Bấp bênh thanh long truyền thống

Cách đây khoảng hơn 1 tháng, người trồng thanh long theo phương thức truyền thống ở “thủ phủ thanh long” Bình Thuận đã không cầm được nước mắt khi hàng chục tấn thanh long chín đỏ vườn nhưng không biết bán cho ai. Sau đợt rớt giá, hiện giá thanh long đã tăng cao trở lại nhưng người dân vẫn đứng ngồi không yên vì lo lắng tình cảnh được mùa, mất giá sẽ tái.
Để không còn tái diễn tình trạng thanh long phải chặt bỏ, người dân cần thay đổi phương thức sản xuất
Để không còn tái diễn tình trạng thanh long phải chặt bỏ, người dân cần thay đổi phương thức sản xuất

Cách đây hơn 1 tháng, gia đình bà Nguyễn Thanh Thùy (ngụ xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) đã phải cắn răng dùng dao chặt bỏ hàng chục tấn thanh long vì bán không ai mua. Sau đợt này, gia đình bà Thùy tiếp tục đầu tư tái sản xuất với hy vọng giá thanh long sẽ tăng cao để có tiền trang trải những khoản nợ mà gia đình đã đầu tư cho vụ mùa trước.

Nhìn vườn thanh long chong đèn nghịch vụ đang cho trái gần đến kỳ thu hoạch, bà Thùy lo lắng: “Giá thanh long hiện tại đã tăng lên gần 20.000 đồng/kg, nhưng không biết trong những ngày tới sẽ ra sao. Làm thanh long theo kiểu truyền thống như chúng tôi, giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, lời ăn, lỗ chịu chứ không thể nào đoán trước được điều gì”. 

Trong khi đó, ông Nguyễn An Ninh (ngụ xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận, Nam, tỉnh Bình Thuận) cũng đứng ngồi không yên khi giá thanh long tăng cao nhưng vườn của ông lại chưa đến kỳ thu hoạch. Ông Ninh chia sẻ: “Vụ mùa trước, tôi đi thuê vườn để làm thanh long nhưng không may bị thua lỗ. Gia đình chủ vườn thương cảm cho thuê lại, nhưng tôi đang rất lo, không biết đến khi vườn được thu hoạch, giá thanh long có còn cao nữa hay không”.

Một số nhà vườn thanh long khác ở Bình Thuận cũng thừa nhận, việc sản xuất theo phương thức truyền thống, tức là “mạnh ai nấy làm”, ít chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đang khiến ngành nghề này ngày càng trở nên bấp bênh.

Theo ông Phạm Hữu Thủ, Chánh Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, hiện nay hơn 80% sản lượng thanh long của địa phương chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Hiện thị trường này chưa đòi hỏi nhiều về các quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nên nhiều bà con sản xuất theo phương thức truyền thống, ít chú trọng đến việc sản xuất thanh long sạch, an toàn mà chỉ chú trọng làm sao cho trái thanh long to, đẹp để dễ bán. 

Lý giải về điều này, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho rằng, từ trước đến nay, việc thanh long bị rớt giá đều là hàng sản xuất theo phương thức truyền thống, còn thanh long sạch, an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt) luôn bán được với giá cao. Từ thực tiễn trong đợt thanh long rớt giá thảm hại vừa qua, trong khi nhiều nhà vườn sản xuất thanh long theo phương thức truyền thống ở Bình Thuận không thể bán được hàng, thì một số công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) liên kết với nông dân tổ chức sản xuất theo hướng sạch, an toàn vẫn bán được với giá cao, thậm chí không có đủ hàng để cung cấp.

Ông Huỳnh Văn Tấc (thành viên của HTX Thanh long GlobalGAP Thuận Tiến, xã Hàm Liêm), cho biết: “Khi ấy, nhiều nhà vườn bên cạnh nhà tôi phải chặt bỏ trái vì không ai mua thì hơn 3.000 trụ thanh long của gia đình tôi sản xuất theo quy trình GlobalGAP vẫn bán được giá. Không chỉ tôi, mà các thành viên trong tổ HTX khá yên tâm, chỉ việc lo sản xuất cho tốt”. 

Ông Võ Huy Hoàng, Giám đốc Công ty Rau quả Bình Thuận, chia sẻ: “Nhờ sự liên kết với các hộ dân ở địa phương sản xuất thanh long theo hướng an toàn, thời gian qua chúng tôi mua được nguồn hàng ổn định với giá cao cho bà con, không chỉ đời sống của người dân được cải thiện mà thanh long Bình Thuận cũng đã có mặt ở những thị trường khó tính”.

Theo ông Hoàng, hiện tại mỗi năm công ty xuất khẩu hơn 9.000 tấn thanh long đạt tiêu chuẩn đến 7 thị trường khó tính trên thế giới như: Canada, UAE, Singapore. 

Để thanh long truyền thống không còn bấp bênh, theo ông Phạm Hữu Thủ, vấn đề đặt ra hiện nay là phải định hướng phát triển thanh long theo hướng bền vững, gắn thâm canh, tăng năng suất, nâng chất lượng với đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm để mở rộng thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Đồng thời, tích cực vận động người trồng tham gia các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất thanh long theo chuỗi và coi đây là khâu then chốt giúp tiêu thụ thanh long được ổn định. Ngoài ra, cần khuyến cáo người trồng sản xuất rải vụ, tránh khủng hoảng thừa cục bộ; đặc biệt tăng cường xuất khẩu chính ngạch cần được chú trọng.

Tin cùng chuyên mục