Bảo vệ thương hiệu: Không để ''nước đến chân mới nhảy''

Việc doanh nghiệp bị đánh cắp thương hiệu đã và đang là hồi chuông cảnh báo cho các doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Kẹo dừa Bến Tre và nhiều thương hiệu Việt được bày bán trong siêu thị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Kẹo dừa Bến Tre và nhiều thương hiệu Việt được bày bán trong siêu thị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cà phê Meet More của Việt Nam vừa chật vật kiện tụng để lấy lại thương hiệu tại Hàn Quốc, hay trước đó cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre… cũng vất vả “đòi” lại thương hiệu ở thị trường quốc tế, là những bài học đắt giá về bảo hộ thương hiệu. Số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) ước tính, các nhãn hiệu đăng ký trong nước khoảng 50.000 đơn/năm, nhưng chỉ 280 đơn trong số này yêu cầu đăng ký quốc tế. 

Bảo hộ ngay khi thành lập doanh nghiệp

Chia sẻ về việc bảo hộ thương hiệu, bà Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Quảng Thanh (chuyên sản xuất, xuất khẩu bột rau má, sen…), cho rằng, việc doanh nghiệp (DN) bị đánh cắp thương hiệu đã và đang là hồi chuông cảnh báo cho các DN Việt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Để phòng ngừa rủi ro, DN đã tự đánh giá lại mức độ tin tưởng, hợp tác của đối tác.

Cụ thể, công ty đã “chọn mặt gửi vàng” khi làm việc với đối tác có hơn 30 năm kinh nghiệm phân phối hàng hóa, có thương hiệu riêng nên khá yên tâm. Bên cạnh đó, chú ý đến đối thủ của đối tác nhằm dự phòng các rủi ro. Tiếp đến, khi phân phối hàng hóa ở thị trường nào công ty sẵn sàng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường đó.

“Hiện sản phẩm Quảng Thanh đã có mặt tại hàng chục quốc gia ở châu Âu, Mỹ… 5 năm qua, chúng tôi không ngừng nỗ lực quảng bá sản phẩm Việt Nam ra thế giới và được bạn bè quốc tế từng bước chấp nhận, yêu thích. Tuy vậy, chi phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm tại thị trường châu Âu khá lớn đối với DN nhỏ như Quảng Thanh”, bà Nguyễn Ngọc Hương chia sẻ.

Ông Hà Quốc Anh, Giám đốc Công ty Baka Food (sản xuất, kinh doanh nước mắm cá linh các loại), nhìn nhận, người Việt đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ thương hiệu DN, đặc biệt là các bạn trẻ khởi nghiệp. Họ có kế hoạch đăng ký bảo hộ thương hiệu ngay khi DN chuẩn bị “ra lò”. Trên thị trường hiện có nhiều công ty tư vấn, xây dựng thương hiệu, sẵn sàng hỗ trợ từ A tới Z cho DN mới nên khá tiện lợi. Baka Food đã đăng ký độc quyền thương hiệu trong nước và quốc tế được 6 tháng. Toàn bộ chi phí cho đội ngũ luật sư tư vấn trọn gói khoảng 18 triệu đồng.

“Mức phí này phụ thuộc vào từng lĩnh vực, ngành, từ khóa thương hiệu”, ông Hà Quốc Anh cho hay. 

Bà Nguyễn Ngọc Hoàng Anh, Giám đốc Hana Group (sản xuất, kinh doanh nông sản), chia sẻ kinh nghiệm thương hiệu là tài sản vô giá, yếu tố đem lại sự bền vững của DN. Thế nên trước khi xây dựng một thương hiệu thì phải kiểm tra nhãn hiệu mình muốn đặt tên có thể được bảo hộ ở quốc gia sở tại hoặc một số nước mình muốn hướng đến có được bảo hộ hay không. Nếu bảo hộ được thì chọn nhãn hiệu đó rồi mới tiến hành các bước để xây dựng thương hiệu. Đồng thời, luôn có một đội ngũ luật sư để hỗ trợ pháp lý khi cần thiết.

Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp

 Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc hội nhập sâu rộng giữa Việt Nam với thế giới đã mở ra cơ hội lớn cho DN trong nước, nhưng cũng tiềm ẩn hàng loạt rủi ro. Điển hình như một số vụ kiện đòi thương hiệu nêu trên.

Theo chia sẻ của lãnh đạo cà phê Meet More thì DN này bị chính đối tác phân phối sản phẩm của công ty ở Hàn Quốc lấy mất nhãn hiệu. May mắn, qua nhiều lần thương thảo, Meet More đã lấy lại được thương hiệu.

Bà Nguyễn Ngọc Hương kiến nghị: “Để tìm được luật sư giỏi, am hiểu lĩnh vực sở hữu trí tuệ không nhiều, điều này vô tình cũng là rào cản đối với DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp. Vì thế, Cục Sở hữu trí tuệ cần cung cấp đa dạng thông tin hơn về bảo hộ thương hiệu để các DN nhỏ, siêu nhỏ tìm được những thứ mình cần”. 

Theo ông Nguyễn Viết Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, môi trường thương mại điện tử tuy phong phú, tiện lợi nhưng cũng đem lại không ít phiền toái, phức tạp như tình trạng phổ biến là giả, nhái thương hiệu; thậm chí đánh cắp thương hiệu của những DN chậm chân đăng ký bảo hộ thương hiệu.

Các DN có thể tìm kiếm thông tin qua nhiều kênh khác nhau, gồm Cục Sở hữu trí tuệ, Trung tâm Trọng tài thương mại, luật sư chuyên ngành… để được tư vấn về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước và quốc tế. Chẳng hạn khi nào nên đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài, vì trên thế giới về cơ bản sử dụng 2 nguyên tắc nộp đơn khi đăng ký nhãn hiệu là ưu tiên nộp đơn đầu tiên và sử dụng đầu tiên. Nguyên tắc này được hiểu, trong trường hợp có nhiều chủ đơn cùng đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự nhau thì đơn có ngày nộp đầu tiên sẽ được chấp nhận bảo hộ.

“Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến DN về việc bảo hộ thương hiệu, tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy. DN cũng nên sử dụng tem truy xuất để giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện thương hiệu”, ông Nguyễn Viết Hồng khuyến cáo.

Tin cùng chuyên mục