Bệ đỡ cho cán bộ dám dấn thân

Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung mở đường cho định hướng tư duy mới, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đồng thời, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến của đội ngũ cán bộ, nhất là đối với cán bộ trẻ.

Những nội dung trong Kết luận 14 nêu rất gọn, rất rõ những công việc phải làm như nâng cao nhận thức; khuyến khích tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ khó khăn, giải quyết điểm nghẽn, tập trung đối với những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực. Cùng với đó là đề xuất đổi mới, sáng tạo phải báo cáo với người đứng đầu, được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, không trái với Hiến pháp, điều lệ Đảng; thường xuyên được kiểm tra, giám sát để hỗ trợ hoặc điều chỉnh trong quá trình thực hiện…

Kết luận 14 của Bộ Chính trị ban hành đúng thời điểm khi chính sách pháp luật còn chồng chéo, xung đột, tình trạng rủi ro có thể giáng xuống bất cứ lúc nào; tâm lý lo ngại, sợ bị hình sự hóa ảnh hưởng không nhỏ trong thi hành công vụ đối với những người đang làm việc trong bộ máy nhà nước, nhất là ở những điểm nóng, lĩnh vực nóng. Có thể nói sự ra đời của kết luận này tạo thêm sinh khí, thêm niềm tin rằng những ai khát khao và hết lòng, hết sức làm việc vì lợi ích chung, bất chấp hiểm nguy, có động cơ trong sáng, không vụ lợi nhất định sẽ được bảo vệ.

Đã tròn một năm ngày Kết luận 14 được ban hành, các cấp, các ngành đã triển khai, tạo được sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành kế hoạch thực hiện và sẽ có những quy định cần thiết, cụ thể. Các diễn đàn xung quanh chủ trương này và mới nhất là vệt bài “Cán bộ nghĩ đúng, làm trúng phải được bảo vệ” trên Báo Sài Gòn Giải Phóng (số ra từ ngày 26 đến 29-9) thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân.

Kết luận này được thể chế hóa bằng pháp luật, bằng quy định cụ thể của Nhà nước, của Chính phủ để sớm đi vào cuộc sống, bảo vệ những trường hợp bị rủi ro khi thi hành công vụ. Hiện nay, sự lo ngại và dấu hiệu co lại trong hành xử công việc vẫn còn trong một số cán bộ. Trong thực tế, thanh tra, kiểm tra cũng gặp khó khăn khi kết luận vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành mà quy định đó có điều chưa phù hợp với thực tiễn… Nhiều ý kiến cho rằng, nếu xử lý hình sự phải chứng minh đương sự có động cơ vụ lợi, tham nhũng; cần phải rút ra điều gì khi có nhiều vụ việc đã xảy ra nhiều năm, không ít trường hợp được giao chức vụ cao hơn, sau đó mới phát hiện, xử lý. Trách nhiệm quản lý cán bộ thuộc về cơ quan nào khi các quy định về quy trình, về đánh giá, sử dụng cán bộ phải qua rất nhiều khâu, mất nhiều thời gian, công sức.

Để Kết luận 14 được phát huy, cấp có thẩm quyền cần khẩn trương thể chế hóa. Khi cần thiết, cấp dưới xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền thì phải trả lời bằng văn bản rõ ràng chứ không nói chung chung là hãy làm theo văn bản pháp luật. Trong trường hợp công việc đòi hỏi xử lý nhanh mà có sự xung đột pháp lý thì cán bộ, công chức, viên chức được chọn thực hiện theo quy định nào có lợi nhất cho nước, cho dân. Quá trình kiểm tra, giám sát cần quan tâm phát hiện nhân tố tích cực để biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Kết luận 14 góp phần lan tỏa và thẩm thấu những giá trị tốt đẹp của chủ trương này.

TPHCM là nơi có truyền thống năng động, sáng tạo, cũng là nơi có những đặc điểm, đặc thù, nếu áp dụng cơ chế chung như các địa phương thì “chiếc áo cơ chế quá chật”. Trong quá trình phát triển, hội nhập với thế giới, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, và cơ quan, đơn vị đều nung nấu sự chủ động đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, cũng như được mạnh dạn thí điểm những mô hình, cách làm mới vì lợi ích chung.

Với tinh thần “việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Kết luận 14 của Bộ Chính trị được kỳ vọng là “bệ đỡ” cho sự thành công của những con người dám dấn thân vì nghĩa lớn, dám “xé rào” trong thời kỳ mới cho sự bứt phá đi lên không trở lực nào ngăn nổi vì sự phát triển của đất nước và TPHCM thân yêu.

Tin cùng chuyên mục