Bền bỉ giúp dân thoát nghèo

Tại quận 5 (TPHCM), những hộ dân còn khó khăn đã được quận, phường, khu phố, tổ dân phố, đoàn thể chung tay giúp đỡ. Họ đã vượt qua lúc ngặt nghèo, rồi tự mình đứng vững. 

Từ tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), học bổng cho học sinh, sinh viên, vốn vay phát triển kinh tế, mua tặng xe máy, máy khâu, xe bán hủ tiếu làm phương tiện kiếm sống, đến dạy nghề, giới thiệu việc làm… việc gì các tổ chức, đoàn thể cũng làm tới nơi tới chốn.

Có mặt lúc người dân khó khăn nhất

Một buổi chiều tối trong căn nhà nhỏ cuối hẻm 112 An Bình (phường 5, quận 5) vang vọng những âm thanh sum họp. Từng thành viên lần lượt trở về, trong khi người mẹ đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Ông Phạm Bách Khoa, 61 tuổi, ngồi nhớ lại cách đây 10 năm, ông mổ tim. Nợ nần chồng chất, mổ xong lại không làm được việc nặng. Nhìn 4 đứa con nhỏ, đứa lớn nhất mới 11 tuổi, ông lo lắng vô cùng.

Bí thư Quận ủy quận 5 Nguyễn Văn Hiếu (bìa trái) 
trao phương tiện sinh kế là chiếc xe máy cho người dân khó khăn

Trước tình cảnh này, hộ ông Phạm Bách Khoa được quận đưa vào chương trình giảm nghèo. Có thẻ BHYT từ chương trình, ông mạnh dạn đi khám bệnh thường xuyên, sức khỏe ổn dần. Bốn người con đều nỗ lực và được học bổng. Hiện nay, người con lớn nhất đã đi làm, phụ được cha mẹ nuôi em. Dù còn thiếu thốn, nhưng gia đình ông Khoa ổn hơn và ông luôn cảm ơn sự trợ giúp của các ban ngành, chính quyền địa phương đã kịp thời giúp gia đình vượt qua được lúc khó khăn nhất.

Cách nhà ông Khoa vài trăm mét là gia đình ông Nguyễn Hữu Hoàng (47 tuổi), một hộ cận nghèo. Ông Hoàng được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn để mua xe máy chạy xe ôm và vay 50 triệu đồng làm vốn buôn bán. Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tặng một xe bán hủ tiếu làm phương tiện mưu sinh. Các con ông Hoàng được cấp học bổng Nguyễn Hữu Thọ liên tục nhiều năm (1,5 - 2 triệu đồng/năm) và được giới thiệu việc làm thêm để trang trải học hành. Chưa hết, các ban ngành, đoàn thể quận 5 còn hỗ trợ gia đình ông Hoàng 60 triệu đồng để sửa lại nhà. Tới nay, thu nhập của gia đình ông Hoàng đã đạt khoảng 46 triệu đồng/người/năm.

Trong khi đó, hộ bà Nguyễn Thị Ngọc Nga (45 tuổi, phường 9, quận 5) đã vượt chuẩn cận nghèo vào năm 2018. Nhưng bà Nga mắc bệnh tim, mẹ chồng tuổi cao, bị tai biến. Hai con trai của bà Nga học xong trung học nhưng chưa có nghề, chỉ phụ giữ xe nên thu nhập không cao. Cả nhà gần như trông chờ vào công việc mua bán phế liệu của chồng bà Nga. Hộ lại rơi vào diện hộ cận nghèo giai đoạn 2019-2020. Từ đó, bà Nga được quận hỗ trợ thẻ BHYT, đi khám đều, đủ sức đi phụ việc quán ăn, giúp việc nhà theo giờ. Phường còn nhận bà Nga vào nấu ăn cho phường đội với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Con trai lớn vừa học nghề nấu ăn miễn phí, vừa được hỗ trợ vay vốn mua xe chạy xe ôm công nghệ. Người con trai út sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì được học nghề miễn phí và đã đi làm. Năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 5 hỗ trợ gia đình 30 triệu đồng để sửa nhà.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Ở quận 5, những hộ được “giúp đủ thứ” không phải cá biệt. Mỗi cán bộ phụ trách giảm nghèo bền vững ở quận 5 đều thuộc nằm lòng những hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bà Lê Thị Mười, tổ trưởng tổ tự quản giảm nghèo phường 5, quận 5 cho hay, mỗi nhà mỗi cảnh thiếu hụt, cần nắm chắc để hỗ trợ cho sát. Nhưng điều đầu tiên bà Mười luôn động viên các hộ là chuyện học hành của các con, dù khó khăn tới mấy cũng không bỏ học. Đó là động lực căn cơ để các hộ thoát nghèo bền vững. Quan trọng nữa là thẻ BHYT để chăm lo sức khỏe. Có lẽ nhờ cách làm này, tất cả 6 hộ vượt chuẩn nghèo giai đoạn trước ở phường 5 đời sống ổn định, không tái nghèo. Tất cả 9 hộ cận nghèo giai đoạn này đều đã có thu nhập trên 36 triệu đồng/người/năm.

Để chăm lo thiết thực cho các hộ cận nghèo, hộ khó khăn, ông Lê Tấn Tài, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 5 cho biết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ - Ban Vận động Vì người nghèo quận 5 chú trọng khâu khảo sát, nắm chắc số lượng, nhu cầu của các hộ, phân thành từng nhóm. Từ đó mới phân tích, tìm ra nguyên nhân cụ thể. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các hộ “khó khăn dai dẳng”, trong gia đình đều có người già yếu bệnh tật, không có khả năng lao động. Những hộ này cần được chăm lo cụ thể như hỗ trợ vốn trả dần không lãi, sửa chữa nhà, tặng thẻ BHYT, bảo trợ thường xuyên, học bổng, phương tiện sinh kế…

Về nguồn vận động, bên cạnh các doanh nghiệp, những năm gần đây, quận 5 đổi mới cách làm, vận động cán bộ, công nhân viên chức trích 1 ngày lương. Học sinh thì tiết kiệm, nuôi heo đất. Cùng đó là tổ chức vui xuân, văn nghệ và gửi thư ngỏ, đi bộ đồng hành, tiệc buffet chay… Các hội quán, cơ sở tôn giáo được vận động cũng tích cực tham gia bảo trợ, hỗ trợ cụ thể cho các trường hợp khó khăn. Các phương tiện sinh kế đã trao cho người dân, kết quả khảo sát cũng cho thấy hiệu quả khi mang lại thu nhập ổn định từ 4 - 7 triệu đồng/tháng.

Trước kết quả đạt được, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, đánh giá quận 5 đã có những cách làm hay, sáng tạo, bài bản, vận dụng tốt chính sách lấy sức dân chăm lo cho dân, góp phần rất tích cực vào kết quả công tác giảm nghèo bền vững chung của thành phố.

Quận 5 là quận đầu tiên được công nhận hoàn thành mục tiêu không còn hộ cận nghèo theo chuẩn cận nghèo TPHCM giai đoạn 2019-2020. Theo quy định, chuẩn hộ cận nghèo TPHCM giai đoạn này có thu nhập 28 - 36 triệu đồng/người/năm. Đầu năm 2019, quận 5 không còn hộ nghèo, nhưng có 180 hộ cận nghèo với 742 nhân khẩu. Đến nay, thu nhập bình quân các hộ cận nghèo đều được nâng lên trên 36 triệu đồng/người/năm. 100% thành viên các hộ đều có thẻ BHYT. Toàn quận không còn hộ cận nghèo thiếu hụt chiều tiếp cận dịch vụ y tế và thẻ BHYT; không còn hộ thiếu hụt chiều tiếp cận thông tin…

Tin cùng chuyên mục