 bệnh viện cả nước thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 của Chính phủ; 3 bệnh viện còn lại là Chợ Rẫy, Việt Đức và Bệnh viện K. Tuy nhiên, chỉ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K thực hiện tự chủ tài chính toàn diện. Sau 2 năm thực hiện thí điểm, cả 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33, chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60, tức chỉ tự chủ chi thường xuyên.

Tin cùng chuyên mục