Bất cập trong hoạt động PCCC cơ sở

Dân phòng (gồm bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ, tổ trưởng - tổ phó tổ dân phố…) là lực lượng quan trọng đầu tiên trong phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở cơ sở. 
Cảnh sát PCCC TPHCM chữa cháy ở một cơ sở sản xuất trên địa bàn quận Bình Tân
Cảnh sát PCCC TPHCM chữa cháy ở một cơ sở sản xuất trên địa bàn quận Bình Tân

Nhờ có dân phòng, thời gian qua, tại TPHCM, hàng ngàn vụ cháy được xử lý, dập tắt kịp thời, không dẫn đến cháy lan, cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. Vai trò quan trọng là vậy, thế nhưng cơ chế hoạt động của lực lượng dân phòng đang tồn tại nhiều bất cập. 

Kịp thời dập tắt hàng ngàn vụ cháy

Rạng sáng 17-6-2019, cửa hàng kinh doanh - trang trí decal Hoàng Kim trên đường Số 1, khu phố 10, phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân) xảy ra cháy. Do trong cửa hàng có nhiều giấy, nhựa, hộp quẹt gas… nên lửa nhanh chóng bùng phát, táp ra xung quanh, có nguy cơ lan sang những cửa hàng, nhà dân bên cạnh. Gần 3 phút sau khi xảy ra cháy, Tổ dân phòng khu phố 10 gồm trưởng khu phố, 5 bảo vệ dân phố có mặt, tổ chức phun nước, sử dụng bình CO2 dập lửa, không để lửa lan rộng, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ một số người mắc kẹt trong đám cháy kịp thoát ra ngoài an toàn.

Lực lượng dân phòng đã hỗ trợ cảnh sát PCCC dập tắt đám cháy ngay sau đó, không để hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Nhắc đến vụ cháy này, bà Hồng chủ tiệm bánh pizza (cạnh cửa hàng bị cháy) nói bà không bao giờ quên ơn Tổ dân phòng khu phố 10. “Các anh bảo vệ dân phố là những người đầu tiên tiếp cận đám cháy và xử lý rất nhanh nên đã ngăn được lửa cháy lan. Nếu không có họ, có lẽ cửa hàng của tôi đã bị lửa thiêu rụi, thậm chí tính mạng của tôi và những người trong gia đình cũng khó đảm bảo vì lửa bùng phát rất nhanh”, bà Hồng khen ngợi. 

Theo Công an TPHCM, từ năm 2012 đến nay, tại thành phố, lực lượng dân phòng đã tham gia, hỗ trợ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp dập tắt gần 8.000 vụ cháy, qua đó hạn chế được con số thiệt hại về người và tài sản. Thiếu tướng Đỗ Minh Dũng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), khẳng định dân phòng là lực lượng PCCC nòng cốt, không thể thiếu ở cơ sở. Tại TPHCM, bên cạnh việc can thiệp kịp thời, xử lý nhanh các vụ cháy khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lan cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, thời gian qua lực lượng dân phòng còn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC đến người dân, qua đó nâng cao ý thức PCCC trong cộng đồng dân cư.

Cần được gỡ khó để tăng hiệu quả hoạt động

Vai trò trong PCCC của lực lượng dân phòng là rất lớn, thế nhưng hoạt động của lực lượng này tồn tại nhiều bất cập, kéo theo công tác PCCC ở nhiều phường xã, thị trấn, khu phố, ấp… chưa mang lại hiệu quả cao. Công an TPHCM cho biết, theo Luật PCCC, lực lượng dân phòng hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, không chuyên trách. Thành viên của đội có thể vừa tham gia lực lượng vừa làm việc khác ở nơi cư trú, do đó rất khó khăn trong việc tổ chức thường trực 24/24 giờ tại địa bàn dân cư; đặc biệt khi có sự cố đột xuất xảy ra thì rất khó điều động. 

“Dân phòng là lực lượng đặc thù đòi hỏi phải có nghiệp vụ, tuy nhiên việc huấn luyện, trang bị nghiệp vụ, bố trí hoạt động cho lực lượng này gặp nhiều khó khăn, do luật quy định việc tham gia lực lượng dân phòng không phải bắt buộc. Theo đó, có người vào làm vài tháng, được huấn luyện, trang bị nghiệp vụ lại xin nghỉ, người mới vào phải huấn luyện lại, mất rất nhiều thời gian, kinh phí, trong khi chất lượng hoạt động lại không hiệu quả”, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ - Công an TPHCM (PC07) chia sẻ.

Cũng theo vị này, mức hỗ trợ cho lực lượng dân phòng rất thấp, đội trưởng - đội phó được hỗ trợ 25% lương cơ sở/người/tháng, đội viên không được hỗ trợ. Chính vì vậy rất khó tuyển người tham gia vào lực lượng dân phòng. Nhiều nơi do không tuyển được người trẻ, buộc phải tuyển người lớn tuổi, mà người lớn tuổi thường hoạt động không hiệu quả, thao tác chậm, vụng về trong nghiệp vụ. 

Ngoài ra, theo Phòng PC07, phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trang bị cho lực lượng dân phòng còn thô sơ, chưa có phương tiện cơ giới như máy bơm chữa cháy, xe chữa cháy nhỏ… Hầu hết lực lượng dân phòng đều sinh hoạt chung với ban điều hành khu phố hoặc không có nơi làm việc. “Những bất cập trong hoạt động của lực lượng dân phòng làm giảm hiệu quả trong công tác PCCC cơ sở. Bởi, trong PCCC, ý thức phòng cháy của người dân, lực lượng nghiệp vụ chữa cháy nhanh - hiệu quả là 2 yếu tố quyết định. Dân phòng là lực lượng nòng cốt để thực hiện tốt 2 yếu tố trên. Do đó, một khi các bất cập trong hoạt động của lực lượng dân phòng chưa được giải quyết, hẳn hiệu quả hoạt động sẽ không cao”, đại diện Phòng PC07 nói.

Theo Công an TPHCM, thành phố hiện có 1.991 đội dân phòng tại các khu phố, ấp với 21.461 đội viên, trong đó thành viên lớn tuổi nhất  là 64 tuổi. Hoạt động của các đội dân phòng đang gặp rất nhiều khó khăn về chính sách hỗ trợ, nghiệp vụ, nhân sự, trang thiết bị…

Tin cùng chuyên mục