Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục

Gần đây, nhiều câu chuyện về bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em đang nhận được sự quan tâm của dư luận, buổi trò chuyện nhân dịp ra mắt Sổ tay Xử lý nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục (NXB Tổng hợp TPHCM) đến từ các chuyên gia và giới chuyên môn tại Đường sách TPHCM sáng 23-1 được xem là hữu ích và kịp thời. 

Tham gia trò chuyện trong chương trình là Luật sư Lê Ngọc Luân, LS Võ Thị Anh Loan và TS Phạm Thị Thúy. Đây cũng chính là nhóm tác giả đã dày công thực hiện Sổ tay Xử lý nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục với mong muốn chia sẻ đến cộng đồng một công cụ hữu ích về pháp lý cũng như những gợi ý từ chuyên gia tâm lý để xử lý khẩn cấp khi nghi ngờ, phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục.

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội ghi nhận số liệu chính thức có 6.432 trẻ em bị xâm hại tình dục giai đoạn 1-1-2015 đến 30-6-2019 trên cả nước, trung bình cứ khoảng 8 giờ đồng hồ lại có một đứa trẻ bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, quá trình đưa tội phạm xâm hại tình dục ra ánh sáng có thể kéo dài, hoặc gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân mà một số trong đó là gia đình nạn nhân không thực hiện đầy đủ quy trình thu thập, giao nộp chứng cứ, trình báo, tố cáo kịp thời theo quy định của pháp luật.

Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục ảnh 1 Các khách mời tham gia trong chương trình. Từ phải qua: TS Phạm Thị Thúy, LS Võ Thị Anh Loan và LS Lê Ngọc Luân 
Từ quan sát thực tế, hai luật sư Lê Ngọc Luân và Võ Thị Anh Loan đã cùng nhau chấp bút với mong muốn trang bị cho người đọc thêm một công cụ pháp lý để xử lý khẩn cấp khi nghi ngờ, phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục. Bằng kinh nghiệm đấu tranh thành công một số vụ án xâm hại tình dục trẻ em, nhóm tác giả tin rằng hoạt động điều tra sẽ hiệu quả hơn nếu như gia đình nạn nhân được trang bị những hiểu biết cơ bản về quy trình tố tụng, chủ động thu thập, tìm kiếm chứng cứ, bảo vệ hiện trường, kịp thời cung cấp thông tin hữu ích cho cơ quan điều tra theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đòi hỏi pháp luật trừng phạt tội phạm vi xâm hại tình dục trẻ em, vấn đề cấp thiết không kém là chăm sóc nạn nhân từng bước vượt qua biến cố. Phần hai của sổ tay do TS Phạm Thị Thúy đảm nhận, mang đến một số gợi ý nhằm định hướng một số cách thức cơ bản, chủ động làm bạn đồng hành cùng trẻ trong hành trình chữa lành tổn thương nếu chưa có điều kiện đưa trẻ điều trị với bác sĩ tâm lý.

Không điều tra nên không có một số liệu cụ thể nhưng qua những câu chuyện từ chính thân chủ cũng như từ đồng nghiệp chia sẻ, TS Phạm Thị Thúy cho biết, số lượng người giấu sự việc là phần lớn; số lượng công khai, kiên quyết đòi công lý cho con thực sự ít.

Điều này xuất phát từ tâm lý người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung còn e ngại khi nói chuyện tình dục, nhất là xâm hại tình dục, không nghĩ mình là nạn nhân.

"Tội phạm xâm hại tình dục cũng như câu chuyện xâm hại tình dục rất phức tạp, làm sao để chúng ta truyền thông cho xã hội hiểu kẻ xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại tình dục nói chung là một tội phạm rất nghiêm trọng, buộc phải xử lý thích đáng để chấm dứt càng sớm càng tốt hành vi xấu xa của họ.

Vì chúng ta biết, một người xâm hại tình dục một đứa trẻ nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời họ sẽ xâm hại nhiều đứa trẻ khác và xâm hại trong nhiều thời gian nữa. Nếu không nhận thức đúng về nạn nhân và kẻ thủ ác, sẽ còn rất nhiều vụ việc đau lòng”, TS Phạm Thị Thúy bày tỏ.

Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục ảnh 2 Cuốn sổ tay được phát miễn phí, như một món quà của những người thực hiện gửi tới cộng đồng nhằm chia sẻ những thông tin hữu ích liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em
Có một số liệu cho thấy, hơn 80% nạn nhân bị xâm hại tình dục là bé gái, có gần 20% là bé trai. Và thực tế, khi đặt vấn đề xâm hại tình dục, chúng ta nói đến trẻ nữ chứ không nói đến trẻ em, trong khi thực tế cho thấy trẻ nam cũng bị xâm hại. LS Lê Ngọc Luân cho rằng, ông chưa thấy một hội thảo hay chuyên đề nào về xâm hại tình dục trẻ em nam mà chỉ đang nói chung chung. Và trong các buổi hội thảo, chuyên đề đó cũng chỉ đề cập đến trẻ em nữ.

“Tôi cho rằng, điều này cần phải khơi lên, cơ quan thực thi luật pháp, các tổ chức bảo vệ trẻ em cần phải có những chuyên đề và phương án để bảo vệ cho trẻ em nam. Đây là vấn đề mà chúng tôi rất trăn trở”, LS Lê Ngọc Luân cho biết. 

Ngoài trang bị công cụ pháp lý cho người đọc, những người thực hiện cũng kỳ vọng sổ tay trở thành tài liệu tham khảo thiết thực đối với những tổ chức, cá nhân hoạt động vì cộng đồng. Chính vì vậy, sổ tay sẽ được tặng miễn phí đến những tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Để nhận Sổ tay Xử lý nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục, độc giả có thể liên hệ qua số điện thoại: 02873068568 (giờ hành chính). Đây cũng là số điện thoại hỗ trợ tư vấn miễn phí những vấn đề pháp lý liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em dành cho những người có nhu cầu.

Tin cùng chuyên mục