Bệnh thành tích sẽ làm suy thoái đạo đức, lối sống của con người

Trong công tác, bất cứ ai cũng muốn đạt thành tích, nhất là trong ngành giáo dục, thành tích càng lớn thì chất lượng càng cao. Nhưng thành tích thiết thực phải đi đôi với ý thức tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu.

Thi đua là cần thiết

Ai cũng ý thức được rằng, trong công tác, muốn phát triển phải thi đua. Thi đua là thước đo năng lực và đạo đức của mỗi cán bộ, công nhân, viên chức, là động lực thúc đẩy con người hoàn thành nhiệm vụ được giao và hoàn thiện nhân cách của mỗi con người. Nhưng điều quan trọng là thi đua phải chú trọng đến thực chất, tuyệt đối không chạy theo số lượng, nặng về hình thức giả tạo, tốn kém, cốt tạo cho uy tín cá nhân để được ban thưởng.
Trong những năm gần đây, dư luận báo chí đã nói quá nhiều về “bệnh thành tích trong giáo dục”, thậm chí có người còn nặng lời “những tiêu cực trong ngành giáo dục như thi cử, bệnh thành tích đã làm xói mòn niềm tin của một bộ phận nhân dân, khiến nhiều sinh viên không còn thiết tha gì đến nghề dạy học”.
Thực tế đã chứng minh cho chúng ta thấy, tệ nạn chạy theo thành tích, theo chỉ tiêu thi đua đã gây ra áp lực nặng nề đối với giáo viên và học sinh. Bệnh này đã âm thầm lan truyền từ đơn vị nầy đến đơn vị khác, từ cấp cao đến cấp thấp, nhất là trong ngành giáo dục, nó ngấm ngầm từ sở, phòng giáo dục đến ban giám hiệu nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm và cả học sinh. Có nhiều bài báo phanh phui một số giáo viên khi “dạy trình diễn”, cô dặn em nào hiểu bài đưa tay mặt, còn không hiểu thì đưa tay trái để cô gọi. Một sự dối trá ngay trong lòng giáo dục thật vô cùng xấu hổ!
Đánh giá về hạnh kiểm cũng vậy, nhiều thầy cô giáo nặng về chỉ tiêu, về cảm tính. Từ đó số học sinh yếu kém ngày càng giảm đi, số học sinh xuất sắc và giỏi ngày càng chiếm đa số, thậm chí không có học sinh trung bình.
Bệnh thành tích xuất phát từ đâu?
Có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân cốt lõi là bắt nguồn từ háo danh, thích phô trương, trọng hình thức, khoái khen thưởng, không coi trọng thực học mà chỉ chạy theo thành tích ảo, từ đó sẽ làm sai lệch sự phát triển nhân cách của con người.
Kế đến là bị ràng buộc bởi các chỉ tiêu thi đua không phù hợp với tình hình thực tế như thi đua viết sáng kiến kinh nghiệm; thi đua làm đồ dùng dạy học; thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp sở… rồi nào thi học sinh giỏi; người tốt việc tốt. Đồng ý là thi đua rất cần thiết, thi đua là yêu nước nhưng phải gắn liền với chất lượng, tuyệt đối không chạy theo hảo huyền, như vậy mới có ý nghĩa. Một vài giáo viên thiếu tâm huyết khi viết sáng kiến kinh nghiệm hoặc làm đồ dùng dạy học, họ không tự mày mò nghiên cứu, sáng tạo mà lại nhờ đồng nghiệp hoặc bạn bè làm thay để đối phó. Như vậy sáng kiến đâu còn gì giá trị!
Ngay cả ngành giáo dục cũng áp đặt những chỉ tiêu một cách chủ quan, thiếu cơ sở khoa học, cụ thể như: trường chuẩn không có quá 5% học sinh yếu kém; học sinh lưu ban không được hai lần trong một cấp học. Còn một chuyện vô lý nữa là đơn vị thi đua nào cũng dựa vào phương châm “Thành tích năm sau phải cao hơn năm trước”. Từ nhận thức lệch lạc đó, trường nào, lớp nào, phòng nào cũng đề ra chỉ tiêu quá cao nên phải tìm đủ mọi cách để nâng chỉ tiêu với thành tích ảo. Buồn cười nhất là trong buổi lễ tổng kết cuối năm, bảng báo cáo nào cũng tròn trịa, bóng bẫy, vô thưởng vô phạt, nhằm lấy lòng cấp trên và được tuyên dương khen thưởng.   
Còn một chuyện khiến cho phụ huynh không an lòng nữa là trường nào cũng có đội cờ đỏ, lớp nào cũng có lớp trưởng giúp giáo viên kiểm tra giờ giấc, nhắc nhở bạn bè đeo khẩu trang, xếp hàng vào lớp, ổn định trật tự trong sinh hoạt và học tập... Việc làm nầy nếu thực hiện tốt sẽ duy trì được nề nếp học tập, ngược lại, sẽ phản tác dụng. Thực tế cho tấy có những em tổ trưởng, lớp trưởng thiếu trung thực, hành động theo cảm tính, thường có thái độ hống hách, nạt nộ, cụ thể như một vài em nhà xa, đến lớp trể vài ba phút, phải vừa chạy, vừa ăn sáng cũng bị ghi tên, trừ điểm thi đua một cách máy móc, từ đó sinh ra cự cãi, xô xát, mất đoàn kết.
Bên cạnh đó, cũng vì thành tích và áp lực điểm số mà nhiều phụ huynh buộc phải cho con em học thêm. Có người than phiền học sinh cấp I mà không học thêm dứt khoát không bao giờ có điểm số cao. Nhờ học thêm, thầy cô giáo mới rà bài, cho bài tập về nhà làm trước nên bài kiểm tra nào cũng có điểm cao chót vót, cuối năm được lãnh thưởng.
Làm thế nào để chống bệnh thành tích?
Có người nói bệnh thành tích trong giáo dục ngày nay đã trở thánh “quốc nạn”. Nhận xét đó tuy hơi quá đáng nhưng không phải không có lý vì nếu như tệ nạn “Làm giả nói thật, làm ít nói nhiều” mà các ngành chức năng không xử lý nghiêm các hành vi gian lận, báo cáo không trung thực, mà lại bao che, dung túng hoặc thổi phồng, phô trương kết quả cảa một đơn vị thi đua nào đó thì hậu quả sẽ không lường hết được. Đó là chưa nói tới nguy cơ tụt hậu, không nâng cao được dân trí, làm suy giảm niềm tin của nhân dân mà còn làm suy thoái nghiêm trọng về mặt đạo đức.
Đất nước chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đã đến lúc ngành giáo dục cần xây dựng một mô hình trường tiên tiến, văn minh, hiện đại bằng cách lập lại kỷ cương, nề nếp trong đánh giá, xếp loại và thi đua một cách dân chủ, công bằng. Làm sao để thầy và trò đến trường một cách thoải mái, thân thiện, vui tươi, nhân ái với khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Báo SGGP Online mở Diễn đàn Chống bệnh thành tích trong giáo dục. Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ email: sggponline@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục