Bệnh sởi đến sớm

Những ngày gần đây, các bệnh viện (BV) nhi trên địa bàn TPHCM liên tục ghi nhận hàng chục ca trẻ mắc bệnh sởi nhập viện. Các chuyên gia cảnh báo, bệnh sởi có thể lây lan rộng trong trường hợp trẻ mắc sởi chưa đến tuổi chích ngừa vaccine hoặc chích vaccine không đầy đủ. 
Chích ngừa vaccine đầy đủ là phương pháp khống chế bệnh sởi bùng phát và lây lan

Gia tăng tại các tỉnh phía Nam

Nhìn con mới 8 tháng tuổi đang nằm trong phòng cách ly, chị H. (quê Đồng Tháp) vô cùng xót xa. Con chị sốt li bì, ban sởi nổi dày đặc khắp người. Trước đó 1 tuần, cha của bé bị sốt, nổi ban, đi khám thì được chẩn đoán là sốt phát ban và cho thuốc về nhà uống. Sau đó vài ngày thì đến đứa con. Đưa đi khám gần nhà, bác sĩ cũng chẩn đoán là bé bị sốt phát ban và kê thuốc về nhà tự điều trị. Tuy nhiên, không những thuyên giảm mà bé ngày càng sốt cao, ban ngày càng dày đặc nên gia đình cấp tốc đưa bé vào BV Nhi đồng 1. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị mắc sởi.

Cũng trong tình trạng phải thở oxy hỗ trợ, bé P.T.N. (8 tháng tuổi, quê Long An) được đưa đến BV Nhi đồng 1 vào đêm 31-8. Theo lời kể của bà ngoại bệnh nhi, trước đó bé mới đi nong tim tại BV Nhi đồng 1 về vài ngày thì bắt đầu nổi vài nốt ban trên mặt, sốt và tiêu chảy. Đến tối thì nổi ban đầy người, sốt cao nên gia đình đưa bé quay trở lại BV Nhi đồng 1 và được chẩn đoán mắc sởi. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1, cho biết: “Vài tuần trước, đơn vị đã tiếp nhận rải rác các ca mắc sởi. Đa số các bé nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho nhiều, nổi ban, viêm phổi. Đặc biệt, có 3 trường hợp mắc sởi chưa tới 9 tháng tuổi, nghĩa là chưa đủ tháng để tiêm vaccine phòng sởi. Thông thường, ở độ tuổi này, ban sởi không điển hình, chăm sóc khó khăn, trẻ dễ bị bội nhiễm. Đáng lưu ý, các bé bị sởi do lây nhiễm từ phụ huynh, do đó, không loại trừ nguyên nhân phụ huynh không biết bị nhiễm bệnh nên đã vô tình lây bệnh cho con”.

Trước đó, trong khuôn khổ hoạt động giám sát ca sốt phát ban nghi sởi triển khai tại TPHCM trong tháng 8-2018 tại BV Nhi đồng 2, các bác sĩ đã phát hiện 25 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, hầu hết các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh, thành  khu vực phía Nam. Trong đó, có 15 trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với sởi. Ngoài 8 trường hợp trẻ bị bệnh dưới 9 tháng tuổi thì những trẻ còn lại đều chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ vaccine sởi.

Khẩn trương kiểm soát

Thông tin từ bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn TP có 5 ca bệnh sởi rải rác xuất hiện ở các quận, huyện. Điều đáng mừng là các ca bệnh này hoàn toàn không có mối liên hệ dịch tễ với nhau. Trong bối cảnh bệnh sởi đang gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các tỉnh phía Bắc của Việt Nam thì nguy cơ bệnh dịch  lây lan giữa các vùng có các cá thể và cộng đồng chưa miễn dịch với virus sởi là dễ xảy ra. Bởi vậy, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo khẩn trương triển khai các hoạt động kiểm soát bệnh sởi trong BV và trong cộng đồng. Trong đó, Sở Y tế yêu cầu các BV triển khai việc khám sàng lọc, phân luồng cách ly ngay các trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo các trường hợp khác đến khám bệnh. Đồng thời bố trí khu vực cách ly để điều trị với người bệnh nghi hoặc nhiễm sởi tại các khoa truyền nhiễm. 

Song song đó, sở cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo, phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa bổ sung theo đường lây truyền, bảo đảm việc cung ứng và sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân cho mọi nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và khách đến thăm. Tăng cường công tác truyền thông tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly và điều trị kịp thời, đặc biệt quan tâm đến các trường hợp mắc bệnh mạn tính, trẻ em mắc bệnh bẩm sinh chưa được tiêm vaccine cúm, sởi đang nằm điều trị, nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ cần xét nghiệm và chẩn đoán, cách ly và điều trị kịp thời.

Cùng với đó, Trung tâm Y tế Dự phòng TP và các quận, huyện đẩy mạnh hoạt động truyền thông các biện pháp phòng bệnh sởi, lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh sởi để người dân hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng, chủ động các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.

Đối với gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần đưa trẻ tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi, phải đảm bảo trẻ được tiêm mũi vaccine phòng ngừa sởi khi trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 phải được tiêm khi trẻ được 18 tháng. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng đường hô hấp hoặc sốt hoặc phát ban. Cha mẹ và người thân trong gia đình phải thực hiện rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ. Nếu phát hiện trẻ có triệu chứng sốt hoặc phát ban cần đưa trẻ đi khám bệnh tại cơ sở y tế, hạn chế cho trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ khác để đề phòng lây nhiễm ra cộng đồng

Tin cùng chuyên mục