Bát nháo đường vào đại học và hệ lụy - Bài 2: Đào tạo kiểu “đem con bỏ chợ”

Nhiều sinh viên khi nghe những thông tin tư vấn hoa mỹ về ngành nghề, điều kiện học tập, 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm của trường A, B, C… đã đăng ký theo học. Thế nhưng, khi vào học, sinh viên đã “té ngửa” trước thực trạng từ cơ sở vật chất cho đến người thầy giảng dạy đều ở dạng thiếu chuẩn.
Tuyển vượt chỉ tiêu  

Với việc tự chủ trong tuyển sinh và không hậu kiểm gắt gao thì tình trạng các trường tuyển vượt chỉ tiêu, vượt quá năng lực đào tạo đã xảy ra. Cuộc tổng kiểm tra mới đây của Bộ GD-ĐT với hơn 200 trường đại học  về các điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tỷ lệ sinh viên/giảng viên… đã phơi bày tất cả.

Hàng loạt trường giảng viên thiếu chuẩn trầm trọng, khi 30% - 64% đội ngũ giảng dạy chỉ có trình độ đại học (Luật Giáo dục đại học quy định giảng viên phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên). Rất nhiều trường, tỷ lệ sinh viên/giảng viên, diện tích sàn xây dựng còn thiếu nhiều so với quy định. 

Câu chuyện vượt chỉ tiêu luôn là “căn bệnh” mà bấy lâu nay cơ quan quản lý vẫn chưa có thuốc đặc trị. Cụ thể, một trường đại học tư thục lớn tại TPHCM có chỉ tiêu năm 2018 là 4.870 sinh viên, nhưng trúng tuyển đến hơn 11.000 thí sinh; năm 2019 chỉ tiêu lại xin tăng đến hơn 5.000 sinh viên. Trong khi đó, đội ngũ giảng viên trình độ đại học lại chiếm đến gần 50%.

Bát nháo đường vào đại học và hệ lụy - Bài 2: Đào tạo kiểu “đem con bỏ chợ” ảnh 1 Sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM trong giờ thực hành 
Đây là một ví dụ để thấy rằng thực tế có nhiều trường, nhất là trường tư thục và công lập tự chủ, tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu so với năng lực đào tạo là có, song vấn đề kiểm soát, thanh tra, kiểm tra của Bộ GD-ĐT lại không phát hiện hoặc phát hiện nhưng không công bố, không xử phạt. 

Trường công lập cũng không đứng ngoài cuộc đua “tuyển vượt”. Theo kết luận thanh tra năm 2018 của Bộ GD-ĐT, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có nhiều sai phạm trong tuyển sinh. Việc tuyển vượt chỉ tiêu hệ đại học chính quy của trường diễn ra từ năm 2015-2017, với tổng số tuyển vượt lên đến 1.688 sinh viên.

Hay như Trường Đại học Y Dược TPHCM, tổng chỉ tiêu đại học chính quy năm 2017 của trường là 1.760 nhưng tuyển đến 2.062 sinh viên; năm 2018 tuyển vượt 146 trường hợp. 

Và những yếu kém 

Chỉ tiêu tuyển vượt như thế nhưng thực tế năng lực đào tạo (đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất) của các trường lại khá “mong manh”. Và cuộc điều tra “dân số” ở các trường đã cho kết quả thật đến ngỡ ngàng. 

Có đến 20 trường, số giảng viên trình độ đại học chiếm 30% - 64%. Điển hình như: Đại học Võ Trường Toản, 252/392 giảng viên cơ hữu có trình độ đại học (chiếm gần 64,3%); Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương là 179/297 (hơn 60%); Đại học Phan Chu Trinh 39/76 (trên 51%); Đại học Y Dược Cần Thơ 142/445 (trên 32%)… Ngay cả những trường ở 2 trung tâm giáo dục của cả nước là Hà Nội và TPHCM cũng không khá hơn. Trường Đại học Y Dược TPHCM có 179/1.038 giảng viên có trình độ đại học, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch 103/371; Đại học Công nghiệp Hà Nội 123/1.063; Đại học Lâm nghiệp 128/533; Đại học Công nghệ TPHCM 224/944; Đại học Nông Lâm TPHCM 131/639. Thậm chí có trường đội ngũ giảng viên chỉ vài chục người.

