Bất an với shipper

Hiện nay, người dân tham gia giao thông trên đường không khó để bắt gặp những người giao hàng (hay còn gọi là shipper) lái xe chở hàng cồng kềnh, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn tín hiệu, sử dụng điện thoại để gọi hay nhắn tin… Hành vi của các shipper vi phạm an toàn giao thông, nhiều trường hợp vi phạm dẫn tới va chạm, gây tai nạn cho người đi đường.
Shipper chở hàng cồng kềnh trên đường phố TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Shipper chở hàng cồng kềnh trên đường phố TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Phóng nhanh, vượt ẩu 

Trên các tuyến đường, con hẻm của TPHCM, nơi nào cũng thấy xuất hiện các shipper của nhiều hãng khác nhau. Một số shipper tuân thủ luật giao thông, nhưng đa phần vẫn vi phạm, gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông trên đường.

Anh Nguyễn Công Luận (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, mỗi ngày khi lái xe di chuyển trên đường thì shipper là nỗi sợ hãi của anh. Anh và người thân từng là nạn nhân của những shipper trong các vụ va chạm. Cách đây vài ngày, anh cùng gia đình đi xe ô tô rời TPHCM để trở về quê nghỉ lễ. Khi di chuyển trên đường, anh bắt gặp cảnh shipper không chỉ phóng nhanh mà còn sử dụng điện thoại khi đang chạy xe. Thậm chí, có những shipper còn đọc tin nhắn để xem thông tin khách hàng khi đi xe với tốc độ cao. Nhiều shipper chở hàng hóa khá cồng kềnh di chuyển nhanh, vượt đèn tín hiệu hay băng ngang trước đầu xe anh. Quá trình di chuyển từ TPHCM ra tỉnh Bình Dương, dù anh Luận đi khá cẩn thận nhưng vẫn nhiều lần va chạm nhẹ với shipper chở hàng, dẫn tới xe ô tô bị trầy xước…

Anh Luận chia sẻ: “Biết đây là nghề giúp nhiều lao động có thêm việc làm, nhưng tôi nghĩ bất cứ nghề gì cũng cần nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật; đặc biệt là nghề shipper, vì nó liên quan trực tiếp đến an toàn tính mạng của mọi người và chính bản thân shipper khi tham gia giao thông trên đường”.

Chị Nguyễn Thị Hiền (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) kể, mỗi ngày khu vực chị sống có hàng trăm shipper giao hàng cho người dân. Dù khu dân cư đông đúc có người già, trẻ em nhưng các shipper vẫn phóng nhanh, vượt ẩu. Thậm chí nhiều shipper chở hàng cồng kềnh, vừa đi vừa dán mắt vào điện thoại. Đã xảy ra nhiều vụ va chạm giữa người dân với các shipper tại khu vực chị sống.

“Tôi mong những người làm nghề giao hàng cần thực hiện nghiêm túc quy định về an toàn giao thông để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng”, chị Hiền bày tỏ.

Cần xử phạt nghiêm 

Thiếu tá Phan Phạm Anh Tài, Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an quận 3 (TPHCM), thông tin, hiện nay tình trạng shipper chở hàng hóa cồng kềnh, phóng nhanh, vượt đèn đỏ hay đọc tin nhắn, nghe điện thoại... trong lúc lái xe diễn ra thường xuyên trên đường. Mặc dù chưa gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nhưng các vụ va chạm giao thông giữa shipper và người đi đường đã diễn ra. Do đó, ý thức tham gia giao thông của mỗi người dân và mỗi shipper nói riêng là giải pháp đẩy lùi tai nạn giao thông. 

Thời gian qua, đơn vị chủ động công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đảm bảo khép kín tuyến, địa bàn trọng điểm, tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn, ùn tắc giao thông. Nhất là hành vi vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, chở quá số người quy định. Đặc biệt, đơn vị chủ động tuyên truyền về việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ với các shipper. Trong đó có việc các shipper không được chở hàng hóa cồng kềnh, cơi nới; sử dụng phương tiện không đạt yêu cầu trong quá trình vận chuyển; sử dụng điện thoại khi lái xe… Những tháng đầu năm 2022, đơn vị đã tiến hành kiểm tra xử lý nhiều trường hợp shipper vi phạm như vượt đèn đỏ, chở hàng hóa cồng kềnh… Từ ngày 15-12-2021 đến ngày 5-5-2022, đơn vị xử phạt 1.780 vụ vi phạm an toàn giao thông.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TPHCM, cho biết, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông không chỉ xuất hiện ở shipper, mà còn xuất hiện nhiều ở một bộ phận người dân chủ động vận chuyển hàng hóa từ nơi mua hàng về nhà. Vì vậy, đơn vị chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường xử lý đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự. Đặc biệt chú trọng đối với các shipper vận chuyển hàng hóa và tài xế xe ôm công nghệ. 

Phó Trưởng Phòng PC08, Công an TPHCM, nhấn mạnh, sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu sử dụng dịch vụ xe ôm công nghệ vận tải hành khách và giao hàng (đồ ăn, thức uống, vật phẩm, hàng hóa) cũng tăng dần trở lại. Trước tình hình đó, đơn vị đã chủ động tuyên truyền đến người điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự, tập trung ở những shipper và xe ôm công nghệ. Cụ thể, đơn vị đã thực hiện 69 bài viết, 6 tin trên Trang Thông tin điện tử PC08, Cổng Thông tin điện tử Công an TPHCM và trên báo chí, truyền thông; thực hiện 17 đợt tuyên truyền trực tiếp với hơn 2.500 lượt người dân tham gia.

Phòng PC08 cho biết, 4 tháng đầu năm 2022, đơn vị xử lý 8.597 trường hợp chở hàng cồng kềnh, vượt quá khổ giới hạn quy định; 4.077 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, lưu thông ngược chiều; 926 trường hợp vi phạm sử dụng ĐTDĐ, thiết bị âm thanh. Riêng đối với số trường hợp chở hàng cồng kềnh, vượt quá khổ giới hạn quy định được phát hiện trong 4 tháng đầu năm (8.597 trường hợp) đã cao hơn cả năm 2021 (6.900 trường hợp) gần 25%.

Tin cùng chuyên mục