Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

Để bảo vệ môi trường trong lưu vực sông Đồng Nai, UBND TPHCM vừa kiến nghị Bộ TN-MT đề nghị Chính phủ và các bộ ngành sớm triển khai xây dựng, công bố quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng.

Từ đó, làm cơ sở để TPHCM căn cứ tích hợp vào quy hoạch chung của địa phương nhằm đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước, bảo vệ môi trường, phòng chống và ứng phó với biến đổi khí hậu mang tính liên tỉnh, liên vùng. 

Triển khai 3 nhà máy xử lý nước thải vào năm 2020

Báo cáo với Bộ TN-MT về kết quả triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn TPHCM đến năm 2020, UBND TPHCM cho biết thành phố đã xây dựng 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung, gồm: Nhà máy Bình Hưng giai đoạn 1, công suất 141.000m3/ngày; Nhà máy Bình Hưng Hòa công suất 30.000m3/ngày; Nhà máy Tham Lương - Bến Cát giai đoạn 1 (chưa đi vào hoạt động, đang trong giai đoạn vận hành thử), công suất 131.000m3/ngày.

Do đó, nếu tính luôn lượng nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý cục bộ tại các khu dân cư mới, khu thương mại dịch vụ và khu chung cư (khoảng gần 200.000m3/ngày) thì tổng lượng nước thải đô thị trên địa bàn TPHCM được thu gom, xử lý trước khi thải ra môi trường là khoảng hơn 370.000m3/ngày, đạt tỷ lệ 21,2%.

Dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ có Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát chính thức đi vào hoạt động, triển khai Nhà máy Bình Hưng giai đoạn 2 nâng công suất lên 469.000m3/ngày và Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè công suất 480.000m3/ngày.

Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai ảnh 1 Một khúc sông Sài Gòn (thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai) trên địa bàn TPHCM

Về nước thải công nghiệp, đến tháng 8-2019, TPHCM có 4.335 cơ sở sản xuất công nghiệp (gồm 3.035 cơ sở bên ngoài khu công nghiệp; 1.300 cơ sở trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và 2 cụm công nghiệp).

Trong đó, có 4.200/4.335 cơ sở đã thực hiện thu gom, xử lý nước thải công nghiệp đạt chuẩn QCVN 40: 2011/BTNMT, chiếm tỷ lệ 96%. Các cơ sở chưa có hệ thống xử lý nước thải hầu hết có quy mô tương đối nhỏ, hoạt động lâu đời, xen cài trong khu dân cư.

Đối với nước thải y tế, đến tháng 8-2019, trong tổng số 121 bệnh viện trên địa bàn thành phố, đến nay hầu hết đã có hệ thống xử lý nước thải với tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn QCVN 28: 2010/VTNMT, chiếm tỷ lệ gần 99%; còn lại 2 đơn vị đang triển khai đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải là Bệnh viện Truyền máu Huyết học và Bệnh viện Quận Bình Tân.

Cần hướng dẫn các biện pháp cưỡng chế

Về đầu tư xử lý ô nhiễm lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn TPHCM, nhằm thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2020 chỉ còn tối đa 50% và đến năm 2025 chỉ còn 20%, TPHCM đã chuyển đổi công nghệ của 3 nhà máy xử lý rác hiện hữu, với tổng công suất dự kiến sau khi chuyển đổi là 6.000 tấn/ngày; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý - tái chế chất thải rắn công suất 500 tấn/ngày của Công ty cổ phần Tasco và Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ khí hóa Plasma công suất 1.000 tấn/ngày của Công ty Trisun Green Energy.

Liên quan đến vấn đề môi trường liên tỉnh, Sở TN-MT TPHCM đã lập kế hoạch phối hợp với từng tỉnh cụ thể (gồm Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Đồng Nai) để triển khai các nhiệm vụ đã được UBND các tỉnh đồng thuận; phối hợp với UBND quận huyện, các lực lượng chức năng liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra phát hiện và ngăn chặn các hoạt động khai thác, nạo vét cát trái phép trên sông, đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa các địa phương như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Đồng Tranh và vùng biển Cần Giờ.

Tuy nhiên, nhằm triển khai hiệu quả Luật Quy hoạch 2017 và Nghị định 37/2019 (quy định về công tác quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông và ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu), TPHCM đề nghị Chính phủ và các bộ ngành sớm triển khai xây dựng và công bố quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng.

Thành phố cũng kiến nghị Bộ TN-MT xem xét, trình Chính phủ một số nội dung: Chỉ đạo UBND các tỉnh thành giáp ranh hành chính với TPHCM thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp, kiểm soát nguồn thải ra sông kênh rạch giáp ranh liên tỉnh; hướng dẫn chi tiết việc áp dụng Nghị định 55/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường; hướng dẫn áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành đối với việc buộc khắc phục hành vi gây ô nhiễm môi trường như buộc xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý chất thải…

Sở TN-MT TPHCM cũng đề xuất thực hiện cưỡng chế thi hành bằng các biện pháp ngừng cung cấp nước, cung cấp điện vì phù hợp với thực tế, dễ thực hiện và ít tốn kém, áp dụng được hầu hết lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Trong năm 2019, Sở TN-MT TPHCM đã thành lập 7 đoàn kiểm tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường của 131 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nằm trong lưu vực sông Đồng Nai. Qua đó, UBND TPHCM và sở đã ban hành 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 5,81 tỷ đồng. Phòng Cảnh sát môi trường Công an TPHCM đã kiểm tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm của 235 doanh nghiệp, ban hành 118 quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 10,1 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục