Bất an với chất lượng tôm giống

Bên cạnh các yếu tố về môi trường, thời tiết… thì tôm giống quyết định đến 50% thành bại của một vụ nuôi tôm. 
​ Sau khi phát hiện tôm thẻ chân trắng chậm lớn, công ty cung ứng giống đã thay giống mới cho người nuôi ở Hà Tĩnh. Ảnh: DƯƠNG QUANG
​ Sau khi phát hiện tôm thẻ chân trắng chậm lớn, công ty cung ứng giống đã thay giống mới cho người nuôi ở Hà Tĩnh. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Do chất lượng nguồn giống cung cấp không đảm bảo, con giống chưa được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng tôm chậm lớn,  dịch bệnh đang xảy ra ở nhiều nơi tại Hà Tĩnh.
Phấp phỏng với con tôm
Thời gian gần đây, hàng chục hộ nuôi tôm tại tỉnh Hà Tĩnh đang lo lắng vì tôm thẻ chân trắng không phát triển, còi cọc, giảm năng suất và sản lượng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng (ở xã Thạch Long, huyện Thạch Hà) cho biết đầu vụ ông mua 50 vạn con tôm giống thẻ chân trắng của Công ty CP Thủy sản Thông Thuận về thả nuôi theo hình thức thâm canh và quảng canh. Nhưng lứa tôm lần này khác xa so với những lứa trước đó, tôm nuôi rất chậm lớn, èo uột, còi cọc. Sau 3 tháng thả nuôi, ông chỉ thu hoạch được 1,3 tấn tôm (giảm 1,7 tấn so với các vụ trước), thiệt hại ước tính trên 70 triệu đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Cảnh cho biết, bình quân trọng lượng tôm nuôi lấy giống từ Công ty CP Thủy sản Thông Thuận sau 3 tháng thu hoạch phải hơn 150 con mới đạt được 1kg, thậm chí có mẻ tôm lên đến 300-400 con/kg. Trong khi đó, tôm của một số doanh nghiệp khác thu hoạch đạt trọng lượng 80-90 con/kg, nơi nào kém cũng chỉ 120 con/kg… Vì tôm quá nhỏ nên giá bán chỉ được từ 35.000 - 65.000 đồng/kg, tính ra vụ tôm này, gia đình ông Cảnh lỗ gần 100 triệu đồng. 
Tại huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) gần 80 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 107,5ha, trong đó có 18 hộ với 17,2ha thả nuôi tôm giống của Công ty CP Thủy sản Thông Thuận. Theo đánh giá, vụ sản xuất vừa qua nhìn chung các hộ mua tôm giống của công ty này hầu hết tôm chậm phát triển, năng suất kém hơn. Ước tổng thiệt hại gần 3 tỷ đồng; sản lượng giảm 40% so với những năm trước. 
Tại tỉnh Quảng Ngãi, ngay trong đầu vụ 1, toàn tỉnh có khoảng 20ha hồ nuôi tôm bị chết khi vừa thả nuôi, chủ yếu ở huyện Đức Phổ và huyện Bình Sơn với các bệnh chính là hoại tử gan tụy cấp tính, đốm trắng, phân trắng… Ngoài các nguyên nhân thời tiết, môi trường vùng nuôi chưa ổn định, mầm bệnh vẫn còn tiềm ẩn…, thì chất lượng tôm giống chưa được kiểm soát, giống kém dẫn đến bệnh.
Ông Nguyễn Trung Thông (Giám đốc HTX xã Bình Đông, huyện Bình Sơn), cho biết: “Xã Bình Đông thả nuôi hơn 12ha tôm thẻ chân trắng, trong đó diện tích 6ha vùng phía gần khu vực sông, người dân thả nuôi giống tôm không có nguồn gốc, hay gọi “tôm chợ”, bán qua thương lái, dẫn đến vụ nuôi tỷ lệ tôm chỉ đạt 20%”. Hiện tại, giá tôm có thương hiệu tại các công ty, cơ sở phân phối đến 900.000 đồng/vạn, trong khi giá tôm chợ chỉ 400.000 đồng/vạn. Nhiều người nuôi chủ quan, không kiểm dịch, lựa chọn giống, dẫn đến sản lượng tôm thấp.
Khó quản lý chất lượng tôm giống
Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của các địa phương tôm nuôi chậm lớn, èo uột, chi cục đã cử các đoàn xuống kiểm tra, lấy mẫu gửi cơ quan chức năng xét nghiệm, khi có kết quả chính xác, chi cục sẽ kiến nghị giải pháp cụ thể. Còn giải pháp trước mắt đối với người dân là phía công ty cung ứng giống sẽ thỏa thuận hỗ trợ thiệt hại và hỗ trợ vụ mùa tôm mới.
Trên thực tế, việc kiểm soát chất lượng tôm giống hiện nay rất khó khăn, các công ty đa số chỉ làm việc với các chủ hồ nuôi để cung ứng giống. Nhiều tỉnh không có điều kiện sản xuất tôm giống buộc phải nhập, hoặc mua trung gian.
Thống kê từ Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, số lượng giống tôm thẻ chân trắng thả nuôi từ đầu năm đến nay gần 476 triệu con, đa số giống thả nuôi được nhập từ các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa...
Qua tìm hiểu của phóng viên, mặc dù tại tỉnh Quảng Ngãi có 2 trạm kiểm dịch thú y nhưng các trạm này từ lâu đã không còn chức năng kiểm dịch đối với tôm giống thẻ chân trắng, tôm vào đến địa bàn đa phần không qua kiểm dịch. Khi xảy ra tình trạng tôm chết, các hộ không xuất trình được giấy kiểm dịch, không báo cáo chính quyền địa phương, dẫn đến không nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước.
Bà Đỗ Thị Thu Đông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Trung bình mỗi năm toàn tỉnh cần 1,3 tỷ tôm giống, hiện chỉ có 2 trại phân phối giống tôm thẻ chân trắng, nhưng chỉ đáp ứng được 10% số lượng”.
Theo bà Đông, các trại này chủ yếu mua con giống cỡ Nauplius hoặc Postlasvar từ các tỉnh bạn về ươm lên giống bán cho hộ nuôi. Một số khác, người nuôi tự tìm kiếm để mua giống hoặc nhân viên thị trường các công ty đến làm việc với chủ hồ nuôi, dẫn đến việc kiểm soát chất lượng tôm giống rất khó khăn.
Tỉnh Quảng Ngãi và Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều khuyến cáo với người nuôi trong vụ mới, cần cải tạo lại ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời cũng để tránh thời tiết nắng nóng, gây bất lợi cho tôm nuôi; người nuôi nên mua giống tại các cơ sở sản xuất giống có uy tín, có kiểm dịch con giống đầy đủ; thả nuôi với mật độ phù hợp… Tỉnh tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương thực hiện thả nuôi đúng lịch thời vụ, theo dõi tình hình nuôi tại địa phương, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý khi xuất hiện dịch bệnh, chậm phát triển.

Tin cùng chuyên mục