Bền bỉ vận động xóa chợ tự phát

Buổi chiều, con đường Nguyễn Thời Trung (phường 6, quận 5, TPHCM) khá yên tĩnh. Một số người mang ghế ngồi trước cửa nhà, vài tiệm tạp hóa, cửa hàng gạo, bán nước giải khát mở cửa đón khách. Việc buôn bán gần như diễn ra trong nhà, nên lòng đường thông thoáng.

Những người dân nơi đây đều nhớ rất rõ con đường Nguyễn Thời Trung - chỉ dài mấy trăm mét, nối từ đường Trần Hưng Đạo ra Võ Văn Kiệt -  từng là nơi họp chợ của hơn 70 chục quầy hàng. Chợ có từ năm 1972, buôn bán ngày một tấp nập, nhưng đây là khu dân cư không được quy hoạch là chợ nên điều kiện vệ sinh, trật tự không đảm bảo, xe cộ đi lại rất khó khăn khi đường chỉ rộng chừng 4m. 

Năm 2011, phường 6 vận động các tiểu thương di dời, trả lại con đường đi lại cho người dân. Việc di dời diễn ra đúng vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng tiểu thương đồng thuận cao, đều tự nguyện di dời sớm. 

Bà Cúc, bán tàu hủ trên đường Nguyễn Thời Trung hơn 20 năm, nhưng khi được mời họp thông báo chủ trương, đã nhanh chóng đồng ý, theo các chị em dọn đi. Bà Cúc nhớ lại, được nhận hỗ trợ 37 triệu đồng, thời điểm ấy, đây là số tiền không nhỏ. “Nhận tiền xong, bán buổi cuối cùng là 30 Tết, rồi sau đó ai nấy chuyển nghề hoặc đi buôn bán nơi khác. Tôi cùng 3 người nữa sang bên chợ Hòa Bình tiếp tục bán cho tới nay”, bà Cúc nói. 

Đến nay, trong số những khách hàng thân thiết của các tiểu thương có ông Lê Tấn Tài, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 5; bà Đinh Thị Thúy, Phó Bí thư Đảng ủy phường 14, quận 5. Thời điểm chợ di dời, ông Lê Tấn Tài là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 6. Còn bà Thúy khi đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường. Nhớ lại đợt vận động ngày ấy, ông Lê Tấn Tài chia sẻ kinh nghiệm lớn nhất là phải tuyên truyền, vận động thật bền bỉ. Khi ấy, phường giao cho hội phụ nữ, phối hợp với chi hội phụ nữ của chợ thông tin đến tiểu thương trong mấy năm liền về chủ trương di dời, giải tỏa. May mắn, chủ trương của phường được lãnh đạo quận ủng hộ, thống nhất các chính sách hỗ trợ. Do vậy, các hộ dân mới yên tâm và sớm đồng thuận.

Gọi điện cho bà Cúc để đặt tàu hủ cho bữa cơm ngày mai, vừa nghe tiếng bà Thúy là bà Cúc đã vui mừng như gặp người thân. Bà Thúy kể, dù chuyển công tác đã lâu vẫn hay gặp lại những tiểu thương chợ Nguyễn Thời Trung ngày trước. Người lưu luyến hỏi thăm, người dúi cho chiếc bánh, trái cây khiến bà cảm động lắm. “Có lẽ hồi ấy mình gắn bó, bà con thương nên khi vận động kiên trì, lại có chính sách hỗ trợ tốt, bà con đều đồng thuận”. Và món quà lớn nhất của người làm công tác vận động, đó là con đường sau giải tỏa đã trật tự hơn, sạch đẹp hơn, còn cuộc sống của bà con tiểu thương sau di dời đã ổn định.

Tin cùng chuyên mục