Bất ngờ khi phát hiện chất cực độc trong đường nước chạy thận

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, trong vụ tai biến chạy thận tại Hòa Bình vừa qua, kết quả xét nghiệm mới nhất phát hiện trong đường nước RO sử dụng cho các bệnh nhân chạy thận có chất fluoride, đây là hóa chất cực độc và  là chất tẩy rửa dùng trong công nghiệp, không được phép dùng trong y tế. 

Ngày 4-7, liên quan tới vụ tai tai biến y khoa rất nghiêm trọng khiến 18 bệnh nhân chạy thận tại đơn nguyên Thận nhân tạo của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bị sốc phản vệ, trong đó có 8 trường hợp tử vong, một số chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đã có thông tin thêm với báo chí về vụ tai biến nghiêm trọng này.

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, trong vụ tai biến chạy thận tại Hòa Bình vừa qua, kết quả xét nghiệm mới nhất phát hiện trong đường nước RO sử dụng cho các bệnh nhân chạy thận có chất fluoride, đây là hóa chất cực độc và  là chất tẩy rửa dùng trong công nghiệp, không được phép dùng trong y tế. “Trong xử lý hệ thống RO hóa chất này không được phép dùng mà  chỉ được phép dùng 3 hóa chất khác, thường là sử dụng Javen theo hướng dẫn của quốc tế và theo hàm lượng rất cụ thể, nghiêm ngặt” - TS Dũng nêu rõ.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, hàm lượng fluoride cho phép trong nước chạy thận phải dưới 0,2 mlg/lít. Tuy nhiên qua xét nghiệm cho thấy nước chạy thận trong vụ tai biến chạy thận khiến 8 người tử vong ở  Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có hàm lượng fluoride cao gấp 263 lần cho phép. Đáng chú ý, sau 2 tuần xét nghiệm lại nguồn nước còn tồn dư trong máy cũng thấy hàm lượng chất độc này có thể gây chết người ngay lập tức. GS Bình cũng chia sẻ, khi xảy ra tai biến, các đồng nghiệp ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình đã lập tức điều trị thải độc cho bệnh nhân sau khi phát hiện tai biến bất thường. Tuy nhiên đây là hóa chất quá độc nên nhiều bệnh nhân đã không thể qua khỏi.

TS Nguyễn Hữu Dũng và GS.TS Nguyễn Gia Bình trao đổi với báo chí về vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình

Trước câu hỏi của một số cơ quan báo chí về việc sau khi vệ sinh đường ống,  theo quy trình có bắt buộc phải kiểm tra đánh giá chất fluoride tồn dư hay không?. TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết, đã quy định rất rõ ràng là không được phép sử dụng chất fluoride trong tẩy rửa hệ thống nước dùng trong y tế. Do đo nếu không sử dụng hóa chất này thì tất nhiên sẽ không có chuyện fluoride trong nước của hệ thống RO vượt ngưỡng cho phép. Hơn nữa để có thể phát hiện liệu có fluoride tồn dư trong nước hay không thì phải làm xét nghiệm thử 23 thông số và phải mất ít nhất 10 ngày mới có kết quả. Nếu như vậy thì có hàng trăm bệnh nhân chạy thận bị lỡ thời gian chạy thận, càng nguy hiểm đến tính mạng.

Một bệnh nhân bị tai biến nghiêm trọng khi chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình

Trước đó liên quan vụ tai biến nghiêm trọng này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã bị khởi tố và bắt giam 3 bị can, gồm: Bùi Mạnh Quốc (31 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh), Trần Văn Sơn (27 tuổi, cán bộ phòng Vật tư - trang thiết bị y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình), Hoàng Công Lương (31 tuổi, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình). Trong đó bị can Bùi Mạnh Quốc bị khởi tố về tội danh " Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp". Bị can Quốc đã có hành vi vi phạm trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO đã sử dụng hóa chất Axít clohydric (HCL) và Axít Flohydric (HF) để sục rửa nhưng do cẩu thả nên sau khi sục sửa đã quên xả 2 đầu vào máy làm tồn dư hóa chất trong các đường ống nước dẫn vào máy lọc thận. Sau khi sửa chữa, khử trùng hệ thống lọc nước RO số 2 chưa kiểm định mẫu nước. Mặc dù chưa biết nước đã đạt tiêu chuẩn hay chưa nhưng đối tượng Quốc vẫn bàn giao cho Trần Văn Sơn để đưa vào sử dụng cho các bệnh nhân chạy thận. Trong khi đó, bị can Trần Văn Sơn bị khởi tố về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" do đã không theo dõi, giám sát việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 diễn ra vào ngày 28-5, theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, chưa nghiệm thu, chưa bàn giao cụ thể bằng văn bản, kiểm tra thực tế việc bảo dưỡng, sửa chữa đã thông báo cho điều dưỡng của khoa Điều trị tích cực chạy thận cho bệnh nhân.

Đáng chú ý, kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an cho thấy các mẫu nước thu tại đầu cấp vào máy lọc thận số 10 và số 13 có các chỉ tiêu độ PH rất thấp, độ dẫn điện rất cao, đặc biệt hàm lượng fluoride cao gấp 245 và 260 lần mức cho phép. Ngoài 2 máy lọc thận trên, qua giám định mẫu nước tại các máy chạy thận nhân tạo khác cho thấy có hàm lượng fluoride đều vượt ngưỡng an toàn gấp hàng trăm lần. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn với nước sử dụng cho chạy thận nhân tạo, hàm lượng fluoride tối đa cho phép là 0,2mg/l nên các mẫu nước này đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sử dụng cho chạy thận nhân tạo.

Tin cùng chuyên mục