Bắt xếp hàng để tạo hiệu ứng mua sắm rầm rộ?

Uniqlo, thương hiệu thời trang bán lẻ toàn cầu Nhật Bản đã có mặt ở TPHCM. Sáng 6-12, cửa hàng mới mở cửa nhưng trước đó 1 ngày, hình ảnh của Uniqlo đã được trải khắp các mặt báo, đem đến hiệu ứng phấn khích đặc biệt cho người mua.

Theo công bố chính thức từ công ty Uniqlo, ngay sau giờ mở cửa đã có hơn 2.000 khách hàng đầu tiên có mặt tại cửa hàng. Nếu đi qua khu vực này người đi đường có thể thấy dòng người đứng xếp hàng dài dưới nắng để chờ được vào cửa hàng.

Có thể lúc đầu lượng khách quá đông nên họ bố trí xếp hàng để tránh xô đẩy, mất trật tự. Nhưng tìm hiểu thực tế thì không hẳn vậy. 3 giờ chiều cùng ngày, hàng trăm khách vẫn đứng xếp hàng, kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình được vô cửa hàng. Dòng người kéo dài đến gần tới ngã tư Lê Thánh Tôn - Hai Bà Trưng. Tôi hỏi một cô gái đứng gần dải ngăn cách, sát với cửa ra vào, từ lúc sếp hàng tới giờ hết bao lâu rồi thì được trả lời: "Em xếp hàng gần 1 tiếng rồi". Cứ khoảng mươi phút thì nhân viên lại cho phép khoảng hai chục người vô cửa hàng, sau đó chặn dòng người lại.

Đứng ngoài nhìn vô bên trong, khách khá thưa thớt. Hỏi cô nhân viên mặc áo in chữ Uniqlo đứng điều phối ngoài cửa tại sao không cho khách hàng vô, bắt họ đứng chờ đợi khi bên trong khá vắng vẻ thì cô này đáp: "Dạ, làm vậy để phục vụ khách được tốt hơn. Nếu đông thì cửa hàng không đảm bảo phục vụ chu đáo cho khách được". Đúng là trả lời kiểu người phát ngôn ngoại giao.

Nhiều người cũng tỏ ra khó hiểu khi thấy cảnh trong cửa hàng thì vắng, ngoài cửa hàng thì lũ lượt chờ đợi được vào. Một vài người vừa mua hàng từ trong bước ra cũng xác nhận bên trong ít khách. Một số người đã gửi xe nhưng nghe nói phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ thì lắc đầu bỏ về.

Xếp hàng để mua hàng không phải điều gì mới mẻ. Nhưng phải xếp hàng vì thương hiệu muốn tạo hiệu ứng mua sắm rầm rộ trong khi thực tế không như vậy thì thật bất công. Người mua hàng thông minh không chọn cách này.

Tin cùng chuyên mục