“Bên bán bảo hiểm là đại bàng, người mua là se sẻ”

Thạc sĩ Trần Thị Hồng Việt (Hội Luật gia TPHCM) cho rằng trong quan hệ bảo hiểm thì “bên bán là đại bàng, người mua là se sẻ”, do đó những trường hợp thuộc về yếu tố khách quan thì cần bảo vệ người mua.

“Bên bán bảo hiểm là đại bàng, người mua là se sẻ”

Ngày 26-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi). Sau nhiều lần góp ý, dự kiến Luật này sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội cuối năm nay.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM chủ trì hội thảo.

“Bên bán bảo hiểm là đại bàng, người mua là se sẻ” ảnh 1 Phó Chánh án TAND TPHCM Nguyễn Thị Thùy Dung cho rằng người mua bảo hiểm là bên yếu thế khi phát sinh tranh chấp về bảo hiểm. Ảnh: MAI HOA
Từ thực tế giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo hiểm, Phó Chánh án TAND TPHCM Nguyễn Thị Thùy Dung nhận định, quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm còn bất cập, dẫn đến rủi ro cho người tham gia bảo hiểm và cả doanh nghiệp bảo hiểm.

Đồng tình với việc dự thảo luật bảo lưu quy định về giải thích hợp đồng, bà Nguyễn Thị Thùy Dung cho rằng, trong quan hệ bảo hiểm, người mua là người yếu thế. Theo quy định về giải thích hợp đồng, trong trường hợp nếu hợp đồng có những điều khoản khác nhau thì phải được hiểu theo nguyên tắc có lợi cho người mua bảo hiểm.

“Khi có tranh chấp, có thể thấy bộ hồ sơ bảo hiểm bên bán đưa cho bên mua rất dày. Phía sau hợp đồng là cả một đội ngũ tư vấn dày dạn kinh nghiệm. Điều khoản về loại trừ trách nhiệm của doanh nghiệp bán bảo hiểm nằm trong phụ lục ở đằng sau với nhiều từ ngữ khó hiểu. Do vậy người mua thường không thể hiểu hết tất cả. Hợp đồng bảo hiểm lại là hợp đồng mẫu, người mua không có quyền thay đổi, có chăng chỉ có thay đổi về thời hạn và số tiền mua bảo hiểm mà thôi”, bà Dung phân tích.

Bà nói thêm: “Tôi là thẩm phán xét xử thì thấy rất thấm thía điều này”. Theo bà, liên quan việc này, TAND tối cao đã có tới 3-4 án lệ về giải thích hợp đồng bảo hiểm, bởi trong thực tế có nhiều vụ việc tranh chấp liên quan đến hợp đồng.

Đồng tình với một số ý kiến tại hội thảo, Phó Chánh án TAND TPHCM cũng cho rằng cần bổ sung điều khoản quy định doanh nghiệp bán bảo hiểm phải chịu lãi chậm thanh toán. Việc này nhằm tránh việc đơn vị bán bảo hiểm trì hoãn thanh toán, chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

“Bên bán bảo hiểm là đại bàng, người mua là se sẻ” ảnh 2 Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo. Ảnh: M.HOA

Đồng quan điểm cần bảo vệ người mua bảo hiểm, Thạc sĩ Trần Thị Hồng Việt (Hội Luật gia TPHCM) cho rằng trong quan hệ bảo hiểm thì “bên bán là đại bàng, người mua là se sẻ”, do đó những trường hợp thuộc về yếu tố khách quan thì cần bảo vệ người mua.

Có mặt tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Ban bảo hiểm tài sản – kỹ thuật Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh chia sẻ thêm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm giải thích đầy đủ về hợp đồng cho bên mua. Hợp đồng bảo hiểm thường được các đơn vị học hỏi nhiều từ nước ngoài – nơi có ngành bảo hiểm lâu đời, giàu kinh nghiệm. Bởi vậy, khi dịch ra tiếng Việt thì hợp đồng có thể có những từ ngữ có nhiều cách hiểu.

Liên quan đến quỹ bảo vệ bảo hiểm, nhiều ý kiến tại hội thảo thống nhất cần có quỹ này để bảo vệ quyền lợi của bên mua trong trường hợp bên bán tuyên bố phá sản.

Tin cùng chuyên mục