Bát nháo sử dụng biệt thự cổ Đà Lạt

Đà Lạt được thừa hưởng một gia tài quý giá là những căn biệt thự xây dựng từ nửa đầu thế kỷ XX mang kiến trúc châu Âu. Trải qua nhiều năm tháng, bên cạnh những công trình được cải tạo, phục chế thì phần lớn biệt thự cổ đang bị xuống cấp nặng. 
Cụm biệt thự cổ trên đường Cô Giang, TP Đà Lạt bỏ hoang nhiều năm sau khi được một doanh nghiệp thuê
Cụm biệt thự cổ trên đường Cô Giang, TP Đà Lạt bỏ hoang nhiều năm sau khi được một doanh nghiệp thuê

Điêu tàn, nhếch nhác

Có một thực tế phũ phàng, tại TP Đà Lạt, nhiều kiến trúc biệt thự sang trọng kiểu Pháp trước đây từng hoặc đang được sử dụng vào những mục tiêu bình dân nhất. 

Nằm ẩn sâu trong dãy nhà trên ngọn đồi bên đường Hàn Thuyên (phường 5), căn biệt thự số 2 Hàn Thuyên có diện tích xây dựng 165m2 (diện tích sử dụng 370m2) được xây dựng, sử dụng trước năm 1975, là công trình được đánh giá có giá trị về kiến trúc cần được bảo tồn. Căn biệt thự nói trên nằm trong khuôn viên đất rộng hơn 2.800m2, nhưng nay chỉ còn một lối nhỏ dẫn lên biệt thự, còn lại xung quanh đã bị người dân xâm lấn, xây dựng nhà kín hết. Khi vào trong, nhiều phần của căn biệt thự đã bị “cải tạo” theo thời gian để đáp ứng nhu cầu sống của những hộ dân tại đây. Các công trình phụ như nhà vệ sinh, nhà tắm, hệ thống dây điện chằng chịt đấu nối chắp vá tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ… tạo thành bức tranh nhếch nhác. Qua nhiều năm sử dụng, căn biệt thự đã xuống cấp nặng, có thể gây nguy hiểm cho người dùng. 

Tương tự, căn biệt thự số 7 đường Lê Thánh Tôn (phường 6) giai đoạn sau năm 1975 được giao cho 5 hộ gia đình thuê để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở. Đến năm 1993, Nhà nước có chủ trương dừng cho thuê và yêu cầu các hộ dân tại đây trả nhà, di dời. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý qua nhiều giai đoạn mà căn biệt thự gần trăm tuổi từ lâu không được duy tu, bảo dưỡng, đang bị chia không gian cho 9 hộ dân sinh sống. Dấu tích còn lại của căn biệt thự bây giờ chỉ còn lại bức tường đá, sàn gỗ, mái ngói lụp xụp chỉ chờ rơi bất cứ lúc nào. 

KTS Khương Văn Mười, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, cho rằng: “Bảo tồn biệt thự cổ không chỉ giữ nguyên hiện trạng công trình kiến trúc đó. Biệt thự đẹp nhờ cảnh quan xung quanh nên trước khi tính đến làm việc gì thì phải bảo vệ được không gian của cả khu biệt thự. Đồng thời, phải tính toán khai thác, sử dụng hợp lý để tạo ra nguồn thu, từ đó có kinh phí để bảo trì những công trình cổ này”. 

Tình trạng nhếch nhác tại các căn biệt thự cổ không chỉ ở những công trình nhà thuộc sở hữu nhà nước mà còn xảy ra tại những công trình thuộc đơn vị cổ phần hóa sở hữu. Điển hình như tại biệt thự số 22 Hùng Vương (phường 10), thời điểm năm 2018, Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt (chủ đầu tư) đã “hô biến” hồ sơ, qua mặt cơ quan chức năng để có được giấy phép xây dựng. Sau đó, Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt cho một số tổ chức, cá nhân thuê lại khuôn viên của ngôi biệt thự cổ, xây dựng bừa bãi tại khu vực vốn “chỉ được sử dụng làm đường nội bộ, công viên hoa, sân vườn, không được xây dựng công trình”. Cảnh quan của một công trình xây dựng cổ cần được bảo tồn và lưu giữ này bị phá nát bởi quán nhậu, nhà trọ, quán cà phê... UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần ra văn bản xử lý sai phạm. Tuy nhiên, sau nhiều năm, đến nay bộ mặt khuôn viên căn biệt thự cổ vẫn nhếch nhác với đủ loại hình kinh doanh phía trong. 

Căn biệt thự số 7 đường Ba Tháng Tư (phường 3) vốn có khuôn viên đẹp, ngay cửa ngõ TP Đà Lạt. Sau một thời gian cho một đơn vị kinh doanh quán bar, nơi đây được cơi nới, dựng lồng sắt quây gần trọn căn biệt thự. 

Cần bảo trì

Theo thống kê của UBND TP Đà Lạt, đến nay tại Đà Lạt có trên 530 hộ đang sử dụng các biệt thự (do nhà nước quản lý) nhưng có tới 237 hộ chưa có hợp đồng thuê nhà. 

Việc nhiều biệt thự cổ ở Đà Lạt xuống cấp nghiêm trọng một phần do yếu tố lịch sử để lại. Thời gian sau năm 1975, nhiều biệt thự giao cho các cơ quan, đơn vị nhà nước làm việc hoặc kinh doanh. Sau đó, những đơn vị này bố trí cho cán bộ, công nhân viên vào ở, biến biệt thự thành nhà ở tập thể, dẫn đến biệt thự không còn giữ được kiến trúc ban đầu. Bằng chứng là hầu hết các biệt thự được trưng dụng làm nhà ở đều bị ngăn cắt, cơi nới… Bên cạnh đó, nhiều căn biệt thự đã giao cho doanh nghiệp sử dụng kinh doanh từ lâu nhưng bị bỏ hoang, xuống cấp từng ngày cũng khiến người dân xứ sương mù cảm thấy tiếc nuối, tiêu biểu như dãy biệt thự số 1, 3, 5, 7 (đường Cô Giang, phường 9), biệt thự số 1, 2 (đường Đống Đa, phường 3), biệt thự số 16 (đường Pasteur, phường 4)…

Bát nháo sử dụng biệt thự cổ Đà Lạt ảnh 1 Biệt thự số 2 Đống Đa, TP Đà Lạt bỏ hoang nhiều năm sau khi được một doanh nghiệp thuê
Ông Nguyễn Hàng, Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà TP Đà Lạt, cho biết, hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng đối với các biệt thự gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn, dẫn đến công trình xuống cấp, ảnh hưởng đến kiến trúc, kết cấu chịu lực và tuổi thọ của biệt thự. Ngoài ra, tình trạng cơi nới, nợ tiền thuê nhà, không chịu tái ký hợp đồng của các hộ dân tại các biệt thự kéo dài từ trước năm 2003 đến nay chưa được xử lý dứt điểm.

Trước thực trạng đó, mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Sở Xây dựng, Sở Tài chính, UBND TP Đà Lạt khẩn trương tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp, kịp thời để đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng con người tại các địa chỉ số 23 đường Ba Tháng Tư (phường 3) và số 7 đường Lê Thánh Tôn (phường 6). Đồng thời làm việc với các tổ chức, cá nhân đang thuê quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, nghiêm túc thực hiện bảo trì công trình theo quy định, tuyệt đối đảm bảo an toàn lao động trong công tác cải tạo, sửa chữa (đặc biệt tại hai công trình số 1 và 2 đường Đống Đa, phường 3).

Tin cùng chuyên mục