Bất cập quản lý văn hóa

 
Những ngày qua, dư luận xã hội bày tỏ bất bình về việc Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) - Bộ VH-TT-DL cho đăng tải lên website danh sách bổ sung 300 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó có nhiều ca khúc cách mạng, những bài ca đi cùng năm tháng và cả tác phẩm Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam. Trước vụ việc này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chấn chỉnh việc cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc và hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ VH-TT-DL nghiêm túc thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp với bộ và Văn phòng Chính phủ ngày 26-4. Cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ VH-TT-DL rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển; tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Cũng về vấn đề này, ngày 23-5, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái đã ký văn bản số 2198/BVHTTDL-VP gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) yêu cầu: “Các bài hát đã quen thuộc, phổ biến trên thực tế, nếu có nội dung không trái với thuần phong mỹ tục, không xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác…”. Đây có thể coi là một bước tiến trong tư duy quản lý văn hóa vốn bị đánh giá là bế tắc, luẩn quẩn, không theo kịp với thực tế của cuộc sống trong một thời gian dài trước đó.

Thực tế, chuyện cấp phép các bài hát không phải lần đầu gây bức xúc trong dư luận, bởi thủ tục hành chính mang nặng tính “xin - cho” và bởi chính tư duy “không quản được thì cấm”. Chính tư duy cứng nhắc này dẫn tới những quyết định tạm dừng lưu hành đối với bài hát Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương). Không lâu sau đó, chính đơn vị ra văn bản tạm dừng lưu hành đã buộc ra văn bản mới thu hồi lại quyết định trên. Với những người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, những quyết định này là giọt nước tràn ly, làm lộ ra nhiều bất cập trong cách quản lý bài hát nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung.

Phải đến sau khi Bộ VH-TT-DL ra văn bản số 2198 nói trên, Cục trưởng Cục NTBD mới chủ động đứng ra xin lỗi đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để triển khai. Cụ thể, gỡ hơn 300 bài hát mà Cục NTBD vừa cập nhật; nỗ lực sửa chữa các lỗi kỹ thuật của website để đưa thông tin tới người đọc thực sự chính xác, không tạo ra sự hiểu nhầm đáng tiếc. Cùng với đó, Cục NTBD khẩn trương phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực NTBD để sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu phát triển của đất nước; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về NTBD để phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước và cũng tạo điều kiện các đơn vị, các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động NTBD trong thời gian tới.
Chia sẻ xung quanh vấn đề này, NSND Vương Duy Biên nhận định: “Công tác quản lý văn hóa cũng là một nghệ thuật”. Làm thế nào để đảm bảo tốt về nội dung nhưng phải linh hoạt trong việc xử lý, như thế mới đảm bảo sự phát triển. Thời xưa, cái gì quản không được thì cấm, bây giờ đòi hỏi bản thân người quản lý phải nâng tầm tư duy để theo kịp cuộc sống. Những bài hát có nội dung đi ngược lại đường lối chính sách của dân tộc thì không được phổ biến, còn những bài hát có nội dung tốt có quyền được tồn tại, được hát. Công chúng lại càng có quyền thưởng thức những tác phẩm nội dung tốt, có giá trị. Đồng tình với quan điểm này, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội cho rằng, việc cấp phép các bài hát nổi tiếng, có đời sống bền bỉ trong công chúng, đã tồn tại qua bao nhiêu thế hệ là việc làm mất thời gian, vô bổ. Thay vì cấm đoán, hãy dành nhiều thời gian xây dựng các chiến lược phát triển âm nhạc. 

Văn bản quản lý do chính con người tạo ra. Khi xã hội vận động và phát triển thì không thể cứ vin vào cái đã cũ kỹ, lỗi thời để đưa ra những quyết định không còn phù hợp với cuộc sống. Thay vì viện dẫn nghị định, thông tư một cách cứng nhắc thì nên tiếp thu, lắng nghe một cách cầu thị để kịp thời tham mưu, sửa đổi văn bản để quyền lợi và nhu cầu hưởng thụ văn hóa chính đáng của người dân không bị ảnh hưởng. 

Tin cùng chuyên mục