Trước đó, năm 2015, trong số 3.575 ngành đào tạo được khảo sát, trên 500 ngành có tỷ lệ vượt quá 30 sinh viên/giảng viên, trong đó gần 100 ngành có trên 100 sinh viên/giảng viên (chủ yếu ở khối ngành kinh tế, quản lý, luật và giáo dục).

Ở TPHCM, câu nói “không thuê mướn không phải trường đại học” cách đây cả chục năm vẫn còn nguyên tính thời sự. Trường Đại học Gia Định thành lập từ năm 2007, đến nay ngót 12 năm vẫn chưa có được cơ sở chính. Hàng loạt trường khác như Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM, Đại học Tài chính - Marketing TPHCM, Đại học Văn Hiến… nhiều năm nay vẫn chưa chấm dứt tình trạng thuê mướn cơ sở vật chất để đào tạo.

Rất nhiều sinh viên học các trường tư thục, nhất là những ngành kỹ thuật, công nghệ, cho đến tận năm thứ 3, năm thứ 4 vẫn chưa có được một giờ học tại phòng thực hành! 

Qua trực tiếp kiểm định chất lượng của các trường từ năm 2017-2018, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết: “Rất nhiều trường tổng số sinh viên rất lớn, nhưng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất lại rất tệ, thua cả trường cao đẳng. Sinh viên đông, giảng viên ít, cơ sở vật chất yếu kém mà lại yêu cầu chúng tôi kiểm định, cho qua. Với những trường như vậy (có đến 5 trường, trong đó 3 trường tại TPHCM), chúng tôi từ chối kiểm định. Thế nhưng, không biết bằng cách nào mà họ vẫn được các trung tâm khác cho đạt chuẩn kiểm định chất lượng”.

" Nếu hiểu tự chủ theo kiểu trường được toàn quyền trong mọi hoạt động tuyển sinh, thì vai trò của quản lý nhà nước về đảm bảo nhân lực đại học có chất lượng, đảm bảo cân đối cơ cấu trình độ ở các ngành và trách nhiệm giải trình về hiệu quả (giảm số thất nghiệp sau khi tốt nghiệp), đảm bảo sự phát triển hài hòa hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp ở đâu? 

Nếu phó mặc cho các trường thì nên giải tán một số cục và vụ tham gia xây dựng chính sách tuyển sinh. Với vai trò và chức năng quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT cần cung cấp thông tin mang tính dự báo định hướng nhu cầu nhân lực. Quan trọng hơn, bộ cần điều tiết quy mô thông qua công cụ được luật cho phép bằng cách định ra các tiêu chuẩn. Chẳng hạn, ngành nào, hoặc khu vực nào có nguy cơ dư thừa nhân lực trong 4 - 5 năm tới thì giảm ngay tỷ lệ sinh viên/giảng viên, hoặc cho phép các trường tăng học phí, để điều tiết đầu vào đại học. Đặc biệt, khi trao tự chủ cho các trường trong tuyển sinh thì Bộ GD-ĐT phải tăng cường trách nhiệm quản lý của mình thông qua các chính sách điều tiết. Việc thanh tra và kiểm tra phải đẩy mạnh, công khai và minh bạch, chứ không làm theo kiểu giơ cao đánh khẽ như bấy lâu nay. Nếu cho tự chủ mà buông luôn quản lý, không có chính sách điều tiết, thiếu trách nhiệm, thì không chỉ chất lượng đào tạo đại học không ra gì, mà còn ảnh hưởng đến cả lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp"

TS HOÀNG NGỌC VINH, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT). 

Tin cùng chuyên mục