Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới - Bài 3: “Cuộc chiến” trên không gian mạng

Khi công nghệ truyền thông, số hóa đang thay đổi sâu sắc, tác động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế, cách tư duy, lối sống của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng thì đòi hỏi công cuộc đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải có nhiều thay đổi để đáp ứng tình hình mới.
Các phóng viên tác nghiệp trong ngày khánh thành Trung tâm Báo chí TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Các phóng viên tác nghiệp trong ngày khánh thành Trung tâm Báo chí TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

 Không chỉ là những cuộc đấu tranh qua sách vở, báo chí, văn học nghệ thuật, tuyên truyền, diễn thuyết truyền thống nữa mà không gian mạng, cụ thể là internet và mạng xã hội (MXH) đang thực sự là “chiến trường lớn” của cuộc đấu tranh này.

Phải chủ động thông tin

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương và nhiều chuyên gia, hiện nay báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội “vượt mặt”, mất vị trí độc quyền; qua mặt về tốc độ trong việc cung cấp thông tin đến độc giả. Tuy nhiên, nhiều thông tin trên MXH mang tính cá nhân, phạm vi thông tin dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, động cơ, mục đích không rõ ràng, thậm chí là với mục đích xuyên tạc, lừa đảo, tung tin giả để lôi kéo sự chú ý. Cơ quan báo chí không kiểm chứng thông tin sẽ bị dẫn dắt, lôi kéo theo các thông tin sai sự thật, có thể gây tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo. Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đang thực hiện những chiến lược nhằm khai thác MXH để thu hút, gia tăng lượng người truy cập, quảng bá hình ảnh, thương hiệu chất lượng thông tin đến cộng đồng mạng. Tuy nhiên, khi những MXH lớn dùng tính năng hạn chế chia sẻ đường link báo chí trên nền tảng của họ thì báo chí có nguy cơ bị sụt giảm lượng người đọc và giảm khả năng tương tác. 

"Thách thức từ MXH là rất lớn. Nhưng thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của những người làm báo và hành động chưa kiên quyết, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp cũng như các cơ chế quản lý nhà nước về thông tin" -
Đồng chí Võ Văn Thưởng


Theo PGS-TS Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, chưa bao giờ các phương tiện thông tin kỹ thuật số, mạng internet lại được các thế lực thù địch huy động, sử dụng triệt để, ráo riết như hiện nay để tập trung chống phá sự lãnh đạo và nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam với những thủ đoạn hết sức tinh vi. Vì vậy, Đảng ta luôn nhấn mạnh yêu cầu, không chỉ vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, mà phải tăng cường tổ chức đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng ta cần xây dựng cơ chế phòng ngừa, đấu tranh thông qua các phương thức, hình thức, công cụ đa dạng.

Một vấn đề đặt ra: Phải chăng, trong mọi trường hợp, báo chí đều đi sau MXH? Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng đây thực sự là một câu hỏi nghiêm túc và chúng ta đã có những bài học đắt giá. Nhiều trường hợp ta nắm trước thông tin, kênh thông tin của chúng ta cũng rất đa dạng, hoàn toàn có thể chủ động, nhưng chính sự chậm trễ của chúng ta đã “trao tặng” lợi thế cho MXH về thông tin. Một số MXH thù địch trộn vào đó cả những tin giả, xuyên tạc, suy diễn ác ý, tác động rất tiêu cực đến xã hội. 

Nếu chúng ta thực hiện nhất quán phương châm chủ động, nhạy bén; cơ quan nắm thông tin làm tốt trách nhiệm, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí; sự phối hợp giữa bộ, ngành, địa phương với cơ quan chỉ đạo, quản lý kịp thời, thống nhất hơn; cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản quan tâm, thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả hơn việc tạo điều kiện về thông tin cũng như cổ vũ, động viên, hỗ trợ, bảo vệ nhà báo; cơ quan báo chí thực hiện các nhiệm vụ, tỉnh táo thực hiện chặt chẽ quy trình và phê phán mạnh mẽ hơn điểm yếu của không ít MHX… chắc chắn chúng ta sẽ nắm chắc được quyền chủ động thông tin, phê phán, phản bác một cách sắc bén hơn các thông tin sai, luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước ta; đập tan những mưu toan thâm độc cũng như làm tan rã những đồn đoán, suy diễn.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo và báo chí năm 2018 và triển khai công tác năm 2019, đồng chí Võ Văn Thưởng đã lấy sự kiện quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang hồi tháng 9-2018 làm ví dụ. Trong sự kiện này, báo chí đã đi trước MXH và chúng ta đã có kinh nghiệm. Sự kiện này đã đặt ra những tiền lệ chưa từng có trong chỉ đạo thông tin. Tuy có góc độ cần phải tiếp tục hoàn thiện, nhưng cơ bản, chúng ta giải quyết được vấn đề chủ động thông tin. Trước đó, năm 2013 khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, vì thời gian chờ thông tin lâu, nên toàn bộ thời gian đó, chúng ta nhường cho MXH; một số báo sốt ruột phải xé rào, vi phạm quy định. 

