“Bệ phóng” từ thay đổi tư duy sản xuất của nông dân

Năm 2017 đã khép lại với những con số ấn tượng của xuất khẩu nông - thủy sản Việt Nam. Đặc biệt là với lô vú sữa đầu tiên của một công ty tại Tiền Giang xuất khẩu vào thị trường Mỹ những ngày cuối năm 2017.
 Sơ chế thanh long xuất khẩu Ảnh: NGUYỄN DUY
Sơ chế thanh long xuất khẩu Ảnh: NGUYỄN DUY
 Nói ấn tượng bởi Việt Nam có lợi thế trồng cây ăn trái rất lớn nhưng lại mất gần “10 năm làm hồ sơ” để tiếp cận được thị trường Mỹ. Sản lượng là một chuyện, được khách hàng tín nhiệm tiêu thụ mới là chuyện sống còn của nông sản trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay!
Môi trường đối diện nhiều nguy cơ
Hàng chục năm qua, ĐBSCL được xem là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây, đảm trách an ninh lương thực và cung ứng nguồn nguyên liệu dồi dào cho xuất khẩu. Nhìn lại bước chuyển của sản xuất nông nghiệp: Từ thiếu đói, rồi tự túc đủ ăn đến xuất khẩu là một hành trình gian nan để Việt Nam trở thành một cường quốc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản.
Xuất khẩu nông - thủy sản hàng năm mang về hàng chục tỷ USD. Thử đặt câu hỏi: Vựa nông sản miền Tây có đánh đổi điều gì khi mang về ngần ấy ngoại tệ? Câu trả lời là có. Đó là môi trường! “Sản xuất nông nghiệp ĐBSCL từ tự túc đủ ăn đến dư, giờ có nhiều dấu hiệu không còn xanh mà ngâm mình trong phân bón và thuốc hóa học”, GS-TS Võ Tòng Xuân cảnh báo. Đây là cái giá quá đắt mà chúng ta phải đánh đổi. Còn nhớ sau năm 1975, khi nông dân ĐBSCL chỉ sản xuất lúa mùa, 1 năm làm 1 vụ, hầu như rất ít đụng đến thuốc trừ sâu. Ngày ấy, nông dân đi ruộng có thể cầm nón lá thoải mái, đến lung bàu múc nước uống “giải khát” vì môi trường nước rất sạch. Giờ thì không ai dám làm điều đó vì rất nguy hiểm, bởi nguồn nước đã bị “vấy bẩn” bởi thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học xâm nhập vào nguồn nước khi nông dân lạm dụng. Đây là những nguy cơ tiểm ẩn cho rủi ro hàng xuất khẩu. Thực tế, không ít lô hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã bị khách hàng từ chối vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật!
Một nhà khoa học đã cảnh báo: Hiện nay nông dân như đứng trước “ma trận” vật tư nông nghiệp. Họ lúng túng không biết nghe khuyến nông nhà nước hay công ty? Không ít người dân chỉ biết nghe ông gần nhất -  gần nhất là đại lý vật tư nông nghiệp. Gần như đại lý đưa gì xài nấy (các đại lý vật tư thường bán chịu, nông dân phải chiều theo ý họ). Đây là nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa nông sản. Điểm lại một vài vấn đề để thấy rằng, thực tế sản xuất nông nghiệp còn rất nhiều thách thức.
“Ngon - sạch” khi nông dân thay đổi tư duy  
Nông sản “ngon - sạch” đâu chỉ là tiêu chí của khách hàng nước ngoài. Ngay thị trường Việt Nam, khách hàng cũng đã bắt đầu “khó tính”. Hàng loạt điểm bán nông sản “sạch”, nông sản hữu cơ ra đời. Thị trường TPHCM cũng bắt đầu kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng thịt heo theo chuỗi sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Đây là một xu hướng tất yếu khi người dân quan tâm đến chất lượng cuộc sống, chú trọng đến chất lượng hàng hóa nông sản. Trở lại câu chuyện lô vú sữa đầu tiên của Tiền Giang xuất khẩu vào thị trường Mỹ sau 10 năm đàm phán - một bước tiếp nối quan trọng của xuất khẩu nông sản Việt Nam. Cần nói thêm, đến thời điểm này, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép xuất khẩu vú sữa tươi vào Mỹ.
Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 5 loại trái cây xuất khẩu vào thị trường Mỹ: Thanh long, nhãn, chôm chôm, vải và vú sữa. Sau hàng chục năm xuất khẩu, các mặt hàng xuất khẩu nông sản mang tầm chiến lược quốc gia như: Gạo, tôm và cá tra đã và đang thâm nhập vào thị trường của hơn 100 quốc gia trên thế giới. Song sự cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt, khách hàng ngày càng khó tính, các hàng rào kỹ thuật mang tính “tự vệ” càng khắt khe… là những thách thức cho nông sản Việt Nam. ĐBSCL đã hình thành các mô hình nuôi tôm sạch, sản xuất cá tra theo chuỗi liên kết, trồng lúa hữu cơ… là những nỗ lực đáng ghi nhận của nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu. 
Còn nhớ, một thời gạo của Việt Nam chỉ chăm bẵm vào phân khúc gạo phẩm cấp thấp (25% tấm) để xuất khẩu. Đó là một thời, các doanh nghiệp xuất khẩu lệ thuộc vào thương lái đi thu gom lúa của nông dân, dễ dẫn đến trộn lẫn cả chục giống lúa vào một lô xuất khẩu. Đó là một thời, gạo Thái Lan độc chiếm thị trường ở phân khúc gạo cao cấp, gạo thơm. Giờ điều đó đã thay đổi. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu gần 5,8 triệu tấn gạo, tăng gần 900.000 tấn so với năm 2016. Số lượng gạo cao cấp và gạo thơm các loại xuất khẩu chiếm trên 60% (khoảng 3 triệu tấn). Phân khúc gạo trung bình và phẩm cấp thấp chỉ còn chiếm khoảng 12% (khoảng 700.000 tấn). Đây được xem là một thay đổi cực kỳ quan trọng trong chiến lược xuất khẩu của Việt Nam. Khi số lượng gạo cao cấp, gạo thơm gia tăng đồng nghĩa với giá trị gia tăng, lợi nhuận của nông dân được cải thiện. Đây là điểm mấu chốt, khi doanh nghiệp đặt hàng, tạo động lực để nông dân thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra hàng hóa chất lượng. Áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm ngon - sạch, tiếp cận các thị trường khó tính chỉ thành công khi doanh nghiệp xuất khẩu quyết tâm làm và nông dân thay đổi tư duy sản xuất. Đó cũng là một cách giữ cho vựa nông sản ĐBSCL “xanh” trước những tác động ngày càng khốc liệt của môi trường.

Tin cùng chuyên mục