Bảo vệ sức khỏe trong mùa mưa

Theo BS Hoàng Văn Minh, Bệnh viện (BV)  Đại học Y Dược TPHCM, vào mùa mưa, bệnh về da thường xuất hiện do việc tiếp xúc nước mưa và những vật dụng để tránh mưa.

Tùy theo mưa nhiều hay mưa ít và thói quen sử dụng vật dụng tránh mưa như ô dù hoặc áo mưa thì người bệnh sẽ có những biểu hiện bệnh lý về da khác nhau. Đầu tiên là nổi mề đay do tiếp xúc với nước mưa, da của người bệnh sẽ nổi đỏ lên những mảng mề đay như cơm cháy, gây ngứa. Thứ hai là tình trạng viêm da do tiếp xúc không khí có bụi bặm, khí độc, vi sinh… Bên cạnh đó, khi sử dụng ô dù để tránh mưa, những phần cơ thể tiếp xúc với áo mưa hoặc áo mưa che phủ sẽ bị nóng nực và ẩm ướt. Nếu dầm mưa quá lâu, cơ thể sẽ tiết ra mồ hôi làm cho vùng da tại đó bị ẩm ướt. Do đó, những người có sẵn bệnh lý nấm, ghẻ… sẽ khiến bệnh nặng hơn, gây ngứa ngáy, thậm chí lan ra những vùng khác trên cơ thể.

Đối với người béo phì sẽ dễ bị viêm kẽ hoặc hăm kẽ, nếp dưới vú, nách, bẹn. Nguyên nhân gây ra các bệnh lý kể trên là do nguồn nước ngập ở dưới chân trên đường đi, ngoài nước mưa còn có nước cống, nước thải của người và súc vật. Bên cạnh đó, tình trạng lớp sừng bảo vệ của da sau khi ngâm nước giãn nở, tạo điều kiện cho các tác nhân này thâm nhập qua da gây nhiễm trùng, nhiễm nấm; thậm chí gây ra bệnh ký sinh trùng như ấu trùng di chuyển, gây tổn thương da.

Đối với bệnh nấm bàn chân do mang giày dép ướt hoặc do lội trong nước mưa lâu, biện pháp tốt nhất là tránh lội nước, nên đi dép, giày sandal; nếu mang vớ thì sử dụng vớ cotton hơn là vớ len. Lưu ý nữa là khi đi mưa về, bàn chân phải rửa sạch bằng xà phòng và rửa qua 1 lần hoặc tối đa 2 lần là đủ, tránh sử dụng chất xà phòng hoặc chất sát khuẩn ở da quá nhiều. Khi rửa chân thì nên rửa bằng nước ấm, sau đó lau khô. Nếu sử dụng thuốc sát trùng ở ngoài da, nên lưu ý tiền căn có bị dị ứng hay không. Chất sát trùng ngoài da có thể sử dụng như i-ốt, dung dịch màu… đặc biệt là i-ốt tuy có tác dụng điều trị diệt siêu vi, nấm, vi trùng rất tốt, nhưng lại dễ gây dị ứng da.

Đối với những bệnh lý về da do mặc áo mưa thì tốt nhất nên sử dụng áo mưa làm bằng loại vải mát, thông thoáng, cản nước tốt và chỉ mặc những lúc cần thiết. Đối với da đầu, khi tiếp xúc với nước mưa mà đội nón bảo hiểm trong thời gian lâu sẽ dễ tạo điều kiện cho nấm trên da đầu phát triển. Người lớn thì bị gàu, trẻ em thì bị nấm da đầu. Do đó, sau khi đi mưa về cần lưu ý gội đầu sạch sẽ, phơi khô nón, quần áo để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.

Còn theo BS Võ Kim Tuyến - Khoa Hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trong mùa mưa, các bệnh thường gặp như nhiễm trùng hô hấp trên, cảm cúm, cúm mùa, cúm A, sốt xuất huyết, nhiễm virus Zika; những người có bệnh lý nền như hen suyễn, COPD sẽ dễ dàng vào đợt cấp hơn. Trong những trường hợp cảm cúm kéo dài, điều trị không hiệu quả hoặc những người suy giảm miễn dịch, cơ địa suy kiệt sẽ dễ bị viêm phổi. Khi bị cảm cúm, người bệnh thường có các triệu chứng như ớn lạnh, sốt, ho, sổ mũi, chảy nước mũi, nhức đầu; còn đối với người bệnh bị hen, COPD dễ vào đợt cấp có thể cắt được cơn khó thở với thuốc điều trị tại nhà hoặc đôi khi không cắt được cơn khó thở, do đó người bệnh phải nhập viện điều trị. Với những người bệnh bị sốt xuất huyết thì có hội chứng viêm long, thường biểu hiện sốt cao liên tục khó hạ sốt. 

TPHCM đang trong giai đoạn mưa lớn, nhiều người dầm mưa nên thường bị nhức người, ho, sổ mũi, bác sĩ khuyên mọi người nên tăng cường sức đề kháng như ăn rau quả, trái cây có vitamin C, uống nhiều nước, hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ có thể thăm khám và có hướng điều trị phù hợp. 

Tin cùng chuyên mục