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng cho rằng, internet giờ đây không chỉ là một khái niệm công nghệ, môi trường công nghệ mà đã trở thành một “miền chiến sự” mới, nơi mà cuộc đấu tranh trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, cần phải thống nhất về tầm quan trọng của cuộc đấu tranh trên không gian mạng hiện nay, từ đó xây dựng và phát triển mạnh mẽ lực lượng đấu tranh trên mặt trận này, ngăn chặn và triệt phá kịp thời mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; chủ động kịp thời định hướng thông tin, đưa thông tin chính thống đến người dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị.

Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, chúng ta theo dõi tình hình thì trước Đại hội XII khoảng 2 năm đã xuất hiện hàng loạt danlambao, quanlambao, thongtinquyenluc… Nếu không chủ động từ bây giờ, chúng ta lại bị động đối phó với những tình trạng như Đại hội XI và XII.

Khẳng định chủ quyền quốc gia

Với chính sách thông thoáng, cởi mở, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ và tỷ lệ người sử dụng internet, MXH cao nhất thế giới. Kết thúc năm 2018, các số liệu thống kê được kiểm chứng cho thấy, Việt Nam có khoảng 64 triệu người dùng internet, xếp hàng 16 thế giới. Riêng MXH Facebook, Việt Nam hiện có hơn 60 triệu tài khoản đang hoạt động thường xuyên, xếp thứ 7 thế giới. Tuy nhiên, trên 2 MXH phổ biến ở Việt Nam hiện nay là Facebook và YouTube (Google), việc mạo danh cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức không còn là chuyện hiếm; việc thông tin bịa đặt, thông tin giả mạo, cố tình vu khống, chống phá chế độ, Đảng đang diễn ra thường xuyên. 

Trong 2 năm vừa qua, Bộ TT-TT đã có nhiều cuộc làm việc với Facebook và Google về vấn đề kiểm soát thông tin vi phạm pháp luật. Đến giữa năm 2019, Google mới chỉ ngăn chặn, gỡ bỏ khoảng 8.000 clip và còn khoảng 55.000 clip có nội dung độc hại, bóp méo sự thật chưa được ngăn chặn, gỡ bỏ. Trong khi đó, Facebook đã gỡ bỏ khoảng 3.000/4.500 liên kết (link) có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam; gỡ bỏ 165 tài khoản mạo danh, 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, trong khi các cơ quan chức năng Việt Nam tích cực thông báo yêu cầu bóc gỡ tin, bài và tài khoản vi phạm thì các nhà cung cấp dịch vụ MXH xuyên quốc gia lại luôn thực hiện rất chậm.

Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hiện nay, nhất là trong bối cảnh tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, cần phải tăng cường chỉ đạo, định hướng quản lý báo chí xuất bản và tăng cường quản lý thông tin trên MXH, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới. MXH thực sự đã và đang có tác động rất lớn đến đời sống, tư tưởng của xã hội. Chúng ta cần biết rõ, nắm vững để “sống với nó” cũng như quản lý, định hướng. MXH là thành quả của cách mạng khoa học kỹ thuật, toàn thế giới áp dụng. Tuy nhiên, cả thế giới cũng đang đứng trước những thách thức lớn trong quản lý MXH, đối phó với mặt trái của MXH. Chúng ta đi sau, nhưng chúng ta phải quản lý, định hướng MXH vì mục đích của chúng ta. Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng chỉ rõ, sự tác động của MXH là rất lớn nên chúng ta phải tuyên truyền, chủ động thông tin định hướng để người dân hiểu rõ các vấn đề liên quan; không để các thế lực thù địch lợi dụng MXH để chống phá, kích động người dân.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay, việc bảo đảm những quy định trong Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống, phát huy sức mạnh, hiệu quả là hết sức cần thiết. Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền và việc tăng cường kiểm soát an ninh mạng, trong đó có hoạt động truyền thông mạng xã hội sẽ góp phần xác lập chủ quyền quốc gia trên internet, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh, việc lợi dụng không gian mạng để gây hại đang ngày một gia tăng, vì vậy an ninh không gian mạng là vấn đề đòi hỏi bức thiết trong thế giới thực. Đời thực có cái gì thì trên không gian mạng có cái đó. Chúng ta phải có chế tài, phương pháp để làm sạch không gian mạng, đảm bảo an toàn an ninh mạng, phục vụ đất nước phát triển nhanh, bền vững. Thời gian qua, hàng loạt sai phạm của 2 mạng xã hội lớn nhất thế giới tại Việt Nam là Facebook và Google đã được chỉ ra. 

“Tôi kêu gọi sự thượng tôn pháp luật của tất cả các bên liên quan, trên môi trường mạng. Việt Nam đang có một khát vọng lớn lao, trở thành nước thịnh vượng vào năm 2045. Mỗi doanh nghiệp Việt Nam phải mang trong mình khát vọng này. Chúng tôi kêu gọi sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới. Các bạn đến đây làm ăn, thu tiền, trở lên giàu có thì các bạn cũng phải góp sức, góp phần cho đất nước này thịnh vượng hơn, ổn định và phát triển hơn. Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào làm ăn nhưng không tuân thủ pháp luật!”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Tin cùng chuyên mục