Bế mạc Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII: Phấn đấu đạt 8 chỉ tiêu quan trọng trong nhiệm kỳ mới

Ngày 11-3, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã họp phiên bế mạc, ra mắt Ban chấp hành mới nhiệm kỳ 2022-2027, thông qua nghị quyết đại hội, thông qua điều lệ sửa đổi...
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đọc diễn văn bế mạc. Ảnh: VIẾT CHUNG
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đọc diễn văn bế mạc. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu tại phiên bế mạc, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027 khẳng định, sau 3 ngày làm việc tích cực, với ý thức trách nhiệm cao trước phong trào phụ nữ cả nước, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ 13 đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra.

Đại hội đã dân chủ, thẳng thắn, tập trung trí tuệ thảo luận và nhất trí thông qua các văn kiện quan trọng; khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức hội.

Đại hội cũng đã biểu thị ý chí quyết tâm và thống nhất cao trong việc phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ và các giải pháp nhằm hoàn thành xuất sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.

Bế mạc Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII: Phấn đấu đạt 8 chỉ tiêu quan trọng trong nhiệm kỳ mới ảnh 1 Ban chấp hành nhiệm kỳ 2022-2027 ra mắt trong phiên bế mạc đại hội. Ảnh: VIẾT CHUNG

8 chỉ tiêu cơ bản của nhiệm kỳ 2022-2027:

1- Hàng năm, mỗi cơ sở hội duy trì thường xuyên ít nhất 1 loại hình hoạt động để vận động phụ nữ nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe.

2- Hàng năm, giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 17.000 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh; đến cuối nhiệm kỳ, vận động, hỗ trợ thành lập mới 350 hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý.

3- Đến cuối nhiệm kỳ, các cấp hội hỗ trợ 80% phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về được phát hiện tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội.

4- Hàng năm, mỗi cơ sở hội vận động, hỗ trợ thêm 5 hộ gia đình đạt tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch” hoặc “gia đình 5 có, 3 sạch” (đối với địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu), phấn đấu cả nước giúp được thêm 55.000 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí; mỗi cơ sở hội đăng ký và thực hiện 1 công trình/phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

5- Đến cuối nhiệm kỳ, tăng thêm 800.000 hội viên; phấn đấu 100% cơ sở Hội tập hợp được trên 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn.

6- Đến cuối nhiệm kỳ, 100% cán bộ hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội; 100% chi hội trưởng được tập huấn nghiệp vụ công tác hội.

7- Hàng năm, hội liên hiệp phụ nữ cấp trung ương và cấp tỉnh chủ trì giám sát ít nhất 1 chính sách và phản biện xã hội ít nhất 1 dự thảo văn bản liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và tổ chức hội; mỗi hội liên hiệp phụ nữ cấp huyện, cấp xã giám sát ít nhất 1 chính sách và góp ý ít nhất 1 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền.

8- Đến cuối nhiệm kỳ, hội liên hiệp phụ nữ cấp trung ương đề xuất thành công ít nhất 5 chính sách, đề án; hội liên hiệp phụ nữ cấp tỉnh đề xuất thành công ít nhất 1 chính sách, đề án liên quan đến phụ nữ.

Dự kiến đề xuất thành công ít nhất 5 chính sách:

1- Chính sách chi trả bảo hiểm y tế cho tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ.

2- Chương trình/đề án/chính sách đặc thù bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, cao tuổi, lao động nữ di cư.

3- Chính sách hoặc đề án hỗ trợ phụ nữ là lao động di cư có con dưới 36 tháng tuổi.

4- Đề án hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022-2030.

5- Đề án chuyển đổi số Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 2025-2030.

Dự kiến đề xuất 2 chương trình:

1- Chương trình hỗ trợ một triệu phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận chính phủ điện tử và nền kinh tế số.

2- Chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và kỹ năng lồng ghép giới cho 3.500 cán bộ nữ.

Nhiệm kỳ tới các cấp hội sẽ thí điểm, triển khai một số mô hình/hoạt động mới, cụ thể như sau:

1- Văn phòng dịch vụ một điểm đến hỗ trợ phụ nữ di cư trở về, trung tâm một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, đường dây nóng.

2- Các hình thức thu hút, tập hợp phụ nữ trên không gian mạng.

3- Phát hành thẻ hội viên thông minh.

4- Đề xuất cơ chế để các tổ chức chính trị - xã hội trong đó có tổ chức Hội thực hiện các dịch vụ, hoạt động có thu phù hợp với tôn chỉ, mục đích. 

5- Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động hội, xây dựng cơ chế đánh giá, kiểm tra, giám sát nội bộ của của cơ quan chuyên trách Hội.

6- Giải thưởng Nguyễn Thị Định dành cho cán bộ hội xuất sắc.

7- Xây dựng Chiến lược nghiên cứu về phụ nữ và bình đẳng giới của Hội LHPN Việt Nam.

8. Đại hội thông qua điều lệ Hội LHPN Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) phù hợp với tình hình, nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu của phong trào phụ nữ, công tác Hội LHPN Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

Tin cùng chuyên mục