Bảo vệ tài sản quốc gia

Đại dịch Covid-19 hoành hành hơn một năm qua khiến thị trường việc làm và người lao động trên thế giới phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu trong năm 2020 tăng 1,1%, tương đương 33 triệu người, nâng tổng số người không có việc làm trên thế giới lên 220 triệu người.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đã công bố báo cáo cho biết tỷ lệ thất nghiệp hoàn toàn của Nhật Bản năm 2020 là 2,8%. Ảnh: NIKKEI
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đã công bố báo cáo cho biết tỷ lệ thất nghiệp hoàn toàn của Nhật Bản năm 2020 là 2,8%. Ảnh: NIKKEI

Ở một khía cạnh khác, dịch Covid-19 cũng gây những rủi ro đáng kể, đe dọa sự an toàn và sức khỏe của người lao động, trước hết là nguy cơ nhiễm bệnh. Ngoài lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, nhiều nơi làm việc khác cũng đã và đang trở thành nguồn lây lan virus SARS-CoV-2 khi người lao động phải làm việc trong những môi trường khép kín và tiếp xúc gần.

Trong khi đó, không phải doanh nghiệp hay người lao động nào cũng có thể lựa chọn phương án làm việc từ xa để tránh rủi ro, nhất là tại các nước đang phát triển. Theo ILO, khoảng 70% số người lao động Mỹ Latinh không có điều kiện làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch bùng phát. Do đó, họ buộc phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2  nếu không muốn rơi vào cảnh thất nghiệp. 

Nhân 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1886 - 1-5-2021), ILO kêu gọi tập trung vào những chiến lược nhằm bảo vệ việc làm cho người lao động và xây dựng khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Theo ILO, để đối phó với những hậu quả của vòng xoáy dịch bệnh, các quốc gia nên dành khoản hỗ trợ đặc biệt cho những nhóm và lĩnh vực chịu tác động nghiêm trọng nhất.

Bên cạnh đó, cần triển khai những hệ thống an toàn sức khỏe nghề nghiệp đảm bảo và có sức chống chịu tốt nhằm giảm thiểu rủi ro cho mọi người khi xảy ra những tình huống y tế khẩn cấp. Hệ thống này cần được tích hợp trong các kế hoạch tổng thể của quốc gia về công tác chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó các tình huống khủng hoảng khẩn cấp để bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của người lao động, cũng như đảm bảo hoạt động liên tục của doanh nghiệp. 

Tổng Thư ký Hiệp hội Công nhân vận tải quốc tế (ITF) Stephen Cotton nhận định, việc ILO công nhận vấn đề bảo đảm sức khỏe và an toàn nghề nghiệp như một quyền cơ bản tại nơi làm việc sẽ là một bước đi đúng hướng vì người lao động là lực lượng nòng cốt, đi đầu, trực tiếp góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Không có quốc gia nào có thể thành công và thịnh vượng mà không có sự cống hiến của lực lượng lao động. Tất cả những người lao động, bất kể tình trạng việc làm, đều cần được bảo đảm các quyền cơ bản của họ tại nơi làm việc, bởi bảo vệ nguồn lực lao động chính là bảo vệ tài sản quốc gia.

Tin cùng chuyên mục