Bầu cử ĐBQH, HĐND: Kiên quyết không để lọt người chạy chức, chạy quyền

Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đang gấp rút triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn TPHCM. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, xung quanh công tác chuẩn bị bầu cử và sự tham gia của MTTQ.
 Công tác chuẩn bị ở một điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, tại TPHCM, tháng 5-2016. Ảnh minh họa: THANH HẢI
Công tác chuẩn bị ở một điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, tại TPHCM, tháng 5-2016. Ảnh minh họa: THANH HẢI

Không chọn người bảo thủ, hách dịch…

* Phóng viên: Thưa ông, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã chuẩn bị công tác bầu cử sắp tới như thế nào?

- Ông NGUYỄN THÀNH TRUNG: Trong cuộc bầu cử, vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp rất quan trọng. Đó là tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử, tổ chức các hội nghị hiệp thương, hội nghị cử tri, hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, tổ chức hoạt động giám sát bầu cử để bầu đủ đại biểu (ĐB) số lượng với chất lượng và cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng ĐB làm trọng tâm. Trước trọng trách này, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã triển khai công tác bầu cử và hệ thống MTTQ các cấp sẽ nỗ lực và tuân thủ các mốc thời gian để đảm bảo thành công chung của kỳ bầu cử năm nay.

* TPHCM đang thực hiện chính quyền đô thị và cũng vừa thành lập TP Thủ Đức. Việc bầu cử tại TP Thủ Đức có gì khác biệt so với các quận, huyện khác?

- Thực hiện mô hình chính quyền đô thị, TPHCM không tổ chức HĐND cấp quận và phường. Như vậy, trong cuộc bầu cử vào tháng 5 tới đây, TPHCM sẽ có 16 quận bầu ĐBQH và ĐB HĐND TPHCM. Đối với 5 huyện (có 63 xã, thị trấn) sẽ bầu ĐBQH và ĐB HĐND 3 cấp (cấp thành phố, huyện và xã). Riêng cử tri TP Thủ Đức sẽ bầu ĐBQH, ĐB HĐND TPHCM và HĐND TP Thủ Đức.
TPHCM đã thành lập Ủy ban bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND. Hiện nay, TPHCM tập trung thành lập Ủy ban bầu cử từ cấp xã, phường, thị trấn tới cấp quận, huyện và TP Thủ Đức. Cùng với đó, chuẩn bị cơ cấu, thành phần để tổ chức hiệp thương lần thứ nhất (trước ngày 17-2, 95 ngày trước ngày bầu cử).
* Nhiệm kỳ qua, có không ít ĐBQH, ĐB HĐND TPHCM bị bãi nhiệm, đình chỉ tư cách ĐB do vướng vòng lao lý hoặc có những hành vi không xứng đáng với niềm tin của cử tri. Bài học nào rút ra để lựa chọn được những ĐB xứng với sự tin cậy của cử tri?
- Tiêu chuẩn, chất lượng ĐB luôn là trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, cũng loại khỏi danh sách người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra các vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết… Kiên quyết không để lọt những người chạy chức, chạy quyền tham gia ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp. 
Cấm hứa tặng, ủng hộ tiền để lôi kéo cử tri
* Thưa ông, người muốn ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND các cấp cần làm thế nào để trở thành ứng viên? 
- Theo quy định, công dân ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử. Trong đó, người ứng cử ĐBQH được cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu thì nộp 2 bộ hồ sơ tại Hội đồng bầu cử quốc gia. Người được cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu và người tự ứng cử thì nộp 2 bộ hồ sơ tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên. Người ứng cử ĐB HĐND cần nộp 1 bộ hồ sơ tại Ủy ban bầu cử nơi mình ứng cử. Người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử ĐB HĐND nơi nào thì phải đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó. Thời hạn nhận hồ sơ ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND bắt đầu từ ngày 22-2 và kết thúc vào lúc 17 giờ ngày 14-3 (70 ngày trước ngày bầu cử).
* Một hoạt động được rất nhiều cử tri quan tâm là vận động bầu cử. Thưa ông, bằng cách nào cử tri có thể hiểu rõ hơn ứng viên? 
- Tất cả thông tin về tiểu sử, trình độ, chuyên môn, chương trình hành động của những người ứng cử được công khai, minh bạch, thậm chí gửi tới tận các gia đình để cử tri thẩm định, lựa chọn ứng viên. Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm. Luật cấm sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri. 
Việc vận động bầu cử được tiến hành bằng hình thức như: gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Người ứng cử ở đơn vị nào thì vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó. Người ứng cử ĐBQH, ít nhất có 10 cuộc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Người ứng cử ĐB HĐND TPHCM, ít nhất có 5 cuộc. Người ứng cử ĐB HĐND cấp huyện, cấp xã, ít nhất là 3 cuộc. Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức ứng viên (ngày 28-4) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 22-5).
* Với vai trò của mình, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM sẽ giám sát cuộc bầu cử ở những khâu nào?
- Giám sát bầu cử là trách nhiệm lớn của MTTQ. Trong giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trực tiếp và phối hợp giám sát, vận động nhân dân giám sát quá trình tổ chức cuộc bầu cử, góp phần bảo đảm để cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ và đúng pháp luật. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cũng kiểm tra, giám sát việc ứng cử và giới thiệu ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND theo quy định. Kiểm tra, giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử; giám sát việc lập, niêm yết danh sách cử tri, niêm yết danh sách những người ứng cử. MTTQ cũng giám sát trình tự bỏ phiếu, việc kiểm phiếu; kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử. 

Các mốc thời gian của cuộc bầu cử 

Trước ngày 7-2 (105 ngày trước ngày bầu cử): thành lập Ủy ban bầu cử.

Trước ngày 7-2: Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

Trước ngày 4-3: Công bố số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND.

Trước ngày 14-3: Tiếp nhận, xem xét hồ sơ người ứng cử.

Trước ngày 19-3: Hội nghị hiệp thương lần thứ hai.

Trước ngày 13-4: Niêm yết danh sách cử tri.

Trước ngày 18-4: Hội nghị hiệp thương lần thứ ba.

Trước ngày 28-4: Công bố danh sách chính thức những người ứng cử.

Từ ngày 28-4 đến trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ: được vận động bầu cử.

Ngày bầu cử là chủ nhật, ngày 23-5.

Trước ngày 2-6 (10 ngày sau ngày bầu cử): công bố kết quả bầu cử ĐB HĐND.

Trước ngày 12-6: công bố kết quả bầu cử ĐBQH.

Tin cùng chuyên mục