Bất cập thu phí dịch vụ thoát nước

Trong lúc hệ thống thoát nước trên địa bàn TPHCM chưa đảm bảo, góp phần gây ngập úng ở một số địa bàn mỗi khi mưa lớn, thì Sở Xây dựng TP lại đưa ra phương án thu phí thoát nước. Nhiều tổ chức và cá nhân đã có những ý kiến trái chiều về chủ trương này.

Phí chồng phí

Là cơ sở sử dụng nguồn nước sinh hoạt nhiều, ông Nguyễn Văn Biên, chủ vườn cây cảnh tại xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TPHCM) nói: “Hiện tất cả người dân sử dụng nước sinh hoạt tại TPHCM đã phải đóng 10% phí môi trường cho mỗi m3 nước. Nay thêm giá thoát nước, yêu cầu người dân có trách nhiệm trong việc xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường thì chẳng khác nào phí chồng phí. Việc cân đối sử dụng số tiền này ra sao thì Nhà nước phải có trách nhiệm, không thể thấy thiếu, cần thêm lại tạo ra loại phí mới, bắt người dân đóng”.

Trong điều kiện dịch Covid-19 còn đang diễn biến khó lường, đa số người dân bị tác động rất lớn, một bộ phận bị thiếu việc làm, thất  nghiệp, thậm chí bị mất thu nhập, phải chi tiêu dè sẻn, thì việc đề xuất tăng thu phí xử lý nước thải trong năm 2020 là chưa thật phù hợp. 

Bất cập thu phí dịch vụ thoát nước ảnh 1 Các dịch vụ sử dụng lượng nước lớn như rửa xe sẽ chịu áp lực khi đóng thêm phí thoát nước và xử lý nước thải

Trong văn bản vừa gửi UBND TPHCM và Sở Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) phân tích, kể từ năm 2016, người sử dụng nước sạch đã nộp “phí bảo vệ môi trường đối với nước thải” tính bằng 10% trên giá nước sạch. Theo Quyết định số 24 của UBND TPHCM, thể hiện trách nhiệm của người sử dụng nước sạch, khi xả nước thải thì phải thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo vệ môi trường, góp phần bổ sung nguồn ngân sách Nhà nước về xử lý nước thải.

Ngoài ra, trong hơn 20 năm qua, các dự án nhà ở thương mại, kể cả nhà thấp tầng, nhà chung cư, đều phải xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định và bàn giao tài sản này cho cơ quan chuyên ngành quản lý vận hành. Nhưng hiện nay, có một số dự án chưa bàn giao được công trình xử lý nước thải sinh hoạt cho cơ quan chuyên ngành, nên người dân trong các dự án này đã phải trả chi phí xử lý nước thải 2 lần: lần một là trả chi phí cho chủ đầu tư để vận hành trạm xử lý nước thải; lần hai là đóng phí bảo vệ môi trường thông qua trả tiền nước sạch.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nêu ý kiến, UBND thành phố cần xem xét, chưa nên áp dụng giá dịch vụ thoát nước trong năm nay theo đề xuất của Sở Xây dựng, mà nên giữ nguyên mức thu bằng 10% giá nước sạch như năm 2019, để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình trong tình hình dịch hiện nay.

Cần lộ trình và mức thu hợp lý

Theo phương án giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2024 mà Sở Xây dựng vừa trình có 3 phương án tăng giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Cụ thể: tăng 3% mỗi năm; tăng 5% mỗi năm và trong năm 2020 thu bằng 20% giá nước sạch, mỗi năm tăng thêm 5%.

Theo cơ quan này, phương án 2 là khả thi nhất. Trong năm 2019, Nhà nước thu phí bảo vệ môi trường bằng 10% giá nước sạch, đến năm 2020 sẽ thu phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải bằng 15% giá nước sạch. Năm 2024, mức thu dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải bằng 35% giá nước sạch, là 4.237 đồng. Cộng với lộ trình tăng giá nước, đến năm 2024, người dân sử dụng 1m3 nước sẽ trả khoảng 16.500 đồng (chưa tính thuế VAT).

Theo Sở Xây dựng, nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải được để lại 1% trên tổng số thu thực tế chi trả chi phí dịch vụ đi thu, thực hiện các nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác (nếu có); phần còn lại nộp vào ngân sách Nhà nước để sử dụng các mục đích đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước và các chi phí hợp lệ khác theo quy định hiện hành. Về phương thức thu, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) sẽ căn cứ vào khối lượng nước tiêu thụ hàng tháng của hộ dân thông qua hóa đơn. Dự thảo này áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước) có hoạt động xả nước thải vào hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố. 

Trong khi đó, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM (thuộc Sở Xây dựng) cho biết, đến nay thành phố mới xây dựng, vận hành được 3 nhà máy xử lý nước thải, tổng công suất xử lý 171.000m3/ngày - tương ứng 13% lượng nước thải trên toàn địa bàn. Như vậy, có đến 1,5 triệu m3 nước thải/ngày chưa được xử lý, vẫn đổ ra sông, rạch. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, có 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường gần như không đạt được. Trong các nguyên nhân, có phần do thiếu nguồn vốn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia xã hội học, không phải cứ thiếu vốn là lại đề xuất ngay phương án thu phí, đè nặng lên vai người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, sẽ tác động rất lớn đến đời sống, làm tăng chỉ số giá tiêu dùng do biến động  mặt bằng giá cả. Các đơn vị mang tính an sinh xã hội có sử dụng lượng nước lớn như bệnh viện, trường học… càng thêm áp lực. Do đó, các chuyên gia đề nghị, Sở Xây dựng, UBND TPHCM cần nghiên cứu, xem xét thấu đáo để lộ trình thu, mức thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải hợp tình hợp lý.

Tin cùng chuyên mục