Bệnh chồng bệnh!

Điều tra mới nhất của Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Bộ Y tế về nhiễm khuẩn tại các BV đại diện các khu vực trong cả nước cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV từ 6%-8%.
Trong đó, nhiễm khuẩn huyết học, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn tiết niệu là phổ biến nhất. Đáng lo hơn, nhiễm khuẩn BV không chỉ khiến người bệnh phải gánh chịu thêm những bệnh tật mới, khiến quá trình điều trị kéo dài, tốn kém cả kinh tế và thời gian, mà còn là nguyên nhân làm xuất hiện những chủng vi khuẩn đa kháng thuốc.
Thách thức chất lượng khám chữa bệnh
Mệt mỏi, nhăn nhó vì vết mổ sưng tấy ở chân, bệnh nhân Lê Huy Hưng (ở Bá Thước, Thanh Hóa) đang điều trị tại một BV lớn trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: Tôi bị ngã gãy xương đùi phải mổ để bắt vít. Ca mổ diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên 5 ngày sau, chỗ vết mổ ở đùi có biểu hiện mưng mủ và sưng tấy nhiều khiến tôi sốt cao liên tục, rất mệt mỏi. Tiến hành kiểm tra, bác sĩ bảo vết mổ bị nhiễm khuẩn, áp xe trong quá trình điều trị nên BV giữ lại thêm vài ngày nữa để theo dõi, nếu không giờ này tôi đã được ra viện rồi...
Trong khi đó, tại BV Thanh Nhàn đã gần trưa nhưng vẫn đông nghịt người bệnh tới khám chữa bệnh, phần lớn là những trường hợp bị sốt cao nghi ngờ mắc sốt xuất huyết.
Do bệnh nhân quá đông, các bác sĩ quay như... “chong chóng”, tất bật khám hết người này tới người khác. Thậm chí không ít bác sĩ chẳng còn đủ thời gian đeo găng tay, khẩu trang y tế để phòng ngừa việc lây nhiễm chéo bệnh tật. 
Bệnh chồng bệnh! ảnh 1 Bệnh viện quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo
Theo tìm hiểu tại nhiều BV cho thấy, có không ít người bệnh khi tới BV chữa trị đã bị lây nhiễm thêm nhiều bệnh khác khiến sức khỏe thêm giảm sút.
Tệ hơn, có những bệnh nhân bị biến chứng, nhiễm trùng sau phẫu thuật do bị nhiễm khuẩn từ môi trường bệnh viện, hoặc quá trình chăm sóc chưa đảm bảo an toàn, cho dù ca phẫu thuật trước đó diễn ra rất tốt đẹp.
TS.BS Trương Anh Thư, Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Bạch Mai cho biết, nhiễm khuẩn BV đang là vấn đề thách thức chất lượng khám chữa bệnh của mỗi BV.
Điều tra cắt ngang nhiễm khuẩn BV tại các BV đại diện các khu vực trong cả nước cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV từ 6%-8% bệnh nhân. Trong đó, nhiễm khuẩn huyết học, nhiễm khuẩn tiết niệu là phổ biến nhất.
Hầu hết nhiễm khuẩn được phát hiện ở các đơn vị hồi sức cấp cứu, khoa nhi, nơi tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh toàn nặng, chịu nhiều thủ thuật, phẫu thuật khiến miễn dịch cơ thể suy giảm.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV cao liên quan tới thủ thuật xâm nhập có thể do BV chưa có quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, đa số nhân viên y tế chưa được tập huấn thực hành vô khuẩn khi thực hiện thủ thuật.
Trong khi đó, không ít BV cũng chưa thực sự quan tâm, chú ý tới việc phòng ngừa lây nhiễm chéo cho người bệnh, nhân viên y tế, cũng chỉ vì quá tải. “Một buổi khám có tới hàng chục bệnh nhân, cứ khám xong một bệnh nhân lại rửa tay hay thay găng tay y tế thì lấy đâu thời gian để khám bệnh…”, một bác sĩ thẳng thắn chia sẻ.
Gánh nặng lớn
Theo Bộ Y tế, nhiễm khuẩn BV đang là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, vì đây là những nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian người bệnh nằm viện.
Đáng lo hơn, nhiễm khuẩn BV đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt ở các nước nghèo và đang phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, chi phí điều trị và tăng việc sử dụng kháng sinh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại các nước phát triển có từ 5%-10% bệnh nhân nhập viện mắc ít nhất một loại nhiễm khuẩn BV. Tuy nhiên tỷ lệ này ở những nước đang phát triển cao gấp 2 đến 20 lần so với những nước phát triển.
Theo nhiều nguyên cứu, trong 146 chủng vi sinh vật phân lập được tìm thấy ở những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn BV, trực khuẩn gram (-) như Acinetobacter baumanii, Pseudomonas aeruginosa và Candida spp chiếm trên 70% các tác nhân gây nhiễm khuẩn BV.
Những vi sinh vật này thường cư trú ở bề mặt môi trường ẩm ướt và dễ dàng xâm nhập vào bệnh nhân khi điều kiện thuận lợi. Hơn nữa, việc điều trị nhiễm khuẩn BV do các trực khuẩn gram (-) gây ra gặp nhiều khó khăn, do hầu hết các vi sinh vật này đều kháng kháng sinh thông dụng làm tăng tới 2,5 lần số ngày nằm viện, cũng như tăng tỷ lệ tử vong tới hơn 30%.
Nhiễm khuẩn BV đang đe dọa trực tiếp đến an toàn, tính mạng của cả bệnh nhân và nhân viên y tế, đồng thời gây những thiệt hại nặng nền về kinh tế.
Do đó, để ngăn ngừa nhiễm khuẩn BV đòi các BV, nhân viên y tế phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, xây dựng mô hình tiệt trùng trung tâm. Phát hiện và tổ chức cách ly sớm bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện để phòng ngừa lan truyền các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế cho các BV theo xu hướng, công nghệ hiện đại của thế giới.

Tin cùng chuyên mục