Bất cập trong hỗ trợ người khó khăn vì Covid-19

TPHCM đã cơ bản “khóa sổ” chi hỗ trợ đợt 3 vào ngày 7-11. Hiện còn gần 1,5 triệu người dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 đã được thẩm định nhưng chưa được hỗ trợ. Đây cũng là điều nhiều người thắc mắc, vì sao thành phố liên tục có các đợt hỗ trợ quy mô lớn nhưng vẫn có người phản ánh chưa nhận được tiền. Các bất cập này đã được nhận diện khá rõ, xác định giải pháp khắc phục để góp phần đảm bảo chăm lo an sinh kịp thời, chu đáo.
Các quận, huyện trên địa bàn TPHCM chi hỗ trợ đợt 3 cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 tác động. Ảnh: QUỐC HUY
Các quận, huyện trên địa bàn TPHCM chi hỗ trợ đợt 3 cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 tác động. Ảnh: QUỐC HUY

Hỗ trợ cấp bách, áp lực lớn

Vì sao TPHCM có nhiều đợt hỗ trợ với các diện khác nhau, mà không phải một đợt đồng nhất? Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan lý giải, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Thời gian đầu giãn cách, thành phố triển khai hỗ trợ đợt 1, nhưng dịch bệnh kéo dài khiến khó khăn của người dân ngày càng lớn dần. Do đó, sau đợt 1, thành phố bổ sung hỗ trợ đợt 2 và đặc biệt là đợt 3 với số người được hỗ trợ gấp 10 lần đợt 1.

Qua kiểm tra việc hỗ trợ, các đoàn kiểm tra của thành phố đánh giá cao nỗ lực thực hiện của các địa phương. Đặc biệt, cán bộ ở cơ sở vừa dồn sức chống dịch, vừa chi hỗ trợ tới các hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, việc hỗ trợ đợt 1, đợt 2 cơ bản đã xong. Đợt 3 thực hiện hỗ trợ cho hơn 7,6 triệu người và “khóa sổ” vào ngày 7-11, với hơn 6,15 triệu người đã nhận hỗ trợ hơn 6.150 tỷ đồng.

Theo đánh giá, các đợt hỗ trợ được triển khai trong tình thế cấp bách, đối tượng nhận hỗ trợ có nhiều điểm khác nhau, tiêu chí còn chung chung… đã dẫn đến nhiều thắc mắc, thậm chí chưa kín kẽ trong hỗ trợ. Phó Chủ tịch UBND quận 11 Trần Thị Bích Trâm chia sẻ, thời gian thực hiện 3 đợt hỗ trợ đều gấp rút. Trong khi đó, cán bộ cơ sở phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa phòng chống dịch, vừa chăm lo an sinh xã hội trong thời gian giãn cách xã hội với áp lực cao, dẫn đến việc lập danh sách có sai sót, trùng lặp. Lãnh đạo quận Gò Vấp phân tích thêm, tiêu chí “người có hoàn cảnh thật sự khó khăn” chưa được cụ thể nên việc xác định người nhận hỗ trợ đôi khi chưa đồng bộ.

“Áp lực của quận Bình Tân trong đợt dịch vừa qua rất nặng nề, có ngày cao điểm số ca mắc Covid-19 lên tới 2.000 ca. Ở quận, 8/10 phường có chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, trưởng khu phố, tổ dân phố là F0… Trong khi đó, nhiều người dân nhầm tưởng ai cũng được nhận hỗ trợ, nhiều người yêu cầu nhận cả 3 đợt. Thế là người dân phản ánh, thậm chí kéo đến phường phản ứng”, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, thông tin về những khó khăn mà địa phương gặp phải.

Cũng thuộc “vùng đỏ” trong đợt bùng phát dịch lần 4, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND quận 8, cho biết, quận có đông người lao động lưu trú, người dân tự khai thông tin. Trong khi đó, dịch bệnh ở quận rất phức tạp, nhiều nơi phải giăng dây; nhiều tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ khu phố là F0, F1 phải cách ly. Quận không đủ cán bộ cơ sở kiểm soát danh sách kịp thời.

Danh sách hỗ trợ vượt tổng số dân

Một vấn đề xảy ra trong quá trình chi hỗ trợ là trùng lặp danh sách. Tại quận Gò Vấp, có gần 6.000 người trong danh sách trùng lặp với các trường hợp khác hoặc đã chết. May mắn là quận kiểm tra lại, phát hiện từ sớm đa số các trường hợp này nên không chi. Một số ít được chi sai thì địa phương giải thích, người dân đã trả lại tiền. Tại quận 11, qua sàng lọc, quận phát hiện 8.000 trường hợp chi trùng, trong đó 6.000 trường hợp được phát hiện sớm nên không chi. Đối với 2.000 trường hợp đã chi, các phường đang vận động người dân hoàn trả.

Tương tự, quận 6 hiện còn hơn 12.600 người chưa nhận hỗ trợ, trong đó có hơn 3.880 người trùng tên. Theo bà Lê Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UBND quận 6, tình trạng trùng tên, sai đối tượng là do khi lập danh sách người được hỗ trợ chưa đúng và chưa đủ, phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Trong khi đó, đa số người lao động tự do không có số tài khoản ngân hàng, nhiều người đi cách ly hoặc về quê khiến một số phường chưa thể hoàn tất chi hỗ trợ cho tất cả người được phê duyệt.

Hàng ngàn người tự nguyện không nhận hỗ trợ

Đến ngày 16-11, toàn TPHCM vẫn còn gần 1,5 triệu người dân chưa được nhận hỗ trợ đợt 3 dù đã có tên trong danh sách và được thẩm định. Trong đó, nhiều nơi có tỷ lệ chi thấp như huyện Bình Chánh, với 330.000 người đã nhận hỗ trợ (41%) và còn hơn 472.000 người chưa nhận; quận Bình Tân mới chi gần 379.000 người (49%) nhận, còn hơn 390.000 người chưa nhận hỗ trợ. Sở dĩ có tình trạng này là vì ngân sách các địa phương không đủ tạm ứng chi, phải chờ thành phố bổ sung kinh phí.

Trên thực tế, nhiều người dân đã từ chối nhận hỗ trợ để nhường suất cho người khó khăn hơn. Cụ thể, quận Gò Vấp có 1.604 người, quận 6 có 1.224 người, huyện Hóc Môn có hơn 2.300 người tự nguyện nộp trả tiền hỗ trợ do không đúng diện hỗ trợ và từ chối nhận hỗ trợ…

Đặc biệt, một số nơi còn bị phát hiện có số người được duyệt hỗ trợ cao hơn tổng số nhân khẩu tại địa phương. Cụ thể, phường 4 (quận 4) có gần 15.000 người thường trú, tạm trú, nhưng khi rà soát hỗ trợ đợt 3 lại ghi nhận danh sách từ các tổ dân phố gửi với tổng số lên tới 16.100 người. Sau rà soát, có 13.400 người (khoảng 94% dân số của phường) được phê duyệt danh sách hỗ trợ. Tại phường 11 (quận 3), danh sách hỗ trợ là 23.200 người, cao hơn 1.500 người so với tổng số nhân khẩu của phường. Phường 11 phân trần rằng do 2 khu phố phát phiếu khảo sát 2 lần, dẫn tới dữ liệu bị trùng. Phường đã lọc bỏ danh sách trùng lặp.

Đặc biệt tại quận Bình Tân, số liệu danh sách hỗ trợ (hơn 1 triệu người) vượt gần 200.000 người so với thực tế (815.036 người). Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung cho biết, nhận thấy có sai lệch về số liệu, quận phối hợp rà soát, xác định số dân cư trú tại quận là hơn 900.000 người. Song, đây cũng chưa phải con số cuối cùng nên quận tiếp tục xác định cho chính xác.

Trước thực tế này, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, đề nghị quận Bình Tân và các địa phương rà soát, chuẩn hóa danh sách phê duyệt chi hỗ trợ, danh sách thực tế nhận hỗ trợ, danh sách các trường hợp thu hồi, danh sách quyết toán cần khớp với nhau. Cùng với đó là công khai danh sách để người dân giám sát, không tạo sự nghi ngờ trong chi hỗ trợ cho người dân.

Ông LÊ MINH TẤN, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Ứng dụng công nghệ để quản lý, chi hỗ trợ


Qua đợt kiểm tra cho thấy có tình trạng trùng lắp danh sách hỗ trợ và có sự chênh lệch về danh sách hỗ trợ với tổng số dân tại một số địa phương. Điều đó cho thấy cơ sở dữ liệu dân cư, quản lý trên địa bàn chưa thống nhất. Vì thế, các địa phương cần rà soát, nắm kỹ lại số liệu dân cư. TPHCM cũng cần sớm thiết lập dữ liệu dùng chung về quản lý dân cư, sao cho thống nhất từ thành phố tới cơ sở, thậm chí đến khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân để quản lý biến động dân cư thật chuẩn xác. Điều này sẽ góp phần đảm bảo chăm lo an sinh được kịp thời, chu đáo, không trùng lắp và không sót lọt.

Trong bối cảnh TPHCM xây dựng đô thị thông minh và kinh nghiệm từ các đợt hỗ trợ cũng đòi hỏi thành phố cần cải tiến công tác chi hỗ trợ, tăng chi trả qua tài khoản, giảm chi trực tiếp bằng tiền mặt. 


Ông CAO THANH BÌNH, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM: Chấn chỉnh cách giải quyết phản ánh của người dân


Qua kiểm tra cho thấy, nhiều nơi chưa xử lý hết các phản ánh của người dân liên quan tới việc hỗ trợ. Riêng tại quận 8, số lượng phản ánh rất lớn. Quận 8 đã tiếp nhận hơn 34.000 tin, xử lý 28.380 tin, tức còn một số lượng lớn chưa được xử lý.

Kiểm tra hệ thống tin nhắn cho thấy, nhiều trường hợp đề nghị gặp lãnh đạo phường trình bày khó khăn, nhưng không được phản hồi. Đến khi thông tin được chuyển về quận thì quận lại trả lời: “Đề nghị người dân liên lạc UBND phường”!

Người dân đã kiến nghị gặp lãnh đạo phường và chưa được xử lý. Người dân bức xúc mới phản ánh đến đường dây nóng, nhưng dường như quận mặc định một câu tin nhắn là “Đề nghị người dân liên lạc UBND phường”. Cách trả lời như vậy làm bức xúc của người dân tăng thêm. Điều này cho thấy chính quyền các cấp cần phải rà soát và chấn chỉnh ngay chất lượng xử lý tin phản ánh của người dân.

Tin cùng chuyên mục