Bảo vệ người tiêu dùng yếu thế: Quy định hay, thực hiện khó ​

Thảo luận tại tổ ĐBQH TPHCM về dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), ĐB Nguyễn Thanh Sang nhận định, nội dung về bảo vệ người tiêu dùng (NTD) yếu thế như trong dự thảo luật này “rất hay, nhưng quy định như thế này thực hiện rất khó”.
ĐB Nguyễn Thanh Sang (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 2-11. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Nguyễn Thanh Sang (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 2-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Nguyễn Thanh Sang nêu câu hỏi: “Khi đi mua một sản phẩm, làm sao để biết người mua là người dân tộc thiểu số, hay ở hải đảo, vùng có điều kiện khó khăn? Nay nói được bảo vệ “theo pháp luật có liên quan” thì là pháp luật nào, không quy định cụ thể vào luật thì thực hiện rất khó”.

Cùng mối quan tâm, ĐB Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM nhận định, pháp luật hiện hành chưa có những quy định liên quan đến vấn đề này. Chương 5 dự thảo luật quy định về giải quyết tranh chấp cũng không đề cập đến trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đối với những NTD yếu thế. Để NTD yếu thế thực sự được bảo vệ tốt hơn, cần giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này.
Bảo vệ người tiêu dùng yếu thế: Quy định hay, thực hiện khó ​ ảnh 1 ĐB Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM phát biểu tại phiên thảo luận sáng 2-11-2022. Ảnh: QUANG PHÚC 

Một nội dung khác khiến ĐB Nguyễn Thị Lệ cũng rất băn khoăn được quy định tại Điều 72 của dự thảo về tổ chức xã hội có trách nhiệm bảo vệ NTD.

ĐB Nguyễn Thị Lệ nói: “Yêu cầu việc bảo vệ NTD phải đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh như dự thảo mà không làm rõ thế nào là “không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường” sẽ tiềm ẩn rủi ro các tổ chức bảo vệ NTD bị khiếu nại ngược".

ĐB Nguyễn Thị Lệ cũng dẫn chứng cụ thể về những cụm từ mang tính nghị quyết, thiếu định lượng không nên sử dụng trong luật. Bên cạnh đó, một số nghĩa vụ của người kinh doanh (như hủy bỏ thông tin NTD; bồi thường thiệt hại cho sản phẩm bị lỗi…) cũng được ĐB đề nghị quy định cụ thể ngay vào luật.

Ngược lại, NTD cũng có một số trách nhiệm cần nêu rõ vào luật, chẳng hạn trường hợp bên cung cấp sản phẩm dịch vụ đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm mà NTD vẫn cố ý sử dụng sản phẩm “fake”, sản phẩm lỗi…

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói: “Phải tuyên truyền cho người dân sống theo pháp luật, không mua và sử dụng hàng lậu, hàng trôi nổi”.

Bảo vệ người tiêu dùng yếu thế: Quy định hay, thực hiện khó ​ ảnh 2 ĐB Trần Kim Yến (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC
Nhắc lại vụ việc vi phạm của nhãn hàng pate Minh Chay, ĐB Trần Kim Yến (TPHCM) cho rằng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề rất bức xúc.
“Cần quy định dùng mọi giải pháp để thu hồi nhanh nhất những sản phẩm bị lỗi, có tác động rất lớn đến sức khỏe cộng đồng. Đừng để xảy ra tình trạng đi thẳng từ bàn ăn đến bệnh viện”, bà Trần Kim Yến nói.

Có chung mối quan ngại về tính mạng, sức khỏe NTD khi sử dụng dược phẩm giả, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, ĐB Phạm Khánh Phong Lan phát biểu: “Luật này cần điều chỉnh cân bằng trách nhiệm của cả 3 bên: doanh nghiệp cung ứng hàng hóa dịch vụ, NTD, Nhà nước. Cần bổ sung hoàn thiện quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong dự thảo luật này, xuyên suốt từ khâu thẩm định, cấp phép - bước đầu tiên để bảo vệ NTD - cho đến kiểm tra, giám sát, xử lý”.

Bảo vệ người tiêu dùng yếu thế: Quy định hay, thực hiện khó ​ ảnh 3 ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM)

Việc xử lý vụ việc thuốc giả trị ung thư H-Capita và nhiều loại dược phẩm giả, dược phẩm kém chất lượng mấy năm trước, theo ĐB, là chưa thỏa đáng, khi những người dân đã sử dụng thuốc không được đền bù thiệt hại. Thậm chí, ngay cả một số bệnh viện đã đấu thầu mua thuốc cũng là nạn nhân, vì những loại thuốc đã mua đã được cấp phép, được chứng nhận hẳn hoi.

Từ kinh nghiệm quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, ĐB Phong Lan cho hay: “Vấn đề hóc búa nhất liên quan đến bán hàng online. Kiểm soát các cửa hàng “ảo” trên mạng vô cùng khó khăn, nhất là với thực phẩm”. Theo ĐB, dự thảo luật này chưa đưa ra những giải pháp và chế tài đủ mạnh.

Tin cùng chuyên mục