Bến Tre thả ong ký sinh diệt sâu hại dừa

Vào tháng 7-2020, tỉnh Bến Tre lần đầu ghi nhận sâu đầu đen (tên khoa học là Opisina arenosella walker) gây hại khoảng 2,4ha vườn dừa của nông dân ấp Giồng Tre (xã Phú Long, huyện Bình Đại). 

Dịch sâu đầu đen nhanh chóng lan rộng ra các huyện Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, TP Bến Tre và Chợ Lách, buộc nhiều hộ đốn, tiêu hủy vườn dừa. Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có trên 513ha dừa bị sâu đầu đen tấn công.

Bà Phan Thị Phấn (75 tuổi, xã Phú Long, huyện Bình Đại) cho biết: “Gia đình có 7 công đất trồng dừa là nguồn thu nhập chính. Nhưng từ khi dịch bệnh sâu đầu đen bùng phát khiến 50% vườn dừa bị thiệt hại, sản lượng cho trái giảm đi rất nhiều”.

Theo bà Phấn, trước đây trung bình một tháng bán khoảng một thiên dừa (1.000 trái), với giá 60.000 đồng/chục (12 trái), thu lãi khoảng 5 triệu đồng. Nay vườn dừa bị bệnh nên khoảng 2 tháng mới thu hoạch một lần, số lượng giảm nhiều, dù giá dừa hiện khoảng 80.000 đồng/chục, song lợi nhuận không bao nhiêu.

Bến Tre thả ong ký sinh diệt sâu hại dừa ảnh 1 Ngành chức năng hỗ trợ người dân Bến Tre phun chế phẩm sinh học, thả ong ký sinh tiêu diệt sâu đầu đen

Tương tự, ông Hoàng Minh Sĩ (cùng ngụ huyện Bình Đại) cho hay, từ tháng 11-2020, vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công làm cho số lượng trái sụt giảm đáng kể. Trước đây, mỗi năm vườn dừa mang lại thu nhập 40 triệu đồng (là nguồn thu nhập chính của gia đình), nay nguồn thu giảm rất nhiều khiến đời sống gia đình cũng bấp bênh.

“Gần đây khi được các ngành chuyên môn hỗ trợ dập dịch, cây dừa có dấu hiệu phục hồi. Dù khó khăn nhưng gia đình vẫn quyết định bỏ ra hàng chục triệu đồng mua phân hữu cơ bón gốc, cứu vườn dừa”, ông Sĩ nói.

Do địa bàn Bến Tre có nhiều hộ dân nuôi tôm, nên ngành nông nghiệp tỉnh chọn cách dập dịch bằng biện pháp sinh học. Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre Võ Văn Nam, ngành nông nghiệp tiến hành phun chế phẩm sinh học, đồng thời triển khai nhân nuôi 2 loài ong ký sinh nhằm dùng thiên địch tiêu diệt sâu đầu đen.

Hiện đã nhân nuôi, phóng thích trên 100.000 con ong ra các vườn dừa trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó đến nay đã có khoảng 100ha diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công được phục hồi. Với việc phun chế phẩm sinh học và nuôi ong ký sinh, nhiều vườn dừa của nông dân ra đọt xanh trở lại, lá không còn bị khô... Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con thăm vườn thường xuyên, đảm bảo bón phân theo hướng dẫn.

Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng khuyến cáo nông dân chuyển sang trồng dừa hữu cơ, hiện có khoảng 10.000ha dừa hữu cơ được trồng ở các huyện Bình Đại, Châu Thành, Thạnh Phú. Việc trồng dừa hữu cơ giúp hạn chế sâu bệnh, hướng đến sản xuất không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn. Đây cũng là xu hướng chung không chỉ Bến Tre mà các tỉnh ĐBSCL cũng đang hướng đến.

Tỉnh Trà Vinh cũng vừa ghi nhận tình trạng sâu đầu đen tấn công vườn dừa của nông dân tại xã Tân Hòa (huyện Tiểu Cần). Theo Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh Lê Trường Sơn, sâu đầu đen rất nguy hiểm, có khả năng gây hại trên cây dừa giai đoạn sinh trưởng, khiến thiệt hại năng suất khoảng 80%.

Tin cùng chuyên mục