Bảo vệ sức khỏe cho con khi học trực tuyến

Dịch Covid-19 kéo dài khiến học sinh nhiều tỉnh thành phải học theo hình thức trực tuyến. Bên cạnh những bất tiện về môi trường học tập, sách vở thiếu thốn, đường truyền mạng không ổn định thì nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe con em, khi nhiều em xuất hiện tình trạng đau tai, nhức mắt, đau đầu. 
Em V.M.K (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Trần Khánh Dư) trong giờ học trực tuyến. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Em V.M.K (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Trần Khánh Dư) trong giờ học trực tuyến. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Lo hư mắt, hại tai

Dù chỉ mới học trực tuyến khoảng 20 ngày, nhưng bé Gia Khang, con trai của chị Lê Thị Hà (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) thường xuyên than đau mắt, nhức đầu. Do điều kiện kinh tế khó khăn, vợ chồng chị Hà không thể mua máy tính cho con, nên bé Gia Khang đành phải học trên màn hình nhỏ xíu của điện thoại di động.

“Nhìn xót lắm, nhưng giờ dịch giã như thế này, chúng tôi không có điều kiện mua máy tính cho con”, chị Hà trăn trở.

Tương tự, anh Hồ Văn Minh (ngụ quận 7, TPHCM) có 2 con năm nay học lớp 6 và lớp 1 mà trong nhà chỉ có một máy tính nên buộc phải để một bé học trực tuyến bằng điện thoại.

“Tôi ưu tiên cháu nhỏ học máy tính, còn cháu lớn học bằng điện thoại, nhưng vẫn lo việc học trực tuyến kéo dài sẽ ảnh hưởng đến mắt của hai cháu. Chưa kể, việc học cùng giờ với nhau buộc các cháu phải đeo tai nghe riêng để tránh ồn ào, cũng lo ảnh hưởng đến tai”, anh Minh băn khoăn. 

Thực tế, trong khi những bất tiện trong quá trình học trực tuyến vẫn chưa được giải quyết thì những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh càng làm nhiều phụ huynh bất an.

Như trường hợp của bé Anh Quân, con anh Lê Đình Hoàng (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM), anh Hoàng kể, con anh lúc mới sinh đã có thị lực yếu, nay phải học trực tuyến liên tục, mắt của con có dấu hiệu bị đỏ, chảy nước mắt... Anh Hoàng băn khoăn, nếu tình trạng này kéo dài thì mắt của con anh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. “Tôi đang chờ các bệnh viện hoạt động lại bình thường để có thể đưa con đi khám”, anh nói.

Theo các bác sĩ, việc sử dụng máy tính, điện thoại, máy tính bảng, tai nghe để học trực tuyến hiện nay sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tai và mắt của học sinh. Trong đó, mắt là bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Bác sĩ Trần Thanh Danh, giảng viên Bộ môn Mắt, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, kiêm Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Nguyễn Trãi, cho biết, việc mắt trẻ phải tập trung trên màn hình máy tính, điện thoại trong thời gian dài dễ gây ra hội chứng khô mắt, mỏi mắt, nóng mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt, thậm chí có lúc bị mờ, nhòa, nhìn không rõ. Đặc biệt, đối với trẻ đã có tật khúc xạ từ trước (cận thị, viễn thị, loạn thị) thì tình trạng sẽ nặng hơn. Đối với việc học trực tuyến bằng điện thoại di động, mức độ tác hại có thể sẽ nhiều hơn vì kích thước màn hình nhỏ. Bên cạnh đó, tai của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu việc đeo tai nghe không đúng cách. 

Chăm sóc, bảo vệ đúng cách

 Để khắc phục tạm thời những tác hại đến mắt của trẻ khi phải học trực tuyến, bác sĩ Trần Thanh Danh khuyến cáo, nên có khoảng nghỉ ngơi hợp lý giữa các tiết học. Cụ thể, theo khuyến cáo của Hội Nhãn khoa Hoa Kỳ, cần tuân thủ nguyên tắc 20-20-20, nghĩa là sau 20 phút nhìn màn hình thì nên nhìn vào một vật nào đó ở xa 20 feet (tương đương khoảng 6m) trong khoảng thời gian 20 giây. Như vậy sẽ giúp nhãn cầu luôn ẩm ướt một cách đồng đều, tránh tình trạng khô mắt, mỏi mắt. 

Bên cạnh đó, phụ huynh cần bố trí bàn học, khu vực học tập của trẻ một cách hợp lý và khoa học. Nên cho trẻ học trên các thiết bị có màn hình lớn để trẻ dễ nhìn; các thiết bị học trực tuyến cần đặt xa mắt 50cm và dưới tầm mắt của trẻ, tuyệt đối không được đặt ngang và trên tầm mắt, bàn phím cần đặt ngang thắt lưng. Đồng thời phụ huynh cũng giúp con cân chỉnh cỡ chữ và độ sáng của màn hình phù hợp để tạo cho mắt trẻ cảm giác dễ chịu. Khu vực học tập của trẻ cũng cần đảm bảo đủ ánh sáng tự nhiên, không được quá tối sẽ ảnh hưởng đến thị lực. 

Ngoài ra, trong thời gian học trực tuyến, phụ huynh nên có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ. Các thực phẩm tốt cho mắt như cá hồi, cà rốt, dâu tây, cam, gấc, lòng đỏ trứng gà... Nên đưa trẻ đi khám mắt định kỳ 6 tháng/lần để có phương án điều trị phù hợp khi mắt trẻ có vấn đề. 

Còn bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phước, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Thống Nhất, lưu ý, trong trường hợp phải dùng tai nghe để học trực tuyến thì tốt nhất nên cho trẻ sử dụng tai nghe loại chụp, hạn chế sử dụng tai nghe nhét vào tai làm đau tai trẻ và tránh được tiếng ồn nhiều hơn. Đồng thời phụ huynh cũng cần điều chỉnh mức âm lượng vừa phải, khoảng 40-50dB.

“Điều kiện tốt nhất để bảo vệ tai là học tập ở phòng riêng, âm thanh từ thiết bị điện tử được mở vừa phải, khi đó sẽ tạo cảm giác như trẻ vẫn đang học trực tiếp tại lớp”, bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phước nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia y tế, việc lựa chọn bàn học, tư thế ngồi học cũng cần được chú trọng để giảm thiểu ảnh hưởng đến mắt cũng như các bộ phận khác trên cơ thể.

Cụ thể, nên chọn ghế ngồi và bàn học có thể điều chỉnh được độ cao, ghế có tựa lưng. Phụ huynh cần hướng dẫn con ngồi học trong tư thế đầu và lưng thẳng (không nghiêng hay cúi đầu), vai xuôi, chân hơi duỗi tạo góc giữa cẳng chân và đùi khoảng 90-1300. Phần thân trên và đùi tạo một góc mở 90-1200 nhằm giảm áp lực lên đĩa đệm cột sống và giảm ảnh hưởng bất lợi lên cột sống của trẻ.

Tin cùng chuyên